| Hotline: 0983.970.780

Đê sông Đáy xuất hiện nhiều vết nứt trước mùa mưa lũ

Thứ Sáu 03/07/2020 , 10:56 (GMT+7)

Từ ngày 8/6 đến 29/6, trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm (Hà Nam) xuất hiện nhiều vết nứt, cảnh báo khả năng vỡ đê trong mùa mưa lũ năm nay.

Vết nứt trên mặt đê tả sông Đáy có chiều rộng từ 3 - 5cm, chiều sâu từ 25 - 30cm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vết nứt trên mặt đê tả sông Đáy có chiều rộng từ 3 - 5cm, chiều sâu từ 25 - 30cm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ghi nhận của PV Báo NNVN, ngoài đoạn đê tả Đáy có chiều dài 269m đã xảy ra sự cố nứt dọc mặt đê ngày 8/6, trên tuyến đê chạy qua địa bàn 2 xã Thanh Hải và Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) cho đến ngày 29/6 vừa qua đã xuất hiện thêm 5 vết nứt khác.

Vết nứt dọc giữa mặt đê kéo dài theo chiều dài tuyến đê. Chiều rộng vết nứt từ 3-5 cm và có độ sâu trung bình khoảng 15 – 25 cm. Hai bên mái thượng, hạ lưu cũng xuất hiện một số vết nứt dọc theo mái đê tuy nhiên không xảy ra hiện tượng sạt, trượt.

Ông Vũ Mạnh Văn cảnh báo với mức độ sự cố như này nếu có lũ lên thì hiện tượng sạt trượt có khả năng dẫn đến vỡ đê là có thể xảy ra. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Vũ Mạnh Văn cảnh báo với mức độ sự cố như này nếu có lũ lên thì hiện tượng sạt trượt có khả năng dẫn đến vỡ đê là có thể xảy ra. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tuyến đê khu vực xảy ra sự cố có mặt đê rải đá cấp phối rộng khoảng 3,5m, cao trình mặt đê từ 6,2 - 6,5. Hệ số mái thượng lưu từ 1,6 - 1,8, hạ lưu từ 2,5 - 2,8. Thượng lưu có cơ thấp, thoải, sát cơ có đầm ao với mực nước thấp. Hạ lưu có cơ rộng khoảng từ 3 - 5m, sát chân đê là ruộng và nhà dân. Đoạn đê xảy ra sự cố cách bờ sông Đáy khoảng từ 100 - 170m.

Trao đổi với Báo NNVN, ông Trần Ngọc Hưng, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Thanh Liêm cho biết: “Qua công tác kiểm tra theo dõi, ngày 8/6 vừa qua, Hạt Quản lý đê Thanh Liêm đã phát hiện hiện tượng nứt dọc mặt đê và nhiều vết nứt ở hai bên mái đê thượng lưu và hạ lưu. Chiều rộng vết nứt từ 3 - 5cm, chiều sâu từ 25 - 30cm, và các vết nứt ở hai bên mái đê xuất hiện nhiều, dày chi chít.

Với sự cố như thế này nguy cơ xảy ra vỡ đê rất cao, đặc biệt là trong mùa mưa bão đến gần hoặc có khả năng xảy ra sạt trượt, sau đó dẫn đến vỡ đê.”

Theo nhận định ban đầu, có thể do địa chất nền đê yếu, kèm theo thời tiết khắc nghiệt đã dẫn đến hiện tượng nứt đê. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo nhận định ban đầu, có thể do địa chất nền đê yếu, kèm theo thời tiết khắc nghiệt đã dẫn đến hiện tượng nứt đê. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam, đoạn đê tả sông Đáy đã được đắp từ lâu, mặt đê nhỏ hẹp, rải cấp phối, lưu lượng xe tải lưu thông không nhiều, đồng thời khu vực này cách xa sông, chưa xảy ra hiện tượng sạt trượt.

Vì vậy, việc đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố là rất khó chính xác. Theo nhận định ban đầu, có thể do địa chất nền đê yếu, mặt khác thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nhiều ngày xảy ra hiện tượng co ngót không đồng đều, dẫn đến hiện tượng vỡ nứt.

Ông Vũ Mạnh Văn, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Nam), cảnh báo: “Với mức độ sự cố như này nếu có lũ lên thì hiện tượng sạt trượt dẫn đến vỡ đê rất cao. Ngày 8/6 xảy ra hiện tượng vỡ, nứt ở 269m mặt đê, còn 5 vị trí nứt tiếp theo có đoạn 10m, 12m, 41m, 50m, có đoạn tận 86m".

"Đề nghị nhà nước khẩn trương cho xử lý ngay sự cố trên đê tả sông Đáy để đảm bảo mùa mưa lũ năm nay. Sở NN-PTNT đã báo cáo UBND tỉnh Hà Nam và đề nghị huyện Thanh Liêm lập phương án bảo vệ hộ đê đoạn trọng điểm của khu vực xảy ra sự cố này”, ông Văn nói.

Nhiều vết nứt xuất hiện trên đê tả sông Đáy từ ngày 8/6 đến 29/6. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều vết nứt xuất hiện trên đê tả sông Đáy từ ngày 8/6 đến 29/6. Ảnh: Phạm Hiếu.

Để đảm bảo an toàn cho đoạn đê tả sông Đáy bị rạn nứt, Hạt Quản lý đê Thanh Liêm đã dựng biển cấm các phương tiện vận tải lưu thông. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra, theo dõi chặt chẽ để nắm bắt tình hình, chủ động phương tiện, vật tư, lực lượng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.