| Hotline: 0983.970.780

Để thương hiệu Cam K4 Hải Phú lan xa

Chủ Nhật 24/11/2019 , 08:15 (GMT+7)

Nhằm góp phần quảng bá thương hiệu “Cam K4 Hải Phú ”cho nông dân xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Chi hội Nhà báo Thường trú tại tỉnh này tổ chức đoàn đi thực tế về với nông dân trồng cam. 

Điều cốt lõi nhất người nông dân cần giúp là quảng bá thương hiệu cam K4 để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Phóng viên Báo NNVN đã có mặt cùng đoàn.

Ông Trần Ngọc Nhơn, 66 tuổi chủ vườn cam cho biết, hơn hai mươi năm trước khi nhà nước có chủ trương chuyển đổi đất rừng vùng K4 do HTX Long Hưng quản lý thành đất trang trại cho hộ gia đình trồng cây ăn quả có múi, ông liền đến vùng đồi này lập trang trại đầu tiên, tìm mọi cách để biến vùng này thành trang trại cây ăn quả có giá trị.

Đây là một vùng đồi úp bát, đất đỏ pha sỏi, dễ thoát nước. Ông tìm ra Nghệ An mời cán bộ kỹ thuật vào kiểm tra thổ nhưỡng và khí hậu và được cho rằng phù hợp để trồng cam. Ông Nhơn quyết định chọn trồng giống cam Vân Du của Nghệ An, cam cara ruột đỏ của Úc, ngoài ra còn trồng thêm bưởi Diễn, bưởi Tiến vua...

Ông Trần Ngọc Nhơn bên cây cam Vân Du.

Ban đầu ông trồng 2 ha cam với 500 cây/ha, bốn năm sau vườn cam cho thu hoạch vụ kinh doanh đầu tiên, sai quả. Trung bình mỗi năm 1ha cam có thu nhập 400 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 200 triệu, còn lại lãi ròng 200 triệu. Hiện vườn cam của ông có diện tích 6 ha.   

Thấy ông Nhơn trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng nhiều loại cây khác trên cùng diện tích đất nên thêm 12 hộ nông dân lên vùng đồi K4 lập trang trại cùng trồng cam. Cam K4 chất lượng thơm, ngọt, nhiều nước, người tiêu dùng ưa chuộng. Từ khi trồng thành công cây có múi ở vùng đồi K4, ông Nhơn và bà con tuyệt đối không phun bất cứ loại thuốc BVTV nào trước khi thu hoạch từ 3 đến 4 tháng. Các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc bón phân cũng tuân thủ nghiêm ngặt cho đến khi thu hoạch. Vì thế sản phẩm cam K4 Hải Phú được đánh giá đảm bảo ATTP.

Cam Cara ruột đỏ của Úc được trồng thành công ở đồi K4.

Hiện vùng cam K4 ở Hải Phú có diện tích gần 40 ha. Tuy nhiên, điều làm cho ông Nhơn và 12 hộ khác đau đầu nhất là làm thế nào để quảng bá thương hiệu cam K4 mạnh hơn để thị trường biết đến nhiều hơn nhằm bán cam được giá cao mà không bị tư thương ép giá. Hiện mỗi kg cam bán tại vườn giá 20 nghìn đồng, nhưng khi đưa ra thị trường các thương lái bán đến 36 ngàn đồng. Như vậy người nông dân trồng cam vất vả mà khoản lãi mang lại sau khi trừ chi phí còn thấp hơn các thương lái rất nhiều.

Tiếp đoàn phóng viên thường trú, Quyền Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng  Phạm Đình Lợi mong muốn thông qua phương tiện thông tin truyền thông qua chuyến đi thực tế của các nhà báo thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ biết nhiều hơn về vùng cảm đặc sản ở K4, giúp nông dân trồng cam bán được giá cao hơn để bà con không ngừng tích lũy xây dựng cuộc sống ngày càng chất lượng hơn.

Phóng viên tác nghiệp tại vườn cam tại vùng đồi K4.

Theo ông Phạm Đình Lợi, qua phân tích thổ nhưỡng và khí hậu ở K4 ở Hải Phú và miền tây huyện Hải Lăng rất phù hợp với các loại cây ăn quả có múi, một số loại cây đã tỏ ra thích nghi tốt, có hiệu quả bước đầu, nhất là cây cam và bưởi. Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ KH-CN đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam K4 Hải Phú” cho bà con nông dân vùng này.

Điều ông Lợi băn khoăn là diện tích canh tác cam, bưởi hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Dư địa để phát triển cam, bưởi ở huyện Hải Lăng còn rất lớn. Kế hoạch đến hết năm 2020 huyện phát triển được 150 ha cam, đến 2025 toàn huyện sẽ phát triển được 1.000 ha cam, đưa cây có múi trở thành một thế mạnh kinh tế vùng gò đồi của huyện Hải Lăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Để phát triển vùng chuyên canh cam và cây có múi vùng gò đồi này, huyện Hải Lăng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng làm đường giao thông, kéo dây điện thắp sáng về giúp nông dân thuận lợi hơn cho việc cơ giới hóa phục vụ sản xuất hiện đại.

Ông Nguyên Lý, Chi hội trưởng Chi hội phóng viên Thường trú tại Quảng Trị chia sẻ những khó khăn trong quảng bá thương hiệu của người trồng cam huyện Hải Lăng. Ông Lý gợi mở bà con nông dân nên tập trung sản xuất cam và các cây có múi theo hướng hữu cơ, tạo chuỗi sản phẩm từ trang trại đến thị trường tiêu thụ. Làm được vậy giá trị cam K4 sẽ tăng lên rất nhiều, người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn. Trách nhiệm của phóng viên sẽ tuyên truyền những mô hình hay, việc làm sáng tạo và ý nghĩa của bà con nông dân trên các phương tiện thông tin để góp sức giúp nông dân làm giàu chính trên quê hương mình.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.