| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị xét trách nhiệm lãnh đạo địa phương để xảy ra đập phá DN

Chủ Nhật 01/06/2014 , 13:34 (GMT+7)

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá nghiêm khắc về công tác quản lý an ninh trật tự trong sự việc đập phá DN. Đại biểu đề nghị xem xét làm rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra sự việc.

Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu trong phiên thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội đầu tuần vừa qua do Đoàn thư ký kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII có riêng một mục ghi nhận các phát biểu về vấn đề liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông.

Đoàn thư ký kỳ họp nêu rõ, có ý kiến cho rằng, Đảng và Nhà nước đã có những biện pháp, chính sách phù hợp để xử lý các vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông. Tinh thần yêu nước được thể hiện rõ ràng, được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số tổ chức phản động đã kích động, tổ chức biểu tình phá hoại cơ sở sản xuất (như ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh) làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

“Điều này cho thấy, công tác quản lý và nắm bắt tình hình an ninh trật tự của các lực lượng chức năng còn bị động; công tác tình báo của Việt Nam còn kém hiệu quả” – bản báo cáo tổng hợp nêu rõ, có ý kiến đại biểu đề nghị đánh giá cụ thể nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu tại các địa phương, đơn vị để xảy ra tình hình nêu trên; đồng thời, rút bài học kinh nghiệm, tiếp tục có biện pháp chủ động, kiên quyết chấn chỉnh cũng như xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, vi phạm pháp luật.
 
Đề nghị xét trách nhiệm lãnh đạo địa phương để xảy ra đập phá DN
Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI gặp gỡ, tìm hướng hỗ trợ những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhất sớm vượt qua khó khăn.

Từ sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, có ý kiến cho rằng, vấn đề quốc phòng và an ninh cần được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, nguyên tắc nêu ra là bảo vệ chủ quyền ở biển Đông cần phải có giải pháp phù hợp, tránh xung đột quân sự, tránh đối đầu, cô lập, lệ thuộc về chính trị, có biện pháp để không liên minh quân sự với nước ngoài, không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam; nghiên cứu, tăng cường đấu tranh trên lĩnh vực ngoại giao cho phù hợp.

Ý kiến khác đề nghị xem lại nhận định “chủ quyền Việt Nam vẫn được giữ vững” trong báo cáo của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cho rằng đánh giá về tình hình biển Đông chưa sát với tình hình thực tế; chưa cập nhật hết tình hình vụ giàn khoan Hải Dương 981; mới đấu tranh thông qua việc sử dụng luật pháp quốc tế, chưa sử dụng Luật biển của Việt Nam, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải đánh giá tốt tình hình để tham mưu cho Đảng, Nhà nước.

Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội nên có Nghị quyết cụ thể về chủ quyền biên giới lãnh hải của Việt Nam, thể hiện lập trường, tính kiên quyết của Việt Nam về vấn đề biển Đông để đại biểu Quốc hội có cơ sở truyền đạt lại cho cử tri; Ủy ban thường vụ Quốc hội cần có tiếng nói chung trước Quốc hội, phát huy thế mạnh an ninh nhân dân, sức mạnh quân sự, chuẩn bị các điều kiện cần thiết; tăng cường thảo luận tại về vấn đề biển Đông để đưa ra giải pháp hữu hiệu, khắc phục khó khăn hiện nay.

Đề cập các giải pháp, đường hướng điều hành nửa sau của năm 2014 liên quan đến vấn đề này, đại biểu cho rằng cần áp dụng cả Luật biển Việt Nam vào giải quyết vấn đề ở Biển Đông; kiên quyết, kiên trì giữ môi trường hòa bình để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nước Việt Nam.

Một số đại biểu yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia; đề nghị Chính phủ theo dõi sát sao tình hình trong nước, ngoài nước để có chỉ đạo kịp thời; tạo sự ổn định và đồng thuận trong xã hội; xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng lợi dụng biểu tình để kích động, phá hoại; hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các doanh nghiệp bị thiệt hại; kiên quyết, kiên trì đấu tranh để Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981… Các ý kiến thảo luận cũng nhấn mạnh yêu cầu duy trì quan hệ truyền thống giữa nhân dân 2 nước Việt – Trung; tranh thủ sự ủng hộ của dư luận, cộng đồng quốc tế, tăng cường công tác đối ngoại nhân dân. Xác định rõ đối tượng, đối tác ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông.
 
Những doanh nghiệp bị thiệt hại đang cố gắng sửa chữa nhà xưởng, tổ chức lại sản xuất.
Những doanh nghiệp bị thiệt hại đang cố gắng sửa chữa nhà xưởng, tổ chức lại sản xuất.

Cụ thể, trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, đại biểu Quốc hội “gật đầu” với chính sách đồng bộ và cơ chế đặc thù cho kinh tế biển, ngư dân, gắn kinh tế biển với quốc phòng, an ninh. Bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân đóng tàu bám biển (có thể huy động từ ngành dầu khí, giao thông, các doanh nghiệp thủy hải sản) hoặc hỗ trợ ngư dân thuê tàu với giá ưu đãi.

Không ít ý kiến khuyến cáo tăng cường đóng các tàu vỏ sắt cấp đông công suất lớn trực tiếp thu mua hải sản tại nơi khai thác; có chính sách tín dụng ưu đãi cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, hỗ trợ cước phí; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền, phổ biến pháp luật quốc tế cho ngư dân; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng biển đảo; quan tâm công tác hậu cần nghề cá.

Trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, các đại biểu Quốc hội lưu ý, thời gian tới, do ảnh hưởng của tình hình Biển Đông, sản xuất công nghiệp có nguy cơ sụt giảm, nguồn thu từ công nghiệp bị ảnh hưởng. Chính phủ cần thực hiện tái cơ cấu công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; tăng tỷ lệ nội địa hóa, hạn chế phụ thuộc nước ngoài; có giải pháp triệt để ổn định các khu công nghiệp, khu kinh tế, bảo đảm để các doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả. Có giải pháp tăng năng suất lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Gửi đến từng đại biểu Quốc hội gợi ý các nội dung phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại hội trường vào sáng mai, 2/6 (buổi làm việc được tường thuật trực tiếp đến cử tri, người dân cả nước), Đoàn thư ký kỳ họp đề nghị, bên cạnh những dự về tình hình, bối cảnh trong và ngoài nước; về khả năng đạt mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2014 trong nửa sau của năm, cần đặc biệt tập trung làm rõ những tác động không thuận đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội từ tình hình phức tạp do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

 

(dantri.com.vn)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.