| Hotline: 0983.970.780

Để giá dừa Bình Định không lệ thuộc vào... Trung Quốc

Thứ Hai 28/10/2019 , 09:09 (GMT+7)

Sở hữu nguồn nguyên liệu khổng lồ, nhưng dừa Bình Định hiện chủ yếu xuất khẩu thô sang thị trường Trung Quốc, chỉ phần nhỏ được đưa vào chế biến. Trong khi XK dừa thô sang Trung Quốc không ổn định.

Xuất khẩu thô là chủ yếu

Bình Định hiện có khoảng 10.000ha dừa, tập trung tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát; sản lượng đạt khoảng 97.368 tấn/năm, tương đương 81 triệu quả.

03-58-02_1
Dừa được bóc vỏ để XK sang thị trường Trung Quốc.

Trong đó, dừa tươi dùng để uống nước là 16 triệu quả, số còn lại là dừa hái khô XK sang Trung Quốc. Điều đáng nói là mặc dù Bình Định đang sở hữu nguồn nguyên liệu dừa rất lớn, nhưng ngành chế biến dừa ở tỉnh này hiện còn rất yếu, chỉ mỗi HTXNN Ngọc An ở huyện Hoài Nhơn là có chế biến tinh dầu dừa, nhưng quy mô còn rất nhỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTXNN Ngọc An, cho biết hiện năng lực chế biến tinh dầu dừa của HTX chỉ đạt khoảng từ 30.000 – 36.000 lít/năm. Do đó, nguyên liệu cần cho hoạt động này cũng rất ít. “Số lượng dừa nguyên liệu HTX dùng để chế biến tinh dầu dừa chỉ chiếm một phần bé nhỏ trong tổng sản lượng dừa của cả tỉnh. Hoạt động chủ yếu của HTX là thu mua dừa khô trong các hộ thành viên và trong dân để XK sang Trung Quốc”, ông Nghiệp nói.

Hiện nay thị trường Trung Quốc chủ yếu nhập dừa nguyên quả. Dừa khô được bóc lớp vỏ ngoài, phần sọ dừa bên trong còn cả nước được phía Trung Quốc thu mua rất mạnh. Cũng theo ông Nghiệp, trong tổng sản lượng dừa hàng năm của Bình Định, chiếm phần lớn là được cung ứng cho thị trường Trung Quốc. Đó chỉ mới là nói riêng về dừa ở Bình Định, số lượng dừa mà các địa phương trong nước bán cho Trung Quốc con số “khủng” hơn rất nhiều. Do tiêu thụ dừa với số lượng lớn như vậy, nên hiện thị trường Trung Quốc đang quyết định giá dừa tại Việt Nam.

03-58-02_2
Hàng năm người trồng dừa ở Bình Định thu hoạch 81 triệu quả dừa, trong đó 16 triệu quả dùng uống nước, còn lại là dừa khô XK đi Trung Quốc.

“Ví như vào thời điểm này năm ngoái, giá dừa tại địa phương tăng đến 15.000đ/quả, do thị trường Trung Quốc thu mua dừa ào ạt. Thế nhưng hiện nay do sức mua của Trung Quốc rất yếu, nên giá dừa tuột xuống chỉ còn 5.000đ/quả, mất đứt 2/3 giá so năm ngoái”, ông Nghiệp bộc bạch.
 

Làm sao tránh lệ thuộc

TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho rằng, không có loại quả nào như quả dừa, có thể sử dụng từ thân cây, vỏ đến sọ dừa, cơm dừa và nước dừa. Vỏ quả dừa (còn gọi là xơ dừa) được ép thành bánh, cho vào những chất dinh dưỡng cho cây trồng, sau đó XK sang những nước làm nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng và phát triển nông nghiệp đô thị.

Sọ dừa thì được chế biến thành than hoạt tính, loại than đang được các nước châu Âu thu mua mạnh với giá trị cao. Thân cây dừa được tách sợi để làm đồ thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng, phù hợp với xu thế của xã hội hiện nay là không dùng đồ vật làm bằng nhựa tái chế, nên những sản phẩm thân thiện với môi trường được làm từ dừa sẽ được người tiêu dùng cả thế giới ưa chuộng.

Cơm dừa ngoài chế biến tinh dầu, còn là nguyên liệu để chế biến thành nhiều sản phẩm đặc biệt khác là sữa dừa, kem dừa dưỡng da, sấy khô chế biến thành nhân bánh sôcôla, nhân các loại bánh lương thực khác.

03-58-02_3
Sản phẩm dầu dừa tinh khiết của HTXNN Ngọc An.

“Trung Quốc còn dùng cơm dừa để ép ra một loại nước giải khát gọi là sữa dừa có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, phù hợp cho trẻ em phát triển thể chất. Chỉ xơ dừa ở Việt Nam mới chỉ được làm nguyên liệu để dệt thảm chùi chân hoặc làm dây dừa, còn Nhật Bản nhập chỉ xơ dừa về để SX nệm ghế xe ô tô cao cấp. Mút cao su làm nệm ghế xe ô tô không có sức hút tự nhiên, sẽ gây hại cho sức khỏe, người tiêu dùng các nước tiến bộ không ưa chuộng. Trong khi đó nệm ghế ô tô làm bằng xơ dừa hút ẩm, hút mồ hôi rất tốt”, ông Nguyễn An Điềm, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Pisico Bình Định, phân tích thêm.

Vấn đề được đặt ra là phải làm gì để dừa không quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay? Trả lời câu hỏi này, TS Hồ Huy Cường khẳng định không gì khác hơn là phải chuyển đổi mạnh từ XK thô sang chế biến sâu những sản phẩm từ dừa, tạo đầu ra cho dừa nguyên liệu.

Đây cũng là khát vọng của HTXNN Ngọc An. Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX, cho rằng hoạt động chế biến tinh dầu dừa của đơn vị đã đi qua khỏi ngưỡng khởi nghiệp, sản phẩm đã thuyết phục được người tiêu dùng. Tinh dầu dừa của HTXNN Ngọc An đã có mặt tại các siêu thị và các đại lý trong tỉnh và được giới thiệu với người tiêu dùng trong cả nước. Nếu được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy chế biến tinh dầu dừa, thì hiệu quả kinh tế từ dừa mang lại sẽ đạt cao hơn.

“Để chế biến ra 1 lít tinh dầu dừa, chỉ cần đến 20 quả dừa nguyên liệu. Giá dừa nguyên liệu hiện chỉ có 5.000đ/quả, 20 quả vị chi là 100.000đ. Trong khi đó, nếu bán “xô” thì tinh dầu dừa có giá 200.000đ/lít, còn nếu đóng chai thì giá trị tăng đến 700.000đ – 800.000đ/lít. So sánh giữa xuất bán quả thô và chế biến sâu thì thấy rõ mức chênh lệch rất lớn”, ông Nguyễn Ngọc Nghiệp tính toán.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tổng Giám đốc GrowMax Group được vinh danh 'Nhà lãnh đạo tiêu biểu ASEAN 2024'

Doanh nhân Mai Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Tập đoàn GrowMax là người tiên phong xây dựng thương hiệu thức ăn tôm duy nhất của người Việt trên thị trường thức ăn tôm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm