| Hotline: 0983.970.780

Để không nhiễm virus Ebola: Cần hiểu rõ đường lây truyền

Thứ Sáu 08/08/2014 , 09:49 (GMT+7)

Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan.

Trước cảnh báo của Bộ Y tế về virus Ebola gây tử vong cao đối với sức khỏe người dân, ngày 7/8, PV NNVN đã có cuộc trao đổi nhanh với TS Trần Đắc Phu (ảnh), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về mức độ nguy hiểm và biện pháp đơn giản nhất để hạn chế xâm nhập loại virus này.

16-05-04-nh161136799

Thưa ông, người dân đang rất hoang mang, lo lắng trước dịch sốt xuất huyết do virus Ebola giống với sốt xuất huyết mà nhiều địa phương đang có bệnh nhân. Ngành y tế có khuyến cáo gì trước thông tin này?

Bệnh do virus Ebola (Ebola virus disease) là bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola (Ebola haemorrhagic fever). Người mắc virus Ebola thì 90% là tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus Ebola xuất hiện lần đầu tại Sudan và Cộng hòa Công Gô vào năm 1976. Đến thời điểm này, chưa phát hiện ra virus dịch bệnh này ở Việt Nam.

Còn sốt xuất huyết mà nhiều địa phương đang mắc là do virus Dengue - là bệnh do vector truyền qua vết đốt của muỗi mang mầm bệnh. Bệnh do virus Dengue hiện có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Đây là 2 loại virus hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên, WHO cảnh báo virus Ebola có thể xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào thông qua con đường du lịch. Vì vậy, ngày 6/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế 63 tỉnh, thành yêu cầu không được chủ quan với virus này và chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc nếu phát hiện sớm bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng đặc biệt nhấn mạnh đến những vùng có cửa khẩu quốc tế cần kiểm tra thân nhiệt ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam. Cho đến thời điểm này, đây là con đường duy nhất Bộ Y tế lo ngại virus Ebola đi qua.

Dấu hiệu người mắc virus Ebola sẽ như thế nào, thưa ông?

Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp khác bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.

Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Nguy hiểm hơn cả, bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Nhiều người dân lo ngại bởi cơ chế lây truyền giống với những loại virus cúm thông thường. Bộ Y tế sẽ nói gì?

Theo WHO, tại châu Phi, người ta phát hiện ra virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm.

 Nguy hiểm hơn cả, virus này cũng lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Tuy nhiên, tôi nhắc lại, đến thời điểm này Việt Nam chưa có bệnh nhân nhiễm virus này.

Đối tượng nào có nguy cơ cao nhiễm virus này, thưa ông?

Giống như những loại virus khác, các đối tượng có nguy cơ nhiễm virus cao, bao gồm thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola.

Đặc biệt là cán bộ y tế rất dễ có nguy cơ nhiễm virus Ebola khi chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này nếu không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp.


Du khách đang được kiểm dịch y tế

Liên quan đến những dịch bệnh đang cảnh hưởng đến sức khỏe con người, chiều 7/8, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại giao đề nghị phối hợp và chỉ đạo việc thực hiện và khai báo y tế tại các cửa khẩu.
Cụ thể, những hành khách đến từ vùng có dịch Ebola virus (hiện nay là 4 nước gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone, Nigieria) phải khai báo y tế. Khi phát hiện hành khách có nghi ngờ mắc bệnh Ebola, kiểm dịch viên y tế sẽ tiến hành cách ly triệt để và thực hiện các biện pháp xử lý y tế theo qui định.
Việc thực hiện áp dụng tờ khai y tế sẽ được bắt đầu từ ngày 15/8 tại tất cả các cửa khẩu quốc tế.

Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo cán bộ y tế cần được trang bị kiến thức cơ bản về điểm của bệnh, đường lây truyền và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

Người dân, nhất là sống tại vùng nông thôn có thể làm gì để phòng nhiễm virus Ebola, thưa ông?

Hiện chưa có vacxin phòng bệnh do virus Ebola, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Do đó, nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện đang là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do virus Ebola.

Ngoài ra, người dân có thể áp dụng các biện pháp để phòng chống lây nhiễm và hạn chế hay cắt đường lây truyền bệnh như hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.

Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola (ví dụ như: dơi ăn quả, khỉ, vượn) tại khu vực có rừng nhiệt đới. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.

Riêng cán bộ y tế, ngoài các biện pháp phòng ngừa chung cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo nhằm tránh phơi nhiễm với máu, dịch tiết của người bệnh hoặc môi trường hay vật dụng của người bệnh bị ô nhiễm.

 Cần thay đổi găng tay khi chăm sóc cho từng bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Ebola. Ngoài ra, cách ly bệnh nhân mắc bệnh do virus Ebola khỏi các bệnh nhân khác và người khỏe mạnh.

Đang mùa du lịch, theo ông, việc đi lại trong thời gian xảy ra dịch bệnh do virus Ebola có an toàn không?

Mặc dù đang xảy ra dịch bệnh, tuy nhiên, WHO vẫn chưa đưa ra các khuyến cáo về hạn chế đi lại và giao thương quốc tế bởi nguy cơ lây nhiễm cho người đi du lịch rất thấp do bệnh lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể.

Tuy nhiên, nếu bạn đã từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh, và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bệnh đầu tiên.

Với nhân viên chăm sóc y tế cho người du lịch trở về từ các vùng bị ảnh hưởng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự cần cân nhắc khả năng có thể bị mắc bệnh do virus Ebola.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất