| Hotline: 0983.970.780

Để nông sản xứ Nghệ vươn ra thế giới

Thứ Năm 17/12/2015 , 07:04 (GMT+7)

Ngoài sữa TH true Milk, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Nghệ An hiện vẫn chưa vươn ra được thị trường ngoại tỉnh. 

Nghệ An hiện có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù khá nổi tiếng như cam Vinh, sữa tươi sạch TH true Milk, vịt bầu Quỳ, hương trầm Quỳ Châu, chanh leo Tri Lễ; gà Mông đen, dệt thổ cẩm... được sản xuất ngay trong Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Tây Nghệ An.

Tuy nhiên, ngoài sữa TH true Milk, hầu hết các sản phẩm chưa vươn ra được thị trường ngoại tỉnh. Làm thế nào để các sản phẩm nông lâm sản này có thể tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường hiện vẫn chưa có lời giải...

Gắn logo khu DTSQ - Giải pháp tích cực

Khu DTSQ là một danh hiệu đã được thế giới công nhận và vinh danh, là sự khẳng định một “thương hiệu địa phương” về giá trị đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa, mô hình quản lý bền vững, thân thiện với thiên nhiên.

Do đó, việc gắn logo khu DTSQ trong đăng ký hàng hóa và chỉ dẫn địa lý chính là gắn danh hiệu đã được thế giới vinh danh vào sản phẩm của mình để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm mang tính đặc thù vùng miền nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Khu DTSQ Tây Nghệ An được UNESCO chính thức công nhận và xếp hạng là một khu DTSQ thế giới vào tháng 9/2007. Đây là khu DTSQ trên cạn có diện tích lớn nhất Đông Nam Á với tổng diện tích trên 1,3 triệu ha.

Với diện tích lớn, Khu DTSQ Tây Nghệ An phủ kín toàn bộ khu vực miền núi phía Tây xứ Nghệ, trở thành một hành lang xanh rộng lớn nối kết cả 3 vùng lõi gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát - Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống - Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cộng với Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa) và Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Trong đó, tự thân nó đã chứa đựng vô số tiềm năng lợi thế: Từ sự phong phú về bản sắc văn hóa các dân tộc, sự đa dạng về động thực vật, đặc điểm hệ sinh thái rừng (tính đa dạng sinh học) đến các lâm, thổ sản đặc thù quý hiếm riêng có của từng vùng.

Bởi vậy, việc phát huy các lợi thế của Khu DTSQ Tây Nghệ An thông qua việc gắn logo khu DTSQ này lên các sản phẩm đặc thù nói trên sẽ là một thông điệp đáng tin cậy gửi đến người tiêu dùng, giúp sản phẩm đó chiếm lĩnh thị trường tốt hơn. Từ đó tạo đà cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại miền Tây xứ Nghệ.

Tại các tỉnh có khu DTSQ như Cát Bà (Hải Phòng), Cù Lao Chàm (Hội An), Mũi Cà Mau... sau khi các sản phẩm của địa phương được gắn logo khu DTSQ đã có hiệu ứng rất tích cực và tạo sức cạnh tranh lớn. Ở Nghệ An một số sản phẩm nông nghiệp đang có cơ hội lớn để tiếp cận nhanh hơn khi thâm nhập sâu vào thị trường...

Ông Nguyễn Tiến Lâm, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết: "Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chúng tôi đã và đang thực hiện phương châm phát triển các khu sinh quyển theo hướng: “Tư duy hệ thống – Quy hoạch cảnh quan – Điều phối liên ngành – Kinh tế chất lượng” nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của Khu DTSQ Tây Nghệ An bằng nhiều chương trình hành động cụ thể.

Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới tiến độ việc gắn logo khu DTSQ cho các sản phẩm nhằm tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu trên thị trường".

Những lợi ích trước mắt và lâu dài

Tại Nghệ An, sản phẩm cam Vinh của Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2010 đã mở đường cho sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường trong nước và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Vì vậy, khi tiếp cận hồ sơ để thực hiện việc gắn logo khu DTSQ lên sản phẩm cam Vinh, lãnh đạo đơn vị này đã rất phấn khởi và đón nhận một cách nồng nhiệt.

Ông Hoàng Minh, GĐ Cty khẳng định: “Chính thương hiệu cam Vinh đã tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị thu nhập cho mỗi ha cam lên hàng chục lần (dao động từ 250 - 300 triệu đ/ha). Thu nhập cao và ổn định khiến diện tích cam trong Cty đã mở rộng từ 230 ha lên 800 ha…

Sắp tới khi cam Vinh được gắn thêm logo Khu DTSQ Tây Nghệ An từng quả thì sản phẩm của chúng tôi sẽ có thêm điều kiện để vươn xa hơn nữa. Nó không chỉ có thêm cơ hội để thâm nhập sâu vào thị trường khu vực và quốc tế mà còn mang về nguồn thu lớn hơn nữa trên đơn vị diện tích cho người trồng cam...”.

Ông Ngô Huy Hân, GĐ truyền thông Cty CP sữa TH chia sẻ: "Chỉ sau 6 năm triển khai Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao”, Tập đoàn TH đã đánh thức vùng đất nghèo ở khu vực Phủ Quỳ (Nghệ An) trở thành “thủ phủ” bò sữa lớn nhất châu Á.

Tập đoàn được xem là đơn vị tiên phong đặt nền móng cho ngành sữa tươi sạch tại Việt Nam và trở thành nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu Việt Nam hiện nay. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và đi đầu trong việc thúc đẩy quá trình minh bạch thị trường sữa nên các loại sản phẩm sữa của Tập đoàn TH với thương hiệu TH true Milk đã giành được sự tín nhiệm của đông đảo người tiêu dùng.

Tập đoàn đã giành được gần 20 giải thưởng và chứng nhận cho quy trình SX, vận hành và đóng góp cho cộng đồng… Các sản phẩm sữa TH true Milk đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.

Vì vậy việc gắn thêm logo Khu DTSQ Tây Nghệ An vào sản phẩm, sữa TH true Milk sẽ mọt lần nữa khẳng định nguồn gốc sinh thái, sự tươi sạch và thật sự thiên nhiên như Slogan in sản phẩm hiện nay.

Do đó việc gắn logo khu DTSQ vào sữa TH true Milk đang được Tập đoàn trân trọng và đón nhận, giúp TH tăng thêm sức mạnh và lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm...".

Ông Mark Fenn, đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cho rằng: "Việc gắn logo khu DTSQ phải đảm bảo được tác động qua lại 2 chiều: Làm sao để việc bảo tồn sinh quyển càng hiệu quả thì sản phẩm càng nổi tiếng và một khi sản phẩm càng chất lượng thì danh tiếng của khu DTSQ càng vang xa. Đây chính là mục tiêu mà các khu DTSQ đang đặt ra khi tiến hành gắn logo của mình lên sản phẩm: “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”.

Ông Nguyễn Tiến Lâm, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết thêm: “Các doanh nghiệp phải hiểu rõ những lợi thế rất lớn của mình khi sản phẩm được mang thương hiệu khu DTSQ, nhưng cũng phải thấy rõ cả trách nhiệm của họ như thế nào với Khu DTSQ Tây Nghệ An khi được gắn logo của khu DTSQ. Chúng tôi đang cố gắng để sang năm 2016, sẽ có những sản phẩm đầu tiên đến với thị trường trong và ngoài nước được mang logo Khu DTSQ Tây Nghệ An.

Logo Khu DTSQ tây Nghệ An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận với hình ảnh con sao la, cây sa mu dầu và đỉnh núi Pù Mát. Để đẩy nhanh tiến độ này, trước mắt chúng tôi sẽ khuyến mãi cho một số sản phẩm có thương hiệu và đã có uy tín trên thị trường, sau đó sẽ tiến hành thu phí để các doanh nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ cho khu DTSQ phát triển”.

Các đơn vị có nhu cầu gắn logo Khu DTSQ Tây Nghệ An vào sản phẩm của mình xin liên hệ theo địa chỉ:

Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An, cơ quan thường trực đại diện BQL Khu DTSQ Tây Nghệ An theo địa chỉ: Số 2A, đường Trần Huy Liệu, TP Vinh, Nghệ An.

Điện thoại: 0383.525.175/ 0975.638.046 Website: sinhquyennghean.vn

 

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất