| Hotline: 0983.970.780

Đệ nhất bơ sáp trên cao nguyên Di Linh

Thứ Hai 22/08/2011 , 08:54 (GMT+7)

Qua giới thiệu của ông Lương Thái Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Trung, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Tằng Thín Dưỡng.

Qua giới thiệu của ông Lương Thái Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Trung, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Tằng Thín Dưỡng. Trên ngọn đồi cao hàng ngàn mét so với mực nước biển, ít ai nghĩ rằng ở trên đó đang hiện hữu một trang trại trồng 15 ha bơ sáp; 10 ha trồng cà phê, trong đó có trồng xen 3 ha cây mắc ca; 5 ha chè cành xanh ngút ngàn.

Ông Ngọc cho biết, ông Tằng Thín Dưỡng, hội viên Hội Nông dân thôn 9, xã Hòa Trung là người cần cù chịu khó, năng động sáng tạo, luôn luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Đặc biệt, ông không chỉ là người giỏi trồng cây bơ sáp, sản xuất theo hướng hàng hóa mà còn đi tiên phong ghép giống bơ đầu dòng, tạo ra thế hệ bơ mới có năng suất và chất lượng cao.

BỎ PHỐ LÊN RỪNG

Ông Tằng Thín Dưỡng cho biết, trước đây ông sống ở quận 11, TP HCM, trong một gia đình chuyên kinh doanh, buôn bán, làm đồ nhựa. Tuy nhiên cuộc sống phố thị không níu nổi bước chân ông. Năm 1994, ông tìm lên cao nguyên lộng gió, khí hậu quanh năm mát mẻ để xây dựng trang trại. "Hồi đó đất ở trên đỉnh đồi này còn hoang vu lắm, đất còn rẻ, tôi vừa mua vừa khai phá được 30ha, lúc đầu tôi tính trồng quế, qua quá trình trồng thử nghiệm, cây quế không phù hợp, năm 1996 tôi chuyển qua trồng cà phê theo hướng độc canh. Cà phê trồng được vài năm thì rớt giá. Năm 2000, tôi phá thế độc canh chuyển sang xen canh, cưa bỏ một số cà phê trồng 5 ha chè cành. Nhờ chăm sóc tốt, hợp thổ nhưỡng, cây chè phát triển tốt và năng suất cao hơn trồng ở dưới chân đồi. Chính vì vậy, thu nhập của gia đình từ cây cà phê và cây chè ngày một ổn định".

Ông Dưỡng cho hay, trong suốt quá trình trồng cây cà phê và cây chè, ông thấy cây nào cũng cần cây che bóng mát, nhưng trồng cây gì cho phù hợp, thì đây là bài toán chưa có lời giải. Năm 2005, ông xuống Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm chè và cây ăn quả Lâm Đồng, được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật ghép, chăm sóc cũng như phòng trị một bệnh trên cây bơ và mua được một số cây bơ sáp (một trong những giống đầu dòng có mã số BLĐ 001 – 0010 của tỉnh Lâm Đồng) mang về trồng thử. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật nên cây bị chết gần hết. Vậy nên ông phải mày mò tìm kiếm thông tin trên sách báo.

Đặc biệt sau khi được các kỹ sư Phòng NN- PTNT huyện Di Linh trực tiếp hướng dẫn, ông nhanh chóng áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn bơ của mình. Một thời gian sau, cây bơ phát triển rất tốt. Cây nào cây nấy lúc lỉu quả, năng suất cao, chất lượng tốt, hàm lượng chất béo cao, thịt mịn và dẻo. Nhiều trái đạt từ 900g – 1kg/trái, bán được giá gấp nhiều lần bơ bình thường. Từ những thành công ban đầu, ông vừa trồng vừa lặn lội đi khắp nơi như Long Khánh, Đăk Lăk, Buôn Mê Thuột, Đức Trọng, cuối cùng ông cũng kiếm được 2 cây bơ đầu dòng ở Suối Thông A, huyện Đơn Dương mang về làm chồi ghép.

TRỞ THÀNH ĐỆ NHẤT BƠ SÁP

Tới nay trang trại của ông Dưỡng đã có 15 ha trồng bơ sáp, trong đó có 7 ha trồng đông đặc và 8 ha trồng xen trong diện tích chè cành (bơ trồng năm thứ 5). Năng suất đạt từ 150 - 200 trái/cây.

Ông Dưỡng cho hay, bơ là loại cây rất dễ trồng, có thể trồng chuyên canh hoặc trồng xen canh trong vườn chè, cà phê, vừa làm cây che bóng mát, vừa tăng thu nhập. Nhờ đó, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác tăng đáng kể. Thời vụ nên trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 6 – 7. Nếu trồng chuyên canh khoảng cách 6m x 6m, 1ha trồng được 260 cây. Nếu trồng xen canh 7m x 7m, 1ha trồng được 200 cây. Cách trồng đào hố vuông 50 cm, trộn phân chuồng hoai mục và đất mùn san phẳng, dùng dao sắc rạch bịch, hạ cây bơ giống xuống lấp chặt xung quanh, nếu trời mưa không cần tưới.

Qua việc mở trang trại trồng bơ sáp, cà phê, chè cành, hàng năm gia đình ông Tằng Thín Dưỡng thu nhập hàng tỷ đồng, ngoài ra tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương từ 2 – 3 triệu đồng tháng; 30 lao động làm theo thời vụ từ 100 -120.000đ/ngày. Dự kiến trong thời gian tới, ông sẽ xây dựng cây bơ sáp thành vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến đông lạnh để xuất khẩu.

Phân bón chủ yếu dùng phân NPK, cây trồng được 30 ngày tiến hành bón nhử, lượng phân không đáng kể, mỗi cây bón 2 thìa cà phê phân NPK 16- 16- 8. Sau 1,5 tháng bón phân đợt 2 lượng phân như trên. Một năm bón 4 đợt. Khi cây phát triển tốt bón phân NPK 20- 20 -10 liều lượng tăng dần theo năm tuổi. Cây bơ ít bệnh, không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, bơ trồng chuyên canh năng suất trung bình đạt từ 70 – 80 tấn/ha/năm, nếu chăm sóc tốt đạt 100 – 120 tấn/ha/năm, giá bán sỉ từ 20 – 30.000đ/kg.

Ông Dưỡng cho biết, hiện nay thị trường tiêu thụ bơ sáp rất mạnh. Đã có một số hợp đồng của các siêu thị ở TPHCM tìm tới ông đặt hàng, nhưng ông chưa  đủ bơ để cung cấp, sản phẩm sản xuất ra mới đủ cung cấp cho nhà hàng Tâm Châu – Bảo Lộc – Đà Lạt.

Ông Dưỡng chia sẻ, nếu trồng bơ xen trong vườn chè cành thì cây bơ cao 4m nên bấm đọt, tạo tán không cho phát triển chiều cao, cây vừa khỏe vừa dễ thu hái. Nếu so sánh với cây chè cành thì cây bơ sáp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần, dễ trồng hơn, đầu tư chi phí thấp hơn. Không chỉ dừng lại ở bán sản phẩm. Thời gian qua, ông Dưỡng còn mày mò nghiên cứu ghép hàng vạn cây giống cao sản, sạch bệnh, chất lượng tốt cung cấp cho bà con trong vùng.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất