| Hotline: 0983.970.780

Đê kiểu mẫu trên 'quê hương năm tấn'

Thứ Ba 25/12/2018 , 14:50 (GMT+7)

Thái Bình là một trong những tỉnh tích cực tham gia phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu. Nhờ đó mà hệ thống đê điều của tỉnh này được khoác “áo mới”, môi trường xanh, sạch, đẹp và đảm bảo chất lượng.

Hưởng ứng phong trào

Thái Bình là tỉnh đồng bằng sông Hồng được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584,6km đê. Trong đó, có 356,3km đê Trung ương, còn lại 228,3km đê bối, đê bao, đê vùng. Các tuyến đê trong tỉnh có 118 kè hộ bờ với trên 115km kè lát mái và trên 50 kè mỏ, dưới đê có 205 cống lớn nhỏ làm nhiệm vụ tưới, tiêu nước…

08-03-51_nh_1
Cán bộ Hạt quản lý đê Quỳnh Phụ và Chi cục Thủy lợi Thái Bình kiểm tra mái đê

Ngay sau khi Bộ NN-PTNT có quyết định về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”, Sở NN-PTNT Thái Bình đã xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” giai đoạn 2016 - 2020. Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình được bầu làm Trưởng ban; ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình làm Phó Trưởng ban thường trực.

Ông Nguyễn Bảo Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thái Bình cho hay, Sở NN-PTNT với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện phong trào, tiêu chí đánh giá “Đoạn đê kiểu mẫu”, “Hạt quản lý đê điều điển hình”.

Việc đánh giá kết quả thi đua xây dựng “Tuyến đê kiểu mẫu” được thực hiện theo phương pháp chấm điểm. Tổng số điểm tối đa là 100 điểm. Theo đó, phải đảm bảo các tiêu chí. Cụ thể:

Tuyến đê đảm bảo xanh, sạch, đẹp, có hàng tre chắn sóng phía thượng lưu (tại những vị trí đủ điều kiện trồng), cỏ mái đê được duy tu, xanh, sạch, đẹp; không có rác thải, phế thải, hố xói, rãnh xói, cỏ dại trong phạm vi bảo vệ đê.

Mặt đê đảm bảo chống lũ về thiết kế (cao trình, mặt cắt…). Mặt đê đảm bảo công tác phòng chống lụt bão, kết hợp giao thông phục vụ dân sinh, kinh tế, xã hội; chân đê có hành lang bảo vệ theo quy định, những đoạn qua khu dân cư có đường gom dân sinh kết hợp chống vi phạm.

Tuyến đê có đủ các công trình phụ trợ như điếm canh đê, kho bãi vật tư phòng chống lụt bão, cột km đê, cột (bậc) thủy chí, cột mốc chỉ giới hành chính (xã, huyện, tỉnh), biển báo hạn chế trọng tải xe cơ giới đi trên đê… Các công trình phụ trợ được quản lý, bảo vệ tốt.

08-03-51_nh_2
Mặt đê rộng, thuận tiện cho các phương tiện khi tham gia giao thông

Trên tuyến có hạng mục công trình kết hợp việc phổ biến, tuyên truyền, cổ động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia quản lý, bảo vệ đê điều (kẻ khẩu hiệu, vẽ tranh cổ động, pano, áp phích…). Tuyến đê không có phát sinh vi phạm mới trong năm, không tồn tại vi phạm nghiêm trọng.

Ngoài ra, phải có hồ sơ quản lý về lý lịch đê, kè, cống trên tuyến, ghi chép đầy đủ và cập nhật, bổ sung thường xuyên, hàng năm theo kiểu mẫu. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác duy tu, tu bổ đê điều và quản lý giám sát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến đê điều theo đúng quy định.

Ông Khương đánh giá cao 8 huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình đã tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào “Xây dựng đê kiểu mẫu”. Đến nay, phong trào đã đem lại kết quả đáng mừng. Tình trạng vi phạm đê điều giảm mạnh. Chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm hơn, cùng nhau tham gia bảo vệ đê điều, phục vụ công tác phòng chống thiên tai…

Thực hiện tốt công tác ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; tất cả các vi phạm được phát hiện kịp thời; lập biên bản vi phạm và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Thiết lập hồ sơ theo dõi quản lý đối với từng vụ vi phạm (biên bản, chụp ảnh hiện trạng vi phạm, các văn bản kiến nghị, quyết định, kết quả xử lý…). Kết quả xử lý các vi phạm tồn đọng đạt trên 30%.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuần tra, canh gác đê điều trong mùa lũ, bão; phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều (nếu có) ngay từ giờ đầu. Xây dựng bản vẽ mặt bằng quản lý tuyến (thể hiện cụ thể hiện trạng tuyến đê, công trình, nhà cửa ven đê…) và tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm pháp luật về đê điều với doanh nghiệp, hộ gia đình.

Cuối cùng là có sự phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương trong công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ đê điều; huy động được sự tham gia của các tổ chức (hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên…) và người dân sinh sống ven đê.
 

Quỳnh Phụ trên đà cán đích

Ông Nguyễn Văn Huyến, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Quỳnh Phụ cho biết, huyện Quỳnh Phụ có 2 tuyến đê gồm tuyến đê Hữu Luộc, dài 20,5km và tuyến đê Hữu Hóa, dài 16km; tất cả đều thuộc tuyến đê cấp III. Trên toàn tuyến đê kéo dài có 7 kè (đê Hữu Luộc có 4 kè, đê Hữu Hóa có 3 kè); có 15 cống (đê Hữu Luộc có 5 cống, còn lại là đê Hữu Hóa); có 44 điếm canh đê.

08-03-51_nh_3
Điếm canh đê được tu sửa, nâng cấp

Dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Huyến bảo, trước khi chưa triển khai xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, rác thải của người dân vứt trên mái đê nhiều; mặt đê bé, nhiều ổ voi, ổ gà, các điếm canh đê, kè xuống cấp. Hai bên mái đê nhiều cỏ dại. Tình trạng vi phạm hành lang đê vẫn còn tồn tại.

Nhưng, từ khi triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”, tình trạng vi phạm như xe quá tải chạy trên mặt đê, xả rác thải ra mái đê, xây dựng công trình tại bãi sông... giảm mạnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, tỉnh Thái Bình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kinh phí thực hiện vẫn còn thiếu thốn. Vì vậy, ngành nông nghiệp Thái Bình đề nghị Bộ NN-PTNT trình Chính phủ cấp kinh phí để đẩy nhanh tiến độ thực hiện…

Giờ đây, mặt đê được rải nhựa, bê tông hóa, giao thông thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hệ thống đê điều đảm bảo chất lượng, an toàn phòng chống lụt bão. Nhiều cống, kè, điếm canh đê được tu sửa, nâng cấp, khang trang và sạch đẹp. Tình trạng vi phạm hành lang chân đê giảm. Biển báo hạn chế trọng tải xe cơ giới đi trên đê đã được dựng lên…

Có mặt tại vị trí đang xây dựng đê kiểu mẫu thuộc xã Quỳnh Thọ (K28+500 - K31) và xã An Đồng (K31 - K33+500), qua quan sát chúng tôi nhận thấy, mặt đê đã được rải nhựa, phẳng lì, rộng, không có ổ voi, ổ gà. Cả 2 mái đê không có cỏ dại, rác thải. Bên cạnh đó, mái đê ngoài sông có hàng tre chắn sóng cao vút.

“Hiện tại, cả 2 điểm đang xây dựng đê kiểu mẫu đã đạt khoảng 70% tiêu chí. Quỳnh Phụ phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành các tiêu chí để sớm được công nhận là đê kiểu mẫu”, ông Huyến cho hay.

Là địa phương được chọn làm thí điểm xây dựng đê kiểu mẫu, UBND xã Quỳnh Thọ đã tích cực tuyên truyền, treo pano, áp phích để người dân trong địa phương hiểu được tầm quan trọng của hệ thống đê điều. Từ đó, giúp người dân thay đổi nhận thức, bảo vệ đê điều, giữ gìn cảnh quan môi trường.

Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ Nguyễn Đạt Khánh chia sẻ, địa phương có 2,5km đê. Từ khi có phong trào xây dựng đê kiểu mẫu, tuyến đê xanh, sạch, đẹp hơn, không còn vi phạm hành lang đê điều. Cống, kè, điếm canh được tu sửa, nâng cấp mới. Mặt đê được mở rộng, các phương tiện tham gia giao thông đi lại thuận tiện…

08-03-51_nh_4
Biển báo hạn chế trọng tải xe cơ giới đi trên đê đã được dựng lên

Ông Hoàng Thanh Tùng, Phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Phụ cho biết: Tháng 12/2016, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, xây dựng và giữ gìn các tuyến đê xanh, sạch, đẹp. Rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, ý thức tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức kiểm soát viên đê điều.

Từ đó, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở pháp lý cho lực lượng quản lý đê điều, nâng cao hiệu quả làm việc. Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp, người dân có các hoạt động liên quan đến đê điều. Ghi nhận, biểu dương tập thể, cá nhân tích cực tham gia phong trào thi đua để nhân rộng, học tập.

Hạt trưởng gương mẫu

Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Quỳnh Phụ Nguyễn Văn Huyến, sinh năm 1966 tại xã Song An, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Năm 1990, ông bắt đầu công tác trong ngành Thủy lợi. Sau nhiều năm cống hiến không biết mệt mỏi, năm 2018, ông đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về xử lý vi phạm đê điều.

 

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Siết quản lý sâu đầu đen hại dừa

UBND tỉnh Bến Tre vừa có công văn yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa trước dấu hiệu gia tăng.

Bình luận mới nhất