Hoạt động sản xuất của một HTX ở huyện Ứng Hòa. |
Hà Nội đang có 1.909 HTX trong đó 907 là HTX nông nghiệp, phần lớn hoạt động dịch vụ tổng hợp, một số là chuyên biệt như chăn nuôi, thủy sản, rau, cây ăn quả, nấm…Dưới sức ép của kinh tế thị trường và sự chuyển đổi theo Luật HTX mới, các HTX của thành phố đã năng động dần lên.
Một số HTX đã bắt đầu đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, hình thành được các mô hình liên kết ở nhiều huyện, thị xã.
46 HTX đã đăng ký chương trình xây dựng truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản bằng mã QRcode. Hơn 60 HTX đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch hơn như VietGAP, hữu cơ. Nhờ đó mà có đầu ra, giúp thành viên của HTX có thêm thu nhập, góp sức vào sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của các HTX đã bộc lộ nhiều khó khăn như dù hình thức đã chuyển đổi theo luật mới nhưng bộ máy quản lý chậm đổi mới, năng lực của nhiều cán bộ còn hạn chế, chưa thu hút được những người trẻ tuổi, có kiến thức, có đam mê tham gia.
Đa số các HTX vẫn duy trì những sản xuất, dịch vụ từ thời trước mà không mở rộng sang những lĩnh vực mới và nâng cao được chất lượng dịch vụ nên khó cạnh tranh được với các đại lý hoặc cá nhân bên ngoài. Một số HTX lâm vào tình trạng “chết lâm sàng” nhưng chưa làm được thủ tục phá sản.
Được biết, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong HTX nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020” trong đó đặt mục tiêu 100% hoạt động theo luật mới, 60% hoạt động khá trở lên, số yếu kém chỉ còn lại dưới 10%; không còn những HTX dạng “chết lâm sàng” nữa.
Xây dựng mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp ở các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ. Xây dựng các mô hình HTX liên kết chuỗi. Các cán bộ chủ chốt cũ của HTX được bồi dưỡng, bổ sung kiến thức về HTX đồng thời thu hút người mới, có trình độ quản lý vào làm việc...
Để thực hiện được đề án, thành phố sẽ tập trung giải quyết những tồn tại của các HTX yếu kém đồng thời có chính sách nhân rộng các mô hình mới, các HTX điển hình tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh gắn với tiêu chí số 13 của chương trình nông thôn mới.
Các hoạt động hỗ trợ cho HTX như dồn điền đổi thửa đã thực hiện được 79.218,6 ha, đã cấp được 617.607/621.892 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 99,31%. Sau dồn điền đổi thửa, diện tích đất dôi dư ra là 1.836,9 ha tạo nguồn cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phục vụ cho sản xuất như giao thông, thủy lợi và cho cả việc xây trụ sở của HTX.
Như huyện Mỹ Đức đã có 8 HTX nông nghiệp được giao đất xây dựng trụ sở với tổng diện tích 15.000 m2 là điều mà nhiều địa phương hiện nay chưa làm được khiến cho các HTX phải điều hành ở nhà riêng giám đốc hoặc mượn tạm trụ sở, thuê tạm trụ sở ở trong dân.
Thành phố cũng định hướng ra chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định đối với HTX nông nghiệp, tạo điều kiện các gói vay bình đẳng như các thành phần kinh tế khác để kích cầu.
Ngày nay, sản xuất không quan trọng bằng tiêu thụ. Bởi thế mà việc xúc tiến thương mại hàng năm thông qua các hội chợ triển lãm do thành phố và các bộ, hội tổ chức, Sở NN- PTNT Hà Nội đều có những ưu tiên chọn các HTX điển hình về rau an toàn, hoa, thủy sản, chăn nuôi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Các dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để tăng cường năng lực cho các HTX cũng được Hà Nội tính toán thực hiện. |