| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 06/01/2018 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 06/01/2018

Đề đúng, giải đúng, kết quả… sai!

Ấy là nói về không ít trường hợp trong việc bổ nhiệm cán bộ của ta mà qui trình giống như đề bài, thực hiện qui trình như giải bài và kết quả thì… không đúng.

Có thể khẳng định nhìn vào qui trình bổ nhiệm cán bộ của ta phải nói là rất chặt chẽ. Ông Tô Huy Rứa, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương từng cho biết qui trình rất chặt chẽ, lựa chọn chính xác, qua nhiều bộ lọc, đặc biệt là chống tiêu cực. “Không thể “chạy” được năm cơ quan ở trung ương và thêm địa phương nữa là sáu cơ quan mặc dù có đồn thổi nhưng chắc chắn là không có “chạy”".

Điều này là chính xác bởi theo qui trình cán bộ hiện nay, trước khi bổ nhiệm một chức vụ nào đó phải qua nhiều “cửa” với sự đồng ý của nhiều cấp, từ cơ sở đến cấp cao hơn. Việc thực hiện cũng được tiến hành rất chặt chẽ, đúng qui trình với đầy đủ các điều kiện cần và đủ. Công tác thực hiện luôn được đánh giá là rất trong sáng, vô tư, khách quan, nghiêm túc…

Thế nhưng kết quả thì với những gì đã và đang diễn ra vừa qua, không khỏi có ít nhiều thất vọng. Đặc biệt là những vi phạm của một số cán bộ cao, rất cao đã khiến dư luận khó có thể không hoài nghi.

Xin hỏi trường hợp ông Đinh La Thăng có đúng qui trình không? Chắc chắn là có. Trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Châu Thị Thu Nga có đúng qui trình không? Chắc cũng đúng. Vụ ông Võ Kim Cự có đúng qui trình không? Hẳn là không sai…

Gần đây nhất là vụ ông Nguyễn Xuân Anh và Lê Phước Hoài Bảo, đặc biệt là ông Bảo thì 101% là đúng qui trình bởi sau khi ông Bảo được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, dư luận xôn xao, Bộ Nội vụ còn cử hẳn một đoàn do một vị Thứ trưởng vào Quảng Nam kiểm tra và đã kết luận… “đúng qui trình”!

Những điều này cho thấy về bản chất, qui trình đặt ra là nhằm để hướng tới, đạt được những kết quả tốt, làm tăng hiệu quả công việc. Song qui trình dù có chính xác đến mấy, nó cũng chỉ là cái cân mà dẫu là cân điện tử tối tân, chính xác thì cũng là do con người làm ra và sử dụng cái cân đó.

Người xưa có câu: “Cầm cân, nẩy mực”. Vấn đề là ở chỗ người cầm cân, nảy mực ấy có trách nhiệm không? Có năng lực không? Có trong sáng không?...

Thực tế là hiện nay, đã có biểu hiện một số cá nhân sử dụng ba chữ "đúng qui trình" để cố ý lấp liếm, bao che cho cấp dưới, cho "cánh hẩu", chạy tội cho mình, đổ lỗi cho người khác... Ba chữ “đúng qui trình” còn được dùng như lá chắn cho họ trước những "cơn bão" dư luận khi những việc làm khuất tất của họ bị phanh phui, khi hậu quả những những việc làm trái bị lộ ra.

Tóm lại, qui trình là do con người làm. Sử dụng qui trình cũng là con người. Qui trình sai thì phải sửa. Nhưng nếu qui trình vẫn đúng nhưng có người cố ý vận dụng sai, đổ lỗi cho quy trình, gây ra những hậu quả tồi tệ cho xã hội, cho đất nước mà vẫn mồm mép trơn tuột nói "đúng qui trình" thì không thể khác, cần phải thay thế, loại bỏ họ.

Không có chuyện qui trình đúng, thực hiện nghiêm mà kết quả lại sai, hậu quả để lại không chỉ thiệt hại về kinh tế, tha hóa đội ngũ mà còn mất niềm tin của nhân dân.

Bình luận mới nhất