| Hotline: 0983.970.780

Đê bao chống lũ vùng trũng Hải Lăng: Giấc mơ ngàn năm đã thành

Thứ Ba 10/06/2014 , 08:05 (GMT+7)

Giải pháp lớn nhất của dự án chống lũ cho vùng trũng Hải Lăng là việc nâng cấp xây dựng tuyến đê bao bê tông ngăn lũ dài hơn 56 km, xây dựng và sửa chữa 152 cống, cầu các loại, xây dựng mới 2 trạm bơm tiêu.

"Chủ động đối phó với các loại thiên tai, hạn chế thiệt hại về người, tài sản, góp phần quan trọng phát triển sản xuất, ổn định đời sống người dân là ý nghĩa to lớn mà dự án đê bao chống lũ và khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai đã đem lại cho người dân vùng trũng Hải Lăng", ông Nguyễn Văn Bài - GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị, khẳng định như vậy.

Sống ở nơi thấp hơn mực nước biển 1m

Vùng trũng huyện Hải Lăng thuộc tỉnh Quảng Trị những ngày cuối vụ ĐX mùi rơm rạ thoang thoảng dưới cái nắng gió lồng lộng. Mùa vụ vừa xong, ruộng đồng trơ cuống rạ, rơm rải dọc đường vương lên bờ dâm bụt. Bên ao nước hoa sen nở đầy, hương thơm nhè nhẹ len lỏi vào từng nhà dân.

Nhìn làng quê Hải Lăng trong cảnh thái bình, hạnh phúc, cụ Nguyễn Danh ở xã Hải Hòa xúc động cho biết 5 năm trở lại đây cuộc sống nông dân vùng trũng có nhiều thay đổi lớn lao, nhất là từ khi có hệ thống đê bao chống lũ bảo vệ.

Cùng đi với chúng tôi về vùng trũng lần này có ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng NN-PTNT. Chiếc ô tô của Ban Chỉ huy PCLB của huyện cứ chạy bon bon trên đê bê tông. Ông Hải giới thiệu công trình này thuộc tiểu dự án chống lũ cho vùng trũng huyện Hải Lăng và dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005.

Công trình ra đời nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân Hải Lăng thường xuyên ngập lũ. Đây là công trình đa năng, vừa là đê chống lũ, vừa là đường giao thông liên xã, liên thôn, chưa địa phương nào có được mô hình ý nghĩa như Hải Lăng.

Vùng trũng của huyện Hải Lăng gồm 12 xã, nằm ở hạ lưu của các sông Ô Lâu, Ô Giang, Thác Ma, Vĩnh Định, Nhùng. Ruộng đồng bát ngát phì nhiêu, song nhiều nơi thấp hơn mực nước biển từ 0,5 đến 1m. Nhớ những năm trước khi chưa có hệ thống đê bao bê tông chỉ cần một trận mưa lớn vài tiếng đồng hồ, nước từ các sông tràn vào đồng gây ngập lụt nặng, bờ đê bằng đất nhiều đoạn bung ra, bà con phải đi hộ đê trong mưa lũ.

Theo ông Hải, vùng trũng Hải Lăng chiếm 5.300/6.700 ha ruộng lúa của huyện và 1/4 diện tích gieo cấy lúa của toàn tỉnh Quảng Trị. Hàng năm, ngoài lũ chính vụ thường xuất hiện vào tháng 9, tháng 10 hoặc có lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ đầu vụ đe dọa sản xuất thường xuyên, cướp đi thành quả lao động của bà con nhân dân, nhiều người dân bị lũ làm chết và mất tích. Nỗi đau ấy nông dân đã phải gánh chịu ngàn năm qua.

Xây đê bao bê tông dài hơn 56 km...

Cho đến năm 2008, nhờ sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện dự án trên, gồm 2 phần, 2 giải pháp chính. Giải pháp công trình gồm nâng cấp hệ thống đê bao bằng đất của vùng trũng bằng đê bê tông, xây dựng hạ tầng thiết yếu phòng chống lũ lụt như nhà tránh lũ và giải pháp phi công trình.

Giải pháp lớn nhất của dự án chống lũ cho vùng trũng Hải Lăng là việc nâng cấp xây dựng tuyến đê bao bê tông ngăn lũ dài hơn 56 km, xây dựng và sửa chữa 152 cống, cầu các loại, xây dựng mới 2 trạm bơm tiêu. Tuyến đê mới được xây dựng nhằm đảm bảo chống được lũ tiểu mãn, lũ sớm và lũ đầu vụ ĐX, bảo đảm an toàn trong lũ chính vụ.

Đê được kiên cố hóa 3 mặt bằng các tấm bê tông dày, sau khi qua lớp vải địa kỹ thuật, mặt đê rộng trung bình 4m có những nơi rộng 5m kết hợp giao thông đi lại thuận tiện cho bà con nông dân khi sản xuất thu hoạch vụ mùa. Mái và đỉnh đê đảm bảo ổn định khi lũ chính vụ tràn qua. Trên tuyến đê còn bố trí cứ 500m có một điểm tránh xe ô tô rộng rãi.

19-57-17_vung-trung-2
Một dự án đa năng vừa đê bao chống lũ, vừa đường giao thông vững chắc

Ông Nguyễn Khánh Tán ở xã Hải Tân cho biết, trước đây chưa có đê bao bê tông thì mỗi khi lũ về nước tràn qua đê đất vào ruộng, gây ngập úng. Cơ cấu thời vụ trên toàn bộ diện tích gặp nhiều khó khăn vì khi lũ về làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch, sản xuất.

Được sự quan tâm của nhà nước xây dựng đê bao đã giúp chống lũ, hạn chế việc ngập úng, thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển cho bà con khi thu hoạch. Giấc mơ ngàn năm của nhiều thế hệ về một hệ thống đê bao vững chắc nay đã thành hiện thực.

Cùng với hệ thống đê bao là 18 nhà tránh lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng giúp nhân dân mỗi khi có lũ về họ di chuyển từ nhà thấp lên nhà cao, ổn định hơn. Đặc biệt ưu tiên các đối tượng là người già, trẻ em và phụ nữ và những hoàn cảnh khó khăn để họ chủ động trong phòng chống, giảm nhẹ thiên tai một cách tích cực nhất.

Hệ thống thông tin liên lạc, trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ được trang bị đầy đủ để người dân chủ động liên lạc với Ban PCLB kịp thời triển khai các công tác cứu hộ cứu nạn về tài sản an toàn tuyệt đối trên 12 xã. Ngoài ra dự án còn thực hiện việc nạo vét đoạn cuối dòng sông Ô Lâu với tổng chiều dài hơn 3km.

Bà Lê Thị Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, công trình hệ thống đê bao vùng trũng hoàn thành mang lại lợi ích tổng hợp. Ngăn được lũ đến sớm, chủ động sản xuất trong 2 vụ ĐX và HT. Tạo thành hệ thống giao thông nông thôn giúp cho việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra còn có hệ thống đi kèm là nhà chống lũ và hệ thống thông tin, về mùa lũ đây là những nơi tránh lũ cho người nông dân ở vùng thấp, về mùa khô thì đây là nơi dùng làm nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà mẫu giáo, trường học…

Sớm mang lại hiệu quả

Song song với tiểu dự án chống lũ là chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cũng đã được thực hiện thêm ở xã Hải Lâm, Hải Quy của huyện Hải Lăng. Đây là hai địa phương thường xuyên phải đối mặt với các đợt lũ quét và các loại thiên tai khác xảy ra hàng năm.

Dự án được thực hiện với các nội dung đào tạo nâng cao nhận thức kỹ năng phòng chống thiên tai cho cộng đồng. Trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn, thông tin liên lạc và xây dựng đường liên thôn cứu hộ, cứu nạn ở các vùng trọng yếu cho 2 xã.

Theo ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, ý nghĩa lớn nhất của các công trình trên là phòng chống giảm nhẹ thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, chủ động sản xuất nông nghiệp, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, giúp cho cuộc sống của người dân trong vùng lũ ngày càng ổn định.

 Là công trình tổng hợp tất cả các dự án kể cả phi công trình hay công trình, làm nhiệm vụ lớn nhất là ngăn mặn, ngăn lũ sớm, lũ tiểu mãn đảm bảo an toàn ngăn úng, đồng thời chủ động tiêu úng đầu vụ ĐX. Vì ngoài hệ thống đê thì gồm có các công trình cầu cống trên đê và hai công trình trạm bơm tiêu để giúp chủ động tiêu đầu vụ cũng như cuối vụ ĐX hay HT, đảm bảo kết quả sản xuất thắng lợi.

Công trình trên sớm mang lại hiệu quả mà người dân mong đợi. Vụ sản xuất ĐX 2009-2010 được xem là một vụ bất lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị do ảnh hưởng nặng nề của 2 cơn bão lũ số 9 và số 10. Tuy nhiên, nhờ hệ thống đê bao bảo vệ mà năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 57 tạ/ha cao nhất từ trước đến thời điểm đó.

Từ khi công trình có ý nghĩa trên hoàn thành đến nay là 5 năm. Không phải ngẫu nhiên mà 5 năm qua là thời gian “mưa thuận gió hòa” cho người dân trong vùng trũng Hải Lăng. Không còn những trận lũ bất ngờ từ thượng nguồn đổ về, tràn vào đồng ruộng, phá nát làng xóm. Thoát được lũ, bà con nông dân có cuộc sống an toàn, có điều kiện gieo trồng đúng thời vụ, có thời gian thâm canh tăng năng suất nên lúa, màu liên tục được mùa.

Ông Trần Duy Phước ở xã Hải Dương vui ra mặt cho biết 5 năm qua bà con nông dân rất phấn khởi. Sản xuất lúa được mùa nhất từ trước đến nay, năng suất có xã đạt 8 tấn/ha. Qua các mùa mưa lũ nhưng công trình đê bao rất đảm bảo, giúp người dân ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất và phát triển kinh tế.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT khi về kiểm tra dự án đê bao chống lũ vùng trũng Hải Lăng đã đánh giá rất cao cách làm trên của tỉnh Quảng Trị. Từ mô hình này có thể là tiền đề để ngành NN-PTNT tỉnh tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Quảng Trị xây dựng đề án sống chung với lũ tại các vùng trũng trên địa bàn trong thời gian tới.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.