| Hotline: 0983.970.780

"Đệ nhất nhím" và tiểu sử... liều

Thứ Sáu 16/04/2010 , 10:47 (GMT+7)

Dắt díu vợ con đến Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) với hai bàn tay trắng, khởi nghiệp bằng chuỗi ngày ăn sắn thay cơm. Nhưng hiện tại người ta tôn ông là “đệ nhất nhím miền Bắc”.

Mang vẻ ngoài giản dị nhưng gia tài tỷ phú Thuận vào loại bậc nhất ở Chợ Đồn

Dắt díu vợ con đến Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) với hai bàn tay trắng, khởi nghiệp bằng chuỗi ngày ăn sắn thay cơm. Nhưng hiện tại người ta tôn ông là “đệ nhất nhím miền Bắc”.

>> ''Đại gia'' chân đất ở Bắc Kạn

Đi trước cả cán bộ

Trước khi vào Bằng Lũng tìm lão nông tỷ phú Nguyễn Văn Thuận, tôi được ông Mai Thế Chương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đưa đường bằng câu chắc nịch: “Đó là trang trại nhím lớn nhất miền Bắc, của một tay nông dân được xem là liều nhất ở Chợ Đồn”.

Tôi đã từng gặp nhiều tỷ phú chân đất nhưng chưa thấy ai khắc khổ như ông Thuận. Dù đã ở tuổi hơn 60 và có thể ung dung “sống trên tiền bạc” nhưng phần lớn thời gian ông không ở trại nhím thì nhất thiết phải lên rừng trồng cây. Có lẽ vì con đường trở thành đại gia bậc nhất ở Chợ Đồn có quá nhiều chông gai. Còn với loài vật mà người Tày ở đây gọi là “mềnh xổm” dường như ông có cơ duyên và cả chịu ơn.

“20 năm trước không ai nghèo như tôi. Còn bây giờ, nếu tính tổng tài sản thì tôi có thể tự hào rằng mình chẳng thua ai ở Chợ Đồn này”.

Vẫn chưa hết ám ảnh khi nhắc lại quá khứ đói nghèo, ông Thuận bảo rằng thời ấy dù là nông dân nhưng gia đình lại chẳng có nổi một tấc đất ruộng nào. Người Dao, Tày ở Bằng Lũng làm HTX theo kiểu góp đất chung, gia đình ông không có đất nên xin góp công, đến khi tan rã thì đất của ai người ấy lấy lại. Trắng tay, cuộc sống của cả gia đình trông vào củ sắn trên rừng hay những đồng bạc lẻ mà ông phải chạy vạy khắp nơi làm thuê. Cũng chính vì hoàn cảnh “đói đầu gối phải bò” nên ở Bằng Lũng không nông dân nào liều và nhiều trải nghiệm nhiều như ông.  

Làm thuê tích cóp được một ít thì bắt đầu tính chuyện chăn nuôi. Từ dê, bò, gà, lợn… hầu như bất cứ con gì nhà nông có thể nuôi ông cũng thử và tất cả đều… thất bại. Đến khi đọc báo đài thấy người ta nuôi nhím ông cũng làm theo. Khổ nỗi không có vốn nên muốn làm gì phải đi vay, nhưng thấy ông vay mãi nên ai cũng nản. Mấy bận ông mon men lên xã gặp cán bộ nông nghiệp trình bày đề án và xin vay vốn để nuôi nhím vì thấy nhiều nơi người ta nuôi nhím có thể giàu. Trình bày hết nhẽ nhưng ai nấy đều lắc đầu. Lý do, phần vì ở cả tỉnh Bắc Kạn này chưa thấy ai giàu bởi nhím cả, phần nữa vì ông có tiền sử… thất bại nhiều quá. Số tiền đầu tư nuôi nhím không nhỏ nên cán bộ Bằng Lũng không dám liều.

Bí bách, ông tiếp tục đi làm thuê, kiếm được đồng nào ông dồn hết vào những chuyến đi tham quan học hỏi nuôi nhím. Từ Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) đến các tỉnh Lạng Sơn, Hoà Bình, Sơn La… Cắm cả sổ đỏ đất ở vừa vỏn vẹn mua được một cặp nhím giống. Có được nhím rồi lại lo chuyện đất đai, không có gì thế chấp để vay tiền mua đất nên bước đầu ông phải đi thuê làm trang trại, trồng nguyên liệu làm thức ăn cho nhím… “Khoảng thời gian đó tất cả những việc tôi làm ai cũng cho là lạ. Kể cả khi đi thuê đất nông nghiệp trồng màu của bà con để trồng mấy loài cây làm thức ăn cho nhím họ không khỏi ái ngại vì kết cục chẳng biết thế nào còn tiền vay mượn nhiều quá. Đến mức đã không ít lần vợ ông lo sốt vó vì lỡ không may nhím chết chắc cả gia đình cũng chết theo luôn vì món nợ khổng lồ”, tỷ phú Thuận cười ha hả.

Nhưng rồi thời kỳ bi đát nhất dần qua, sau gần 10 năm, đàn nhím của ông đã hơn 100 cặp. Trang trại rộng hơn 15ha dường như chỉ xoay quanh đàn nhím bởi như lời mấy cán bộ ở Bằng Lũng ngạc nhiên rằng: “Chưa thấy ai thuê đất trồng rừng để đi trồng cây làm thức ăn cho nhím bao giờ”. Quy thành tiền theo giá hiện tại khoảng gần 2 tỷ. Nợ nần ngân hàng ông đều trả hết, mỗi năm dù làm chơi nhưng cũng có thể ung dung đút túi hơn 300 triệu đồng. Và đến khi có mấy lái buôn tận Trung Quốc nghe danh ông sang đặt vấn đề hợp tác đưa nhím “vượt biên” thì cán bộ Bằng Lũng lại rụt rè xuống trang trại của ông…học tập kinh nghiệm.

Không muốn giàu một mình

Nhờ ông Thuận, rất nhiều nông dân ở Bằng Lũng đổi đời

Hiện Bắc Kạn có 51 mô hình nuôi nhím có giấy phép. Đích thân nhiều chủ hộ và những cán bộ đầu ngành nông nghiệp từ tỉnh đến xã đều khẳng định họ có thể làm đều là nhờ ông Thuận. Tất cả đều xuất phát từ một giấc mơ khác. Giấc mơ không muốn giàu một mình.

Suốt buổi trò chuyện, ông tỷ phú đã bước qua tuổi 60 liên tục nhắc đi nhắc lại băn khoăn lớn nhất của ông bây giờ là làm thế nào để nông dân ở Bằng Lũng và nhiều vùng quê khác có thể làm giàu từ nhím. Tôi hỏi vui rằng không sợ nhiều người giàu sẽ cạnh tranh đầu ra sao? Ông thản nhiên rằng: “Làm giàu từ nhím thì dễ nhưng để theo kịp tôi thì có lẽ khó. Còn đầu ra thì mình mới chỉ đáp ứng được một phần quá nhỏ so với nhu cầu hiện nay”. Ông không nói suông. Hơn một năm nay ông dành rất nhiều thời gian khảo sát thị trường, đầu ra và bỏ công đi giúp đỡ những nơi có nhu cầu mở trang trại nhím.

Còn các thương lái tận Trung Quốc liên tục giục ông mở rộng mô hình để có thể đáp ứng cho họ những chuyến hàng vận chuyển bằng đoàn ô tô. Còn với riêng Bằng Lũng, nơi có nguồn thức ăn tự nhiên, đất đai rộng lớn và khí hậu rất phù hợp với loài vật nuôi hoang dã này ông tự tin vận động bà con rằng: “Nuôi nhím tối thiểu là khá còn không có lý do gì để không giàu”. Để chứng minh cho quan điểm “không muốn giàu một mình” ông nói thẳng rằng: “Chỉ tính riêng tiền mà ông giúp đỡ rất nhiều hộ dân ở Bằng Lũng mở trại nhím nếu đem gửi ngân hàng lấy lãi đã có một cuộc sống tươm tất rồi”.

Giấc mơ lớn nhất của tỷ phú Thuận hiện nay là xây dựng thương hiệu nhím sạch Bắc Kạn. Tiếp đó là mở các nhà hàng đặc sản thịt nhím ở khu vực Việt Bắc và Hà Nội. Vừa tạo đầu ra ổn định cho nhím thịt, vừa giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều lao động ở Bằng Lũng.

“Tính ra rằng, nuôi nhím vừa khoẻ mà lợi ích kinh tế lại gấp hàng chục lần nuôi lợn. Khó khăn nhất là nguồn vốn vay thì đã có ngân hàng, chỉ tiếc là ở Bằng Lũng ít người dám liều như ông Thuận quá”, ông Nông Văn Chung, cán bộ nông nghiệp ở Bằng Lũng, người đang cắp tráp theo ông Thuận học tập kinh nghiệm nuôi nhím tâm sự.

Ông Thuận liều và thành công ai cũng biết. Nhưng quá trình biến một cặp nhím ban đầu thành trang trại tiền tỷ có những tuyệt kỹ mà ông bảo rằng chỉ có ngủ bên chuồng nhím mới biết còn sách vở chưa bao giờ đề cập tới. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, giúp đỡ người khác vay vốn, vay nhím giống nhưng những tuyệt kỹ đó không thể tiết lộ vì thường mang đến những điều không hay. Cụ thể? Một đôi nhím bố mẹ đôi lúc đẻ 3 con, còn đôi khác chỉ đẻ một con. Làm thế nào để chia đều thành mỗi đôi 2 con mà chúng không cắn nhau? Về vấn đề này ngay cả những kỹ sư, cán bộ thú y đọc nát các loại sách về nhím vẫn phải lắc đầu, vậy mà ông làm được. Hỏi cách, ông cố ý trả lời mơ hồ kiểu “mình phải hiểu tính nết từng cặp” mà không chịu tiết lộ rõ ràng bởi dường như muốn biết đều phải trải nghiệm mà không thể nói suông. Lỡ may họ không hiểu mà làm chết đi đôi nhím đôi khi là cả một gia tài. (Hết)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm