| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị gỡ khó ngành mía đường

Thứ Ba 25/12/2012 , 09:04 (GMT+7)

Ngành mía đường đang gặp khó khăn lớn trong tiêu thụ sản phẩm, không chỉ ở thời điểm này mà có thể trong cả năm tới. Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đề nghị lên Chính phủ những giải pháp quan trọng.

Ngành mía đường đang gặp khó khăn lớn trong tiêu thụ sản phẩm, không chỉ ở thời điểm này mà có thể trong cả năm tới. Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đề nghị lên Chính phủ những giải pháp quan trọng.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến hết tháng 11, đã có 32/41 nhà máy đường vào vụ ép 2012/2013. Và trong tháng 12 này, tất cả các nhà máy còn lại cũng sẽ bước vào niên vụ mới. Đến ngày 1/12, các nhà máy đã ép được 190.092 tấn đường. Cộng với 44.585 tấn đường tinh luyện của Nhà máy đường Biên Hòa, thì sản lượng đường từ đầu niên vụ 2012/2013 đến đầu tháng 12 đã đạt 234.677 tấn. Trong đó, có 109.307 tấn vẫn tồn trong kho các nhà máy và 5.033 tấn tồn kho tại các công ty thương mại là thành viên của Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Hiện nay, giá đường trên thị trường thế giới vẫn đang có xu hướng liên tiếp giảm. Ngày 2/11, giá đường trắng tại London giao tháng 12/2012 là 537,1 USD/tấn, thì đến ngày 3/12 chỉ còn 510,1 USD/tấn. Đường lậu vẫn tiếp tục được tuồn vào Việt Nam với giá khá thấp. Đường lậu Thái Lan ngày 3/12 tại TP.HCM giá 14.000 đ/kg, tại biên giới Tây Nam giá 13.600 đ/kg, tại Lao Bảo giá 14.500 đ/kg, tại Đông Hà giá 14.700 đ/kg. Trước 2 sức ép nói trên, giá đường do các nhà máy bán ra tiếp tục giảm mạnh và hiện chỉ còn phổ biến ở mức trên 14.000 đ/kg, thấp hơn tới 4.000 đ/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá đường giảm mạnh, nên giá mía mua tại ruộng mà các nhà máy đang áp dụng đã giảm khoảng 200 ngàn đ/tấn so với năm 2011, và hiện chỉ ở mức phổ biến từ 800.000 - 900.000 đ/tấn tại ruộng với mía 10 CCS.


Niên vụ 2012/2013 sẽ dư trên 400 ngàn tấn đường

Dự báo trong thời gian tới, nhiều khả năng giá đường vẫn có thể tiếp tục ở mức thấp. Ngoài những nguyên nhân như giá đường thế giới có xu hướng giảm do thặng dư đường tăng cao trên toàn cầu, đường lậu tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam…, có nguyên nhân quan trọng từ việc sản lượng đường trong nước niên vụ 2012/2013 sẽ vượt xa so với nhu cầu. Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng đường niên vụ này có thể đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Cộng với 178 ngàn tấn từ niên vụ trước chuyển sang và 70 ngàn tấn phải nhập khẩu theo cam kết WTO, cùng với lượng đường nhập lậu, thì tổng lượng đường ở nước ta trong niên vụ 2012/2013 sẽ vào khoảng trên 1,8 triệu tấn. Trong khi đó, do kinh tế khó khăn, sức mua giảm, nên nhu cầu tiêu dùng đường tăng chậm, chỉ vào khoảng 1,4 triệu tấn. Thành ra, trong niên vụ 2012/2013, nước ta có thể bị dư tới trên 400 ngàn tấn đường.

Để giải quyết lượng đường dôi dư lớn như trên, giải pháp khả thi nhất là cho phép xuất khẩu, nhất là xuất tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc. Cuối tháng 11 vừa rồi, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có công văn số 55/2012/CV/HHMĐ, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan một số vấn đề về tiêu thụ đường, trong đó có việc cho phép sản phẩm đường được xuất tiểu ngạch qua cửa khẩu phụ và lối mở ở biên giới phía Bắc mà không cần giấy phép. Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay, Trung Quốc hiện đã mở biên trở lại, vì thế đây là cơ hội tốt để xuất khẩu đường tiểu ngạch sang nước này. Vấn đề là phải làm sao để doanh nghiệp có thể xuất khẩu ngay được mà không để mất cơ hội như hồi đầu năm 2012. Khi ấy, Bộ Công thương đã đồng ý cho một số doanh nghiệp xuất 30.000 tấn đường sang Trung Quốc, nhưng do thời gian làm thủ tục quá lâu nên đến khi doanh nghiệp có giấy phép thì phía Trung Quốc đóng cửa biên giới.

Đồng tình với Hiệp hội Mía đường, mới đây, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về xuất khẩu đường. Theo đó, hiện năng lực sản xuất đường tinh luyện (RE) của các doanh nghiệp trong nước đã đạt gần 700 ngàn tấn, cơ bản đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp sử dụng đường RE trong việc chế biến sữa, nước giải khát. Vì thế, lượng đường dôi dư chủ yếu là đường kính trắng (RS). Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Công thương tạo mọi điều kiện cho phép các doanh nghiệp thương mại có hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy đường, tiến hành xuất khẩu tiểu ngạch đường kính trắng sang các tỉnh biên giới Trung Quốc. Việc này có thể được tiến hành qua các cửa khẩu phụ với khối lượng 300 nghìn tấn. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công thương rà soát năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, thống nhất giao chỉ tiêu xuất khẩu cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện, hạn chế xuất khẩu tùy tiện có thể gây mất ổn định thị trường đường trong nước.

Ngoài giải pháp cho xuất khẩu, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đã đưa ra những giải pháp khác nhằm mở thêm lối ra cho tiêu thụ đường nội địa. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong thời gian qua, giá đường tinh luyện giữ ổn định và chênh lệch khoảng 2.500 - 3.000 đ/kg so với đường kính trắng. Đây là mức chênh lệch khá cao vì cùng kỳ năm trước chênh lệch chỉ khoảng 500 đ/kg. Bởi vậy, các nhà máy đường cần lưu ý để có hướng gia tăng tỷ lệ đường tinh luyện, giảm đường kính trắng trong cơ cấu sản phẩm. Bộ NN-PTNT đề nghị Ban Chỉ đạo 127 TƯ chỉ đạo các cơ quan chức năng của TƯ và địa phương chủ động phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam trong tổ chức thực hiện chống buôn lậu đường, tập trung vào các đầu nậu lớn để ngăn chặn hiệu quả. Đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ mặt hàng đường “tạm nhập tái xuất” theo hướng chỉ cho thông quan qua cửa khẩu chính, ngăn chặn đường “tạm nhập tái xuất” thẩm lậu vào thị trường nội địa.

Còn về chuyện nhập khẩu đường theo cam kết WTO, đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT cân nhắc thời điểm hợp lý và phương thức phân giao hạn ngạch nhập khẩu đường, nghiên cứu đề xuất phương thức đấu thầu hạn ngạch để bỏ cơ chế xin cho, qua đó tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm