Ngày 16/12, Bộ NN-PTNT gửi Công văn số 8551/BNN-CBTTNS-SPS tới các cơ quan, tổ chức để xin ý kiến về dự thảo Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do (FTA)”.
Mục tiêu của đề án là: (1) Nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của WTO và các FTA thế hệ mới trong thương mại nông, lâm, thủy sản và thực phẩm quốc tế;
(2) Xây dựng các biện pháp SPS phù hợp để bảo vệ sức khỏe con người và động thực, vật trên lãnh thổ Việt Nam; nâng cao năng lực quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường xuất khẩu;
(3) Tận dụng tối đa cơ hội đầu tư của các nước thành viên WTO và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam.
Định hướng đến năm 2025, đề án sẽ giúp ngành nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP và tương đương trên diện tích khoảng 3 triệu ha trồng trọt; 30.000 ha thủy sản, và khoảng 15.000 cơ sở chăn nuôi.
Đồng thời, đề án phấn đấu đạt tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm sản, thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 hoặc tương đương tăng tương ứng là 10%/năm và 15%/năm; 80% các hợp tác xã (HTX) được phổ biến, cập nhật các quy định SPS của thị trường nhập khẩu; 100% các địa phương kiện toàn hệ thống đầu mối hỏi đáp các quy định SPS của thị trường nhập khẩu.
Định hướng đến năm 2030, đề án sẽ giúp ngành nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP và tương đương trên diện tích khoảng 10 triệu ha trồng trọt; 100.000 ha thủy sản, và khoảng 25.000 cơ sở chăn nuôi.
Một trong những giải pháp trọng tâm của đề án, là nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, Bộ NN-PTNT được giao chủ trì lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình liên quan như: Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới...
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi SPS và cam kết SPS trong khuôn khổ các FTA” mang tới nhiều bước đột phá.
Thứ nhất, đề án nhấn mạnh và tập trung vai trò của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và HTX trong việc nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Thứ hai, Việt Nam sẽ có căn cứ để đánh giá hệ thống SPS của 5 thị trường lớn trên thế giới, đồng thời rút ra bài học cho hệ thống sản xuất trong nước. Thứ ba, đây là lần đầu tiên Hệ thống SPS của Việt Nam được đánh giá, tính từ thời điểm gia nhập WTO cách đây 14 năm.
Khi đề án được triển khai, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tập trung xây dựng Bản tin SPS Việt Nam. Mục đích là phổ biến thông tin SPS của thị trường; hướng dẫn việc đáp ứng các quy định về SPS; phổ biến thông tin về SPS lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bộ NN-PTNT đã hoàn thành hồ sơ gồm: (1) Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án; (2) Dự thảo Tờ trình Thủ tướng xin phê duyệt Đề án; (3) Thuyết minh Đề án. Trên cơ sở này, Bộ NN-PTNT gửi Công văn xin ý kiến tới các đơn vị: Bộ Công thương, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Thông tin & Truyền thông, Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI), Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và các hiệp hội liên quan.
"Thực hiện quy trình xây dựng Đề án trình Chính phủ, Bộ NN-PTNT trân trọng đề nghị Quý cơ quan nghiên cứu, góp ý kiến với dự thảo hồ sơ Đề án để Bộ NN-PTNT tổng hợp, hoàn thiện Đề án trình Chính phủ theo quy định", Công văn số 8551 nêu rõ.
Đầu mối tổng hợp các ý kiến là Văn phòng SPS Việt Nam. Hạn cuối là ngày 21/12/2021.