| Hotline: 0983.970.780

Để giảm thiệt hại cà phê chè do sương muối

Thứ Sáu 10/01/2014 , 10:40 (GMT+7)

Với những cây cà phê mới trồng, có thể tiến hành vùi xuống đất sau khi hết sương muối bới lên cây vẫn phát triển bình thường...

Đợt rét đậm cuối tháng 12/2013 vừa qua khiến hơn 1.000 ha cây cà phê chè (Arabica) tại Sơn La thiệt hại lớn. Đây là lần thứ hai trong vòng 14 năm, Sơn La lại hứng chịu đợt sương muối nặng như vậy.

VƯỢT QUY HOẠCH 5.000 HA

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La cho biết, theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện tại diện tích cây cà phê tại Sơn La bị thiệt hại do đợt sương muối vừa qua đã lên tới con số trên 1.300 ha, trong đó có rất nhiều diện tích bị thiệt hại nặng nề. Như vậy, tổng số diện tích cà phê bị ảnh hưởng bởi đợt rét cuối năm 2013 chiếm tới hơn 10% trên tổng số 11.000 ha cà phê của tỉnh.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nghị, phần lớn diện tích cây cà phê bị thiệt hại do sương muối vừa qua đều không nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh. Theo quy hoạch, phải hết năm 2014 mới nâng diện tích cây cà phê chè lên con số 6.000 ha, nhưng mới hết năm 2013 đã cán đích 11.000 ha, tức là vượt so với quy hoạch 5.000 ha trước 1 năm. Cá biệt, một số huyện không nằm trong diện quy hoạch vẫn tự trồng mới cả trăm, nghìn ha như Sốp Cộp.

“Từ khi Bộ TN-MT có bản đồ sương muối tại các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Sơn La, chúng tôi có quy hoạch và hướng dẫn rất rõ ràng những vùng được trồng cây cà phê chè. Tuy nhiên, do mấy năm vừa rồi giá cà phê đắt nên bà con đổ xô trồng khiến diện tích tăng vọt hơn 5.000 ha. Thực tế, vừa rồi những diện tích bị sương muối đều nằm ngoài quy hoạch của tỉnh, thuộc những vùng thung lũng, vùng thấp, yếm khí chứ các vườn cà phê nằm tại khu vực thoáng gió, triền núi cao trong quy hoạch của tỉnh gần như không vấn đề gì”, ông Hà Quyết Nghị lý giải.


Diện tích cà phê tại Sơn La không bị sương muối nhờ có cây che bóng

Những ngày đầu năm 2014, có dịp đi dọc Quốc lộ 6 đoạn qua tỉnh Sơn La đều thấy những vườn cà phê chè bị "cháy xám", cảm tưởng chỉ một đốm lửa sẽ thiêu rụi tất cả. Nhiều diện tích đã được bà con đốn ngang gốc.

Mặc dù biệt thiệt hại nặng do sương muối là vậy, nhưng khi được hỏi đa số bà con đều cho biết, ngoài việc khôi phục lại diện tích cà phê đã bị cháy, sang năm 2014 sẽ tiếp tục mở rộng diện tích bởi hiện không có loại cây trồng nào tại Sơn La mang lại hiệu quả kinh tế được như cây này.

LÀM SAO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG?

Từ câu chuyện cây cà phê chè tại Sơn La bị thiệt hại do sương muối cuối năm 2013 vừa qua cho thấy sự tác động ngày càng mạnh mẽ của việc biến đổi khí hậu. Một bài toán được ngành nông nghiệp đưa ra trong mấy năm gần đây đó là phát triển nông nghiệp bền vững. Nhưng phát triển bền vững bằng cách nào, giải pháp ra sao chưa được nêu ra cụ thể.

Như tại Sơn La, mặc dù quy hoạch của tỉnh đến năm 2014 là 6.000 ha cà phê thì nay đã trên 11.000 ha. Việc ngăn cấm bà con nông dân rất khó bởi cái gì có lợi thì có phạt họ vẫn trồng.

Là người gắn bó với cây cà phê từ thời kỳ cây cà phê của nước ta bắt đầu hội nhập và định hướng xuất khẩu, ông Đoàn Triệu Nhạn - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Cty Cà phê Việt Nam cho biết, lịch sử cây cà phê chè tại Sơn La bắt đầu cuối những năm 1980. Theo đó, nhờ nguồn vốn vay của Liên Xô cũ, chúng ta có dành một phần đầu tư cho khu vực Tây Bắc lấy từ nguồn kinh phí đầu tư cho cây cà phê tại Tây Nguyên. Song, thực ra trước đó người Pháp đã tiến hành trồng cây cà phê tại Sơn La rồi nhưng diện tích nhỏ, manh mún nên sau một thời gian bị lãng quên.

Đến năm 1987, chúng ta tiến hành khôi phục lại được một diện tích nhất định thì đến năm 1999 cây cà phê chè tại Sơn La lại bị ảnh hưởng của trận sương muối lớn nhất trong lịch sử (lớn hơn năm 2013 rất nhiều).

Theo kinh nghiệm của ông Đoàn Triệu Nhạn, vấn đề sương muối với cây cà phê chè tại Sơn La hoàn toàn có giải pháp để hạn chế thiệt hại. Đặc tính của cây cà phê chè là càng lên cao chất lượng cà phê càng ngon nên vấn đề lạnh không đáng lo ngại, chỉ lo vấn đề sương muối. Về sương muối, loại thời tiết thường xảy ra tại các vùng thấp, thung lũng yếm khí.

Do đó, khi tiến hành trồng cà phê, ông Nhạn khuyên bà con nông dân và ngành nông nghiệp nên hướng dẫn quy hoạch trồng tại những vùng thoáng gió, vùng cao dọc sườn núi. Đặc biệt, nhất thiết các vườn cà phê phải trồng được cây che bóng nhằm điều hòa ẩm độ sẽ hạn chế được rất nhiều ảnh hưởng nếu sương muối xảy ra.

Về phía Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), ông Nguyễn Tứ Hải - Phó phòng Cây công nghiệp đưa ra giải pháp cụ thể với diện tích cà phê bị sương muối tại Sơn La vừa qua. Qua đó, những diện tích bị thiệt hại nặng, phải nhanh chóng tiến hành cưa ngang gốc (cách chỗ bị sương muối 12 - 13 cm), sau đó chăm sóc cho cây nảy chồi, 2 năm sau cây sẽ cho thu hoạch lại. Với vùng bị nhẹ, cắt cách chỗ bị sương muối 10 - 14 cm rồi chăm sóc tiếp, năm sau có thể cho thu hoạch bình thường.

Với những cây cà phê mới trồng, có thể tiến hành vùi xuống đất sau khi hết sương muối bới lên cây vẫn phát triển bình thường và ông Hải đặc biệt lưu ý tới việc phải khôi phục lại cây che bóng.

Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành nông nghiệp cần phải đặt yếu tố bền vững lên hàng đầu. Trước đây, trong quy trình kỹ thuật của ngành nông nghiệp đều rất coi trọng tác dụng của cây che bóng, rừng chắn gió vành đai. Nhưng vì chạy theo năng suất nên mấy năm gần đây bà con chặt bỏ hoặc không trồng cây che bóng nữa nên thiệt hại mới nặng nề như đợt rét vừa qua.

“Quá trình đi kiểm tra cây cà phê chè tại Sơn La, tôi nhận thấy nhưng vườn cà phê có cây che bóng gần như không thiệt hại gì, trong khi các diện tích không cây che bóng xung quanh cháy hết. Tuy nhiên, đây mới là giải pháp kỹ thuật, còn để phát triển bền vững, điều quan trọng nhất vẫn là khâu quy hoạch và chấp hành quy hoạch song song với việc nâng cao chất lượng”, ông Trần Xuân Định.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất