| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất giải pháp chống ngập cho huyện đảo Phú Quốc

Thứ Sáu 16/08/2019 , 20:18 (GMT+7)

Sáng 16/8, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang tổ chức họp báo thông tin về tình hình mưa lớn gây ngâp lụt trên địa bàn huyện Phú Quốc và đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Kiên Giang tổ chức họp báo thông tin về tình hình mưa lớn gây ngập lụt trên đảo Phú Quốc và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang Phạm Công Khâm, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Văn Sển và Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh đồng chủ trì buổi họp báo.

Thông tin tại buổi họp báo, bà Đinh Thị Việt Hà (Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang) cho biết, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 8, tổng lượng mưa trên địa bàn huyện Phú Quốc đã vượt 7 lần so với trung bình nhiều năm, đạt 1.167 mm, bằng gần 1/2 so với tổng lượng mưa trung bình cả năm. Đây là lượng mưa lớn lịch sử ghi nhận được kể từ năm 1978 cho đến nay. Lượng nước quá lớn trút xuống trong thời gian ngắn đã gây ra ngập lụt cục bộ nhiều nơi trên địa bàn huyện.

Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho rằng thời tiết thời gian qua rất lạ thường, mưa lớn chưa từng có đã gây ngập lụt một số nơi trên địa bàn huyện.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh cho biết, từ ngày 1-9/8, mưa lớn kỷ lục bất ngờ ập đến và kéo dài liên tục đã gây ngập nặng cục bộ trên đảo Phú Quốc.

Ông Huỳnh khẳng định “không phải toàn bộ đảo Phú Quốc bị ngập nước”, mà chỉ ngập một số khu vực như: Thị trấn Dương Đông, cuối rạch Ông Trì, sân bay cũ, bến Tràm, ấp Cây Thông Trong, Cây Thông Ngoài và đường dọc Bãi Trường…

Theo ông Huỳnh, đa số những hộ dân có nhà bị ngập lụt là những người di dân ra đảo Phú Quốc làm ăn, sinh sống trong khoảng 10-15 năm trở lại đây. Những hộ này mua đất ở vùng sâu, vùng sa, chỗ trũng, vì đất rẻ để ở nên bị ngập sâu, việc cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Cán bộ Sở Xây dựng Kiên Giang chỉ bản đồ địa hình đặc thù của đảo Phú Quốc, với hơn 2/3 diện tích là đồi núi và rừng tự nhiên, việc thoát nước cũng khác các đảo nhỏ.

Do địa hình đặc thù của Phú Quốc, rừng tự nhiên và đồi núi chiếm hơn 2/3 diện tích toàn đảo. Phú Quốc như một quốc gia thu nhỏ, có đồi núi, đồng bằng, sông rạch nên việc thoát nước khó khăn hơn chứ không như các đảo nhỏ là nước mưa chảy từ trên cao xuống và thoát ra biển hết.

Về nguyên nhân, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc khẳng định, trước hết là do biến đổi khí hậu, thời tiết rất là lạ thường chứ không phải bất thường. Trời mưa rất to và kéo dài, cùng với đó là triều cường dâng cao, sóng rất lớn, gió xoáy… khiến nước không thể theo các cửa sông thoát ra biển. Tiếp đến là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, hệ thống thoát nước trên đảo đã đầu tư lâu, đã quá tải và bị vô hiệu hóa do triều cường cao.

Ông Mai Văn Huỳnh cũng thừa nhận thời gian qua “việc quản lý trong đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện chưa thật sự tốt, để xảy ra tình trạng xây dựng lấn chiếm sông suối, san lấp một số hồ điều tiết, san ủi, tôn nền ở một số khu vực, làm cản trở việc thoát nước, khiến cho ngập úng nặng nề thêm. Khi sự việc xảy ra, việc công bố thông tin chưa kịp thời, dẫn đến thông tin không chính xác, một số nhận định chủ quan gây hoang mang, hoảng sợ cho người dân và du khách, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư”.

Trước mắt, hiện huyện Phú Quốc đang tập trung khắc phục hậu quả, giúp dân ổn định cuộc sống. Khẩn trương tiến hành việc tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh.

Về lâu dài, sẽ khảo sát các khu vực ngập sâu để làm hệ thống thoát nước ra biển. Động viên những hộ lấn chiếm sông rạch tự tháo dở, di dời, nếu không thì sẽ lập đoàn cưỡng chế, trả lại dòng chảy tự nhiên. Sở Xây dựng rà soát các dự án thi công, nhất là tại khu vực bãi Trường, yêu cầu các doanh nghiệp phải có kế hoạch thoát nước trong quá trình thi công khi thời tiết cực đoan xảy ra. Các doanh nghiệp đang đầu tư, thi công nếu không tuân thủ các quy định của địa phương sẽ đình chỉ thi công.

Lãnh đạo huyện Phú Quốc cho rằng, phần lớn các hộ có nhà bị ngập sâu là mới di cư ra đảo, ở vùng sâu, vùng xa, trũng thấp nên việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không “hồ nước Dương Đông xả lũ, gây ngập lụt cho phía hạ du”. Ông Huỳnh khẳng định đây là hồ nước do Sở NN-PTNT quản lý, nhưng trong đợt mưa bão vừa qua hoàn toàn không có bất cứ thời gian nào thực hiện xả cửa đáy. Chỉ có xả tràn khi nước đến ngưỡng quy định để đảm bảo an toàn, không bị vỡ đập.

Có hay không việc Phú Quốc bị phá vỡ quy hoạch và đang bị bê tông hóa, dẫn đến ngập lụt? Bí thư Huyện ủy Phú Quốc Mai Văn Huỳnh khẳng định “đảo ngọc được quy hoạch bài bản và đang trong quá trình thực hiện. Trận thiên tai là bài học để huyện hoàn thiện quy hoạch. Sắp tới đây huyện sẽ công bố xây dựng đường quanh đảo và xây dựng công viên bãi biển rộng khoảng 100 ha, là bãi biển chung công cộng của nhân dân, không giao cho bất kỳ nhà đầu tư nào”.

Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang Lê Quốc Anh đề xuất, phải mở thêm các cống ngang để thoát nước ở đường quanh đảo, không để xảy ra hiện tượng đường trở thành đập ngăn nước thoát ra biển. Về lâu dài nên xây dựng các kênh hở, vừa tạo cảnh quan, vừa giúp việc thoát nước ra biển được tốt hơn.

Kết thúc buổi họp báo, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí, ngoài việc đưa tin về thiên tai, tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả, cũng nên hiến kế cho huyện đảo Phú Quốc, cho tỉnh Kiên Giang về giải pháp để chống ngập hiệu quả.

Theo thống kê, toàn huyện có 63 km đường giao thông bị ngập lụt, với độ sâu từ từ 0,5-1,5 m, có một số nơi ngập sâu tời 2 m. Có trên 8.000 căn nhà của dân bị ngập nước, làm hư hỏng nhiều tài sản, nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản và gia cầm bị thiệt hại. Ước tổng thiệt hại hơn 107 tỷ đồng. Do ngập lụt và thời tiết xấu, sân bay quốc tế Phú Quốc đã phải tạm thời đóng cửa khoảng 8 tiếng trong ngày 9/8, với 30 chuyến bay đến và đi bị hủy.

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.