Sáng 7/3, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa do ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra phương án khắc phục sự cố môi trường tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Agri-Vina (xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa).
Tại khu vực chăn nuôi, đại diện đơn vị thi công hệ thống xử lý môi trường cho Công ty Agri-Vina cho biết, trang trại đã lắp đặt 39 buồng xử lý mùi phía sau chuồng nuôi. Mỗi chuồng nuôi xây dựng một bể nước tuần hoàn và 1 máy bơm để tái sử dụng lượng nước thu hồi.

Đoàn công tác khảo sát khu vực chăn nuôi của Công ty Agri-Vina. Ảnh: Quốc Toản.
"Mùi hôi từ chuồng nuôi sẽ được thu gom vào 1 buồng kín lắp đặt phía sau mỗi chuồng. Sau đó, dòng khí thải sẽ được dẫn vào hệ thống dàn phun nước lắp đặt phía trước để xử lý bụi và một phần mùi hôi phát sinh. Tiếp theo dòng khí sẽ được xử lý bằng axit Hypochlorous (HClO) dưới dạng sương rồi dẫn qua hệ thống lớp lưới 3D lắp đặt phía cuối buồng xử lý. Bên cạnh đó, toàn bộ lượng nước phát sinh trong buồng xử lý sẽ được thu hồi và tái sử dụng tuần hoàn", ông Mai Lê Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Môi trường VMEC cho biết.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đánh giá cao công nghệ xử lý môi trường của trang trại. Tuy nhiên, đơn vị này đề nghị doanh nghiệp cần tính toán cụ thể hơn thành phần, tính chất của khí gây mùi phát sinh; tỷ lệ khí phát sinh; làm rõ thành phần nước tuần hoàn sẽ thay đổi trong quá trình xử lý; các chỉ tiêu cần quan trắc, các địa điểm quan trắc và trang thiết bị quan trắc...

Khu vực chăn nuôi của Công ty Agri-Vina. Ảnh: Quốc Toản.
Đại diện người dân tại khu phối Oi (thị trấn Lang Chánh) đề nghị, nếu trang trại hoạt động trở lại phải cam kết không phát sinh mùi, ảnh hưởng đến khu dân cư; kiểm tra thường xuyên nguồn nước tại khu vực dân cư (vị trí gần trang trại)...
Trong khi đó lãnh đạo huyện Lang Chánh yêu cầu doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật nếu hoạt động trở lại.
"Huyện ủng hộ doanh nghiệp đến địa phương đầu tư, tuy nhiên, nếu hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường thì chúng tôi sẽ đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Chúng tôi thống nhất đề xuất cho phép doanh nghiệp nuôi thử nghiệm lại 50% công suất. Tuy nhiên trước khi đi vào nuôi thử nghiệm doanh nghiệp phải hoàn thiện các hạng mục công trình theo yêu cầu. Nếu chưa hoàn thiện thì chưa cho phép nuôi" ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh nói.
Cũng theo lãnh đạo huyện Lang Chánh, nếu doanh nghiệp để xảy ra sự cố một lần nữa, huyện sẽ đề nghị tỉnh yêu cầu dừng hoạt động trang trại vĩnh viễn.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa chủ trì hội nghị kiểm tra phương án khắc phục sự cố ô nhiễm tại trại lợn của Công ty Agri-Vina. Ảnh: Quốc Toản.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa cho biết, chủ trương của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế và tuân thủ nguyên tắc việc gì có lợi cho dân thì làm. Tỉnh Thanh Hóa không đứng về phía doanh nghiệp nếu dự án đó gây ảnh hưởng đến người dân.
Ông Cường momg muốn Công ty Agri-Vina "biến tai tiếng thành nổi tiếng" bằng việc lựa chọn, lắp đặt, vận hành công nghệ xử lý môi trường tiên tiến và lấy thước đo lòng dân để đánh giá sự tối ưu của công nghệ.
Để trang trại đủ điều kiện hoạt động trở lại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đề nghị công ty sớm đầu tư hoàn thiện các hệ thống, trang thiết bị xử lý môi trường của trang trại; vận hành các trang thiết bị xử lý mùi của trang trại 24/24 giờ. Thực hiện quan trắc môi trường; xây dựng phương án nước sạch cung cấp cho trang trại hoạt động. Công ty cần tiếp thu ý kiến của các ngành, huyện Lang Chánh và người dân để khắc phục, bảo đảm môi trường chăn nuôi.
Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu đình chỉ hoạt động trại lợn của Công ty Agri-Vina từ ngày 30/7 với lý do quá trình hoạt động, doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa được phép hoạt động lại do chưa đủ điều kiện vận hành.