| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất rà soát đơn kêu oan của tử tù, người bị kết án nặng

Chủ Nhật 26/10/2014 , 08:43 (GMT+7)

Báo cáo của Ủy ban tư pháp cho thấy tỷ lệ các bản án sơ thẩm bị kháng nghị, kháng cáo và được toà án cấp phúc thẩm chấp nhận tăng so với năm trước. 

Năng lực thẩm phán hạn chế, số lượng bản án bị kháng nghị phúc thẩm tăng, tiến độ thi hành án tử hình chậm, cơ sở giam giữ xuống cấp... là thực trạng được Ủy ban Tư pháp nêu sáng 25/10 trước Quốc hội.

Sáng 25/10, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày nội dung thẩm tra các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và công tác thi hành án trước Quốc hội.

Năm 2014 chất lượng công tác xét xử các vụ án hình sự được đánh giá đã "nâng lên" và "đạt yêu cầu". Số vụ án và bị cáo được toà án nhân dân các cấp thụ lý xét xử tăng, hạn chế được việc trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; xét xử nhiều vụ án lớn về trật tự xã hội, ma tuý, kinh tế… Không có trường hợp nào toà án kết án oan người không có tội.

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy tỷ lệ các bản án sơ thẩm bị kháng nghị, kháng cáo và được toà án cấp phúc thẩm chấp nhận lại tăng so với năm trước. Tỷ lệ bản án bị huỷ, sửa… do nhận định và quyết định chưa đúng tính chất mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội vẫn còn cao. "Có bị cáo đáng được hưởng án treo nhưng bị xử phạt tù, ngược lại, có trường hợp đáng bị xử phạt tù lại được án treo", báo cáo nêu.

Ủy ban Tư pháp nhận thấy việc tranh tụng tại toà còn hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hành chính mới. Năm 2014 tỷ lệ quyết định các vụ án dân sự bị sửa, huỷ do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 4.600 bản án quyết định dân sự vi phạm. Số lượng các bản án quyết định bị kháng nghị phúc thẩm tăng... Nhiều vụ án dân sự tranh chấp đất đai nhà ở, thừa kế xét xử nhiều lần gây bức xúc. Đường lối xét xử án dân sự không thống nhất, mỗi cấp một cách.

"Có vụ án xét xử 13 lần qua sơ thẩm, phúc thẩm, 3 lần giám đốc thẩm, trong đó 2 lần do hội đồng thẩm phán toà án tối cao xét xử giám đốc thẩm. Đã qua 19 năm, từ 1995 nay lại trở về sơ thẩm, không biết khi nào kết thúc. Việc xét xử như vậy gây mất lòng tin của nhân dân", ông Hiện nói.

Trong tổng thể, các vụ án hành chính không nhiều, chỉ 1,76% nhưng tỷ lệ các bản án quyết định sơ thẩm bị kháng cáo kháng nghị trên 40%, tỷ lệ sửa, huỷ cũng rất cao, gấp nhiều lần các án khác. Nguyên nhân chính là do thẩm phán né tránh trách nhiệm, ngại va chạm với các cơ quan hành chính.

Báo cáo cho thấy số người bị kết án phạt tù còn ở ngoài xã hội lớn với hơn 3.000 người. Hơn 1.400 người đã trốn thi hành án nhiều năm đến nay vẫn chưa truy bắt được. Tình trạng phạm nhân sử dụng ma tuý, đánh bạc, dùng điện thoại xảy ra ở nhiều nơi tạm giam.

Nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện đã lập hồ sơ xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù nên không được toà án chấp nhận. Đặc biệt, số người bị kết án tử hình chưa được thi hành án còn nhiều, nhưng tiến độ thi hành án còn rất chậm. Đây được cho là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu lực răn đe, phòng ngừa tội phạm, gây sức ép cho công tác quản lý giam giữ.

Theo phản ánh của các địa phương, cách thức tổ chức thi hành án tử hành bằng cách tiêm thuốc độc rất tốn kém. Việc tổ chức nhà tử hình chưa hợp lý nên các địa phương gặp nhiều khó khăn, phải tổ chức áp giải bị án đến nơi thi hành án và mang xác tử tù về các địa phương.

Theo ông Hiện, cán bộ toà án đã được tăng cường, bồi dưỡng, nhưng năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán… còn rất hạn chế. Một bộ phận vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật đã bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc phân bổ kiểm sát viên, thẩm phán còn bình quân, chưa phù hợp với nhu cầu công việc cần giải quyết, dẫn đến nơi ít việc thì thừa người, nơi nhiều việc thì thiếu cán bộ.

Uỷ ban tư pháp kiến nghị cần tập trung đầu tư cơ sở ở nơi giam giữ đã xuống cấp nghiêm trọng, đẩy nhanh tiến độ thi hành án. Ủy ban đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát, TAND tối cao xử lý có hiệu quả các vụ án, khắc phục bỏ lọt tội phạm, tránh lạm dụng hình thức tạm giam với những trường hợp không thực sự cần thiết, không để xảy ra dùng nhục hình, không làm oan người vô tội, khắc phục triệt để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự, quyết định cho hưởng án treo với tội phạm tham nhũng...

"Cần đẩy nhanh rà soát những đơn thư kêu oan, nhất là các trường hợp có mức phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình... Cần thường xuyên thanh tra kiểm tra nội bộ, phát hiện kịp thời, xử lý cán bộ công chức, đặc biệt với những người có chức danh tư pháp vi phạm kỷ luật và pháp luật", Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp nói.

 

VnExpress

Xem thêm
10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất