| Hotline: 0983.970.780

Để người miền núi có tiền

Thứ Hai 15/04/2013 , 09:58 (GMT+7)

Thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai sản xuất hạn chế là những nguyên nhân khiến miền núi đói nghèo truyền kiếp. Nhưng ở một khía cạnh khác, miền núi vẫn có những tiềm năng, lợi thế phát triển, không những thoát nghèo mà còn có thể làm giàu.

Thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai sản xuất hạn chế là những nguyên nhân khiến miền núi đói nghèo truyền kiếp. Nhưng ở một khía cạnh khác, miền núi vẫn có những tiềm năng, lợi thế phát triển, không những thoát nghèo mà còn có thể làm giàu.

Loạt bài này, NNVN xin giới thiệu những cách làm đánh thức tiềm năng, thay đổi cuộc sống của người dân miền núi.

Hãy nhìn Mường Ảng

Xét tổng thể, Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) vẫn là một trong những huyện nghèo nhất nước nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ, nhưng lạ một điều, ở vùng đất này ngày càng xuất hiện rất nhiều nông dân triệu phú. Kỳ tích ấy đến từ đâu?

Kỳ tích mang tên cà phê chè

Đứng từ đèo Pha Đén nhìn xuống, Mường Ảng không giống những huyện nghèo, những vùng đất cằn cỗi khác của tỉnh Điện Biên. Những quả đồi bạt ngàn màu xanh của cây cà phê chè khiến Mường Ảng trông giống một vùng cà phê nào đó ở đất Tây Nguyên hơn.

 Ông Vũ Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Ảng, người gần như đi suốt chặng đường lịch sử của cây cà phê trên mảnh đất này đúc kết: Chỉ có cà phê chè mới có thể giúp dân Mường Ảng thoát được đói nghèo. Nhưng để có được thành công ngày hôm nay, Mường Ảng đã rất nhiều lần phải trả giá, rất nhiều lần phải đón nhận những thất bại tưởng chừng không gượng dậy nổi.

Thực ra cây cà phê xuất hiện trên đất Mường Ảng từ lâu lắm rồi, nghe đâu từ 60-70 năm trước đã có. Ông Khải nói rằng, lúc đó cũng không phải trồng cà phê chè như bây giờ mà là cà phê mít, cà phê vối, những giống cà phê mà người dân trồng để lấy củi.

 Đầu tiên là Nông trường Mường Ảng, đến Công ty Cây công nghiệp Điện Biên quản lý, giao khoán cho công nhân. Ông Khải nhớ có một giai đoạn người ta ào ào chặt cà phê để trồng cây mắc ten ép dầu, xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng rồi cũng rất nhanh chóng, loài cây ép dầu không tìm được đầu ra, nông dân tiếp tục chặt loài cây ấy làm củi. “Lúc đó, nếu đến nhà bảo nông dân trồng lại cà phê họ chửi cho té tát. Dân thì vẫn cứ nghèo, đất cứ bỏ hoang, chẳng biết trồng cây gì cả”, ông Khải phân trần.

Năm 2007, huyện mới Mường Ảng được thành lập. Với phần lớn đồng bào Thái, Mông, Mường Ảng có hơn 9.000 hộ dân, 41.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 70%. Cây cà phê một lần nữa được đôn lên vị trí cây trồng mũi nhọn, cáng đáng nhiệm vụ thoát nghèo, phát triển kinh tế chủ lực của huyện. Đó cũng là thời điểm cà phê chè Catimor, giống cà phê có giá trị kinh tế cao nhất trong các loại cà phê lên ngôi.

Hội thảo bàn bạc, trồng thí điểm để kiểm tra năng suất, mức độ phù hợp… Qua một hai năm, thấy đất Mường Ảng thực sự phù hợp với cà phê chè, lãnh đạo huyện ban hành các Nghị quyết tập trung phát triển diện tích, vận động người dân quay lại với cà phê. Mỗi năm, huyện ra chỉ tiêu trồng mới từ 250-500ha.

Sau 6 năm thực hiện, đến thời điểm này, tổng diện tích cà phê chè Mường Ảng đã lên tới 3.118ha (trong đó, chỉ tính riêng cà phê kinh doanh 1.407ha và diện tích cà phê trồng mới của năm 2012 đạt 535ha). Đi cùng với việc mở rộng diện tích, năng suất cũng được cải thiện. Từ chỗ chỉ 18-20 tạ/ha những năm trước, bây giờ mỗi ha cà phê chè có thể thu về bình quân 31 tạ cà phê quả.


Nhờ cà phê chè, Mường Ảnh xuất hiện nhiều triệu phú chân đất

Cùng với việc được mùa, qua nhiều năm giá cà phê Mường Ảng nhích dần và đạt đỉnh là trên 70.000 đồng/kg (năm 2011). Ông Khải bảo rằng, chính cà phê chè đã đẻ ra những triệu phú chân đất giàu nhất Mường Ảng bây giờ. Người nhiều tới vài chục ha, người ít dăm ba nghìn mét vuông, nhưng chuyện một gia đình nông dân mỗi vụ “hái cà” thu về 800-900 triệu không còn hiếm nữa.

Mà đâu chỉ dừng ở anh nông dân chân đất làm cà phê đơn thuần, họ còn lập doanh nghiệp, làm sếp, đến vụ quản lý hàng trăm công nhân. Tất cả như một giấc mơ, ai cũng bảo rằng chỉ có cà phê chè mới biến giấc mơ Mường Ảng trở thành hiện thực được. Doanh nghiệp Đại Bách dưới chân núi Pha Đén và Doanh nghiệp Cà phê Nguyễn Ngọc Tứ ở bản Hua Nguống, xã Ảng Cang là 2 hình mẫu tiêu biểu, biết cách bứt khỏi đói nghèo, làm giàu từ cây cà phê chè ở Mường Ảng.

 Nguyễn Ngọc Tứ khoe: Với 32 ha, trong đó 20 ha đã cho thu hoạch, tôi chỉ có 7 nhân viên nhưng hàng năm lãi gần 2 tỷ đồng sau khi trừ đi chi phí. Tương tự, Phùng Bá Năm, chủ Doanh nghiệp Đại Bách sở hữu 42 ha cà phê thuộc các xã Ảng Nưa, Ngói Cáy, Ảng Tở, mỗi ngày thuê cả trăm lao động. Tiền thu hái trả theo sản lượng, người thu nhập thấp cũng có trăm ngàn đồng, người hái giỏi được trả tới 150.000đ/công.

Mỗi vụ, 1 ha cà phê phải thuê hết khoảng 30 triệu đồng tiền nhân công. Mường Ảng có hơn 3.000 ha cà phê, xấp xỉ gần 100 tỷ đồng tiền lao động. Số tiền ấy lý giải vì sao, chỉ cần đi làm thuê ở Mường Ảng cũng có thể sống tốt rồi.

Bài học quản lý

Cà phê chè bây giờ đóng vai trò làm giàu trên đất Mường Ảng, thật khó tìm lý do để phê phán giống cây trồng này ở đây. Có chăng là cách quản lý, định hướng còn nhiều vấn đề cần bàn để cà phê chè thực sự bền vững trên đất Mường Ảng. Riêng bài học ấy, Mường Ảng cũng đã rút ra từ sự thất bại của một doanh nghiệp lớn trên địa bàn này: Cty CP Cà phê Thái Hòa (Tập đoàn Thái Hòa).

Cty CP Cà phê Thái Hòa là doanh nghiệp đầu tiên trồng cà phê ở Điện Biên. Họ gắn kết với 2 huyện Tuần Giáo và Mường Ảng để thực hiện dự án trồng 1.000 ha cà phê chè. Đã có lúc, lãnh đạo công ty Thái Hòa vẽ ra viễn cảnh đưa cà phê chè Mường Ảng ra thị trường thế giới. Vậy mà giữa năm ngoái có tin doanh nghiệp này thay vì đi ra thế giới lại đi vào ngõ cụt. Nợ tiền công, tiền phần trăm của người dân, công ty phải chuyển cho Ngân hàng TMCP Hàng hải quản lý.

Năm 2007, công ty triển khai dự án bằng việc kêu gọi người dân góp đất theo phương thức, mỗi ha đất góp của các hộ dân trị giá 10 triệu đồng, tương đương tỷ lệ 20% lợi nhuận ăn chia. Doanh nghiệp chịu mọi chi phí từ khâu làm đất, vật tư, giống vốn, tiêu thụ sản phẩm... tương đương 80% lợi nhuận thu được trên 1 ha.

Cứ tưởng đó là mô hình khả thi nhưng cuối cùng lại thất bại rất thảm hại. Người dân có nhiệm vụ chăm sóc cà phê và hưởng tiền công do công ty chi trả. Tính ra, tổng chi phí để hoàn tất việc trồng 1 ha cà phê là 110 triệu. Tiền công chăm sóc 150.000 đồng/ngày. Công ty còn hỗ trợ 3 triệu đồng cho mỗi hộ góp đất để bù vào sự hẫng hụt lương thực khi chuyển đổi cây trồng. Với nông dân vùng cao, ngôn ngữ bất đồng, nhận thức của họ còn hạn chế thì liên kết theo mô hình này chẳng khác tự tử.

Xác định cà phê chè là cây chủ lực để phát triển kinh tế, huyện Mường Ảng chỉ đầu tư các giống cây trồng khác như lúa, ngô, đậu tương ở mức đảm bảo sản lượng lương thực. Toàn huyện chỉ có 1.600 ha ngô, gần 2.000 ha lúa, chủ yếu là đất bãi bồi, khai hoang.

Sắp tới, khi dự án hợp tác với các doanh nghiệp lớn ở Tây Nguyên triển khai, Mường Ảng chắc chắn sẽ trở thành vùng cà phê chè lớn nhất Tây Bắc. Sẽ còn nhiều nông dân trở thành triệu phú từ cây trồng chủ lực này. Thành công của huyện Mường Ảng trở thành mô hình để các huyện có cùng điều kiện khí hậu, đất đai như Mường Nhé, Tủa Chùa đưa cây cà phê chè về địa phương mình sản xuất.

Ông Vũ Khải kể rằng, có giai đoạn người dân rất thích được công ty cho đi bón phân. Là bởi, ban ngày đi bón, đào một cái hố bên cạnh gốc cà phê, cho phân vào đấy rồi chờ đến tối ra lấy về đem đi bón ruộng. Vừa được tiền công vừa được phân nên họ rất phấn khởi.

Đến kỳ phun thuốc cỏ cũng thế. Thay vì phun thuốc cho cà phê, họ mang bình lên rẫy rồi đổ thuốc vào chai, ngồi chơi cho hết buổi, nhận tiền công và lấy thuốc cỏ về. Vào vụ thu hái cà phê, những nông dân được thuê cứ tuốt cành, điều cấm kỵ cho vụ sau, nhưng không sao cả, có phải cà phê của nhà mình đâu.

“Đấy là bài học rất lớn khi đầu tư vào vùng cao. Phải nắm được nhận thức người dân ở mức độ nào để còn tuyên truyền, chứ cứ làm theo kiểu đó thì cầm chắc thất bại”, ông Khải phân tích.

Trái ngược với sự thất bại của Cty CP Cà phê Thái Hòa, các doanh nghiệp tư nhân là người địa phương lại làm rất tốt. Lý do là vì họ hiểu dân, biết phải làm gì, theo cách nào. Họ đầu tư vào việc mở rộng sản xuất, mở các xưởng chế biến, giám sát nhân công, chỉ thuê theo mùa vụ… Thành thử những doanh nghiệp này chỉ có thành công chứ chưa thấy mô hình nào thất bại cả.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm