| Hotline: 0983.970.780

Đê trăm tỷ nát tươm sau chưa đầy 2 năm bàn giao

Thứ Hai 17/06/2019 , 13:10 (GMT+7)

Tuyến đê chắn sóng ven biển dài gần 5 km đi qua các xã Minh Lộc, Đa Lộc, Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư trên 143 tỷ đồng, dù chỉ mới bàn giao đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đặc biệt, hơn 1 km đê qua địa bàn xã Đa Lộc bị nứt, mặt đê có đoạn gần như bị tách làm đôi.

Những vết nứt giữa tuyến đê kéo dài hàng trăm mét.

Năm 2009, người dân các xã Đa Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc vui mừng khi UBND huyện Hậu Lộc làm chủ đầu tư xây dựng tuyến đê quai chắn sóng có tổng mức đầu tư hơn 143 tỷ đồng. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn (có trụ sở tại Ninh Bình) và Công ty TNHH xây dựng Phúc Thành (có trụ sở tại Thanh Hóa). Đến đầu năm 2017, toàn bộ tuyến đê được bàn giao và đưa vào sử dụng.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, bàn giao được 1 năm thì tuyến đê bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu xuống cấp. Người dân các xã vùng bãi ngang Hậu Lộc như ngồi trên đống lửa vì mùa mưa bão sắp đến.

Theo ghi nhận của PV, nhiều đoạn đê, nhất là đoạn đi qua địa bàn xã Đa Lộc gần như bị tách làm đôi với một vết nứt lớn ở giữa, kéo dài hàng trăm mét. Những vết rạn nứt vẫn không có dấu hiệu dừng lại, mặt đê nhiều đoạn nát tươm.

“Không biết họ thi công kiểu gì mà nghe nói đổ cả trăm tỷ đồng xuống đó, mới được vài năm đã nứt toác như thế? Nhiều đoạn, mặt bê tông của đê xuất hiện vết nứt to kéo dài 400- 500m, chiều rộng vết nứt càng ngày càng lớn và vẫn đang tiếp tục nứt thêm.

Trên những tuyến đê này, nếu có thì chỉ là những xe chở thức ăn cho tôm tải trọng nhỏ. Nếu đổ cho xe vượt quá tải trọng đi vào gây hỏng đê là không đúng. Thực tế này không những ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông hằng ngày mà còn khiến dân chúng tôi mất ăn, mất ngủ, lo lắng khi mùa mưa lũ đã cận kề” - một người dân Đa Lộc xót xa. 

Nhiều điểm vết nứt tách rộng 4-5 cm.

Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho rằng: “Đoạn đê bị nứt nghiêm trọng kéo dài gần 500m là do Công ty TNHH xây dựng Phúc Thành có trụ sở tại Thanh Hóa thi công. Việc nhiều đoạn đê bị nứt toác như vậy có thể do nền đất yếu hoặc trong quá trình thi công không được lu lèn cẩn thận”.

Cũng theo lời ông Đỉnh, thời điểm vừa được bàn giao tuyến đê đã xuất hiện việc rạn nứt trên bề mặt, sau đó đã được đơn vị thi công đổ một lớp bê tông mới lên trên lớp mặt bê tông cũ có độ dày khoảng 5cm.

Tuy nhiên, cách khắc phục như vậy cũng chẳng thấm tháp vào đâu: “Dù đơn vị thi công đã có động thái khắc phục sự cố nhưng chừng đó vẫn chưa đủ vì có thể do nền đất cũ rất yếu nên đất bị sụt lún khiến lớp bê tông trên mặt đê bị rạn nứt. Trong khi đó xã đã phải nghiêm cấm các xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê nhưng mặt đê vẫn xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều lần xã họp, tiếp xúc cử tri đã báo cáo với cấp trên. Huyện cùng với các nhà thầu đang tìm biện pháp để khắc phục sự cố”.

Thanh Hoá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 14 dự án xử lý cấp bách các công trình đê điều do ảnh hưởng của bão lũ năm 2017 với tổng mức đầu tư trên 250 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng). Theo kế hoạch, các công trình phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khối lượng thi công trung bình từng dự án đạt khoảng từ 30 đến 40%; giá trị giải ngân vốn đạt hơn 23% tổng mức đầu tư chủ yếu do vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Nhiều người lo ngại về chất lượng các công trình khi thời gian vừa qua, một số công trình đê điều tại Thanh Hóa gặp sự cố chỉ ít thời gian sau khi bàn giao.

Trước tình hình này, Sở NN&PTNT Thanh Hóa  gửi văn bản yêu cầu UBND huyện Hậu Lộc báo cáo kết quả kiểm tra và hướng xử lý việc nứt mặt đê biển.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng huyện Hậu Lộc xác định đoạn đê từ K9+795 - K12 thuộc xã Đa Lộc xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt đê với tổng chiều dài khoảng 1,1 km, khe nứt rộng 0,1 đến 5 cm.

Sở NN&PTNT Thanh Hóa đề nghị cơ quan chức năng, huyện Hậu Lộc huy động nguồn lực khẩn trương khắc phục những điểm hư hỏng; phối hợp với Hạt quản lý đê Hậu Lộc tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các vết nứt; yêu cầu huyện Hậu Lộc chuẩn bị đầy đủ, vật tư, nhân lực, phương tiện để kịp thời xử lý tình huống xấu; ngăn chặn triệt để các xe có tải trọng lớn lưu thông trên đoạn đê trên.

Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc, cho biết huyện đã làm việc với nhà thầu; các bên thi công cam kết sẽ xử lý và sửa chữa lại những điểm hư hỏng trước ngày 15/6.

“Huyện đã làm việc với các nhà thầu, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc, theo dõi diễn biến sụt lún.

Trước hết nhà thầu phải khắc phục sự cố và chuẩn bị sẵn các phương án phòng chống thiên tai. UBND xã cũng đã vào cuộc, ngăn các xe có tải trọng lớn không được ra vào.

Hiện nay, một số đoạn xuất hiện vết nứt, nhà thầu đã áp dụng các giải pháp khắc phục. Những đoạn bị sụt lún nghiêm trọng thì phải đào lên, thay thế bằng bê tông mới.

Hiện mới chỉ có 1 nhà thầu vào cuộc, nhà thầu còn lại chúng tôi đang đốc thúc để tiến hành sửa chữa” – bà Liên cho hay.

Những vết nứt chưa có dấu hiệu dừng lại.

Dù được chính quyền các cấp, ngành chức năng tích cực vào cuộc nhưng dư luận cho rằng, việc khắc phục sự cố sẽ chỉ như công dã tràng khi nền cốt của tuyến đê vốn đã không đảm bảo. Có người kiến nghị, nếu chứng minh được sự cố nêu trên là do phía đơn vị thi công cẩu thả, rút ruột công trình cần phải xử lý nghiêm tránh tạo ra tiền lệ xấu.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.