| Hotline: 0983.970.780

Đêm săn cá lăng

Thứ Năm 18/04/2013 , 10:10 (GMT+7)

Một trong những loài cá đặc sản, nổi tiếng thơm ngon, giá trị kinh tế cao ở hồ Dầu Tiếng là cá lăng nha, lăng vàng.

Một trong những loài cá đặc sản, nổi tiếng thơm ngon, giá trị kinh tế cao ở hồ Dầu Tiếng là cá lăng nha, lăng vàng. Chính vì giá trị kinh tế cao của nó mà ngư dân sống quanh hồ đua nhau săn bắt bằng mọi hình thức.

>> Tôm, cá lũ lượt bỏ đi

NHỚ NHỮNG CON LĂNG KHỦNG

Nghe tôi nói muốn đi câu cá lăng, anh Ba Tiến, cư dân đảo Nhím, người một thời được mệnh danh là “sát thủ” các loài cá trên hồ Dầu Tiếng, cười bảo: “Được thôi, tôi sẽ dẫn chú đi một chuyến cho biết. Nhưng tôi nói trước là “hẻo” lắm đấy, nhiều khi ngồi cả đêm, đến sáng xách cần về không. Đi câu, chán nhất là không thấy máy cần”.

Anh Tiến bảo, khoảng 5 - 7 năm trước thôi, anh đi câu một chuyến mang về vài chục ký cá lăng là chuyện thường. Bây giờ, tài sát thủ của anh đang bị mọi người quên dần. “Hồi đó cá lăng bình thường là 3 - 4 ký, những con nặng gấp đôi cũng không ít. Bây giờ, cá lăng chỉ còn chừng nửa ký. Câu được con nào 1 ký là mừng lắm rồi. Nhưng, không phải tôi không còn tài câu mà do cá lăng ở hồ Dầu Tiếng đang giảm số lượng nghiêm trọng”, anh Tiến cười, nói tiếp.

Hơn 5 giờ chiều, khi ánh nắng bắt đầu ngả vàng, anh Tiến vỗ vai tôi: “Chuẩn bị lên đường. Thức đêm nổi không? Tôi lật đật xách máy theo anh. Bất chợt, một mùi hôi khủng khiếp đâu đó sộc đến khiến tôi nhăn mặt, vội vàng đưa tay lên mũi. Anh Tiến cười khanh khách, bảo: “Tiêu rồi, muốn đi câu cá lăng thì phải quen với mùi này, nếu không chịu nổi thì chỉ có nước ở nhà. Đây là mồi câu. Mùi khó chịu vậy thôi chứ không giống như… cái kia đâu”.


Mồi câu cá lăng, làm rất công phu

Anh Tiến cho biết, mồi câu cá lăng có 2 loại là mồi câu sống và mồi thuốc. Mồi sống là cá trê, cá lóc nhỏ còn sống, lưỡi câu được móc vào lưng chúng thả xuống. Nhưng, muốn câu được nhiều cá lăng to thì phải dùng mồi thuốc, mà làm mồi thuốc không chỉ tốn nhiều thời gian, công phu mà còn phải biết công thức pha chế từ hơn 10 nguyên liệu khác nhau nữa, trong đó có một số nguyên liệu như mắm cá linh, bông gòn, mỡ bò, một số vị thuốc bắc... trộn thật kỹ thành một thứ chất dẻo đặc quánh như kẹo mạch nha, chỉ cần lấy lưỡi câu ngoáy vào là dính chặt, thả xuống chỗ nước chảy xiết cũng không thể tan.

Sau đó, đem hỗn hợp này ủ vài ngày cho “dậy” mùi trước khi làm mồi. “Câu cá lăng không hề đơn giản. Ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm, còn phải biết câu ở nước đứng như mặt hồ thì dùng mồi gì, câu chỗ nước chảy thì dùng mồi gì. Nói nôm na thế cho chú hiểu thôi chứ giải thích cặn kẽ chắc cả buổi mới hết”, Tiến thao thao.

Chiếc xuồng nổ máy, rung bần bật, lao đi. Hướng thẳng đập chính của hồ, nơi có nước chảy. Khoảng 20 phút sau, chiếc xuồng giảm tốc dộ dần rồi dừng hẳn. Khu vực này cách đập chính vài trăm mét, nước chảy chầm chậm. “Mấy năm trước, chỗ này tập trung rất nhiều cá lăng. Nhưng lâu rồi không đi nên không biết thế nào, cứ thử xem sao”, anh Tiến nói rồi nhanh chóng đưa chiếc lưỡi câu vào hộp mồi quấn nhẹ. Một cục chất dẻo bốc mùi nồng nặc đã bám chặt vào lưỡi câu. Anh Tiến vừa vung cần câu quăng mồi vừa nói: “Cá lăng là loài háu ăn, nếu có, kiểu gì cũng dính. Chỉ sợ không có thôi”.

Mọi việc đã xong, chúng tôi ngồi hút thuốc, hồi hộp ngồi đợi. Đôi mắt anh Tiến không rời chiếc phao trắng, to như ngón tay cái đang nổi trên mặt nước. Nửa tiếng, rồi 1 tiếng trôi qua, chiếc phao vẫn lặng lẽ nổi trên mặt nước. “Kiểu này thua rồi”, anh Tiến lẩm bẩm. Nhưng, chưa dứt lời thì đôi mắt anh sáng lên: “Có rồi”. Tôi nhìn theo tay anh, dưới mặt nước, chiếc phao đang nhấp nháy liên hồi. Ngay sau đó, anh Tiến giật mạnh rồi thoăn thoắt thu dây. Khi dây thu lại gần hết, anh tiếp tục giật mạnh, một con cá lăng cỡ bắp tay tôi đang giãy giụa.


Cá lăng hồ Dầu Tiếng bây giờ không chỉ ít mà còn rất nhỏ

Thả con cá vào chiếc xô nhựa, anh Tiến lại quấn mồi, quăng câu, và tiếp tục chờ. Một đêm dài rồi cũng qua, chúng tôi thấm mệt. Có lẽ, không phải mệt vì thức đêm mà vì cả đêm chỉ câu được 2 con cá lăng, tổng trọng lượng 1,1 kg!


Dù là sát thủ câu cá lăng, nhưng cả đêm anh Tiến cũng chỉ câu được 2 con nhỏ

SĂN CÁ BẰNG ĐIỆN

Nghe tôi than đi cả đêm mà câu được có hơn 1 ký cá, anh Hiếu, người được nhắc đến trong bài trước, nói: “Ngày xưa cá lăng nhiều, chỉ cần buông lưới 1 buổi là có vài con cá lăng cỡ 4 - 5 ký trở lên ngay. Cá lăng ở hồ Dầu Tiếng là loại cá lăng nha, ít xương, thịt trắng, dai và rất ngọt. Có giá vậy nên người ta đổ xô đi săn bằng mọi giá, đến lúc hết rồi lại ngồi than với nhau”.

Theo anh Hiếu, từ khi hồ Dầu Tiếng ra đời, chỉ riêng nghề câu, đánh bắt cá lăng thôi đã tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục hộ ngư dân sống quanh hồ. Nhưng, săn bắt quá mức nên chúng đang dần trở thành hàng hiếm. “Đã lâu lắm rồi tôi không thấy ai câu hay đánh bắt được con lăng nào hơn 1 ký chứ đừng nói 4 - 5 ký như xưa”, anh Hiếu trầm ngâm.


Đồ nghề “săn” cá lăng bằng điện của một ngư dân ở hồ Dầu Tiếng

Ngoài anh Ba Tiến sống trên đảo Nhím, quanh bờ hồ Dầu Tiếng còn rất nhiều tay “sát thủ” cá lăng khác. Qua giới thiệu, tôi tìm đến căn chòi di động nằm sát bờ hồ của gia đình anh Trần Văn Điền, một tay câu cá lăng chuyên nghiệp, năm nay mới 35 tuổi nhưng đã có một nửa số thời gian gắn bó với chiếc cần câu cá lăng. Chính con cá lăng đã giúp anh lập nghiệp, lập gia đình, có 3 đứa con nhỏ, tất cả vẫn đang sống nhờ vào chiếc cần câu lăng của anh Điền. “Hồi trước ảnh đi một đêm về ít nhất cũng được 3 - 4 con, mỗi con từ ký rưỡi trở lên. Lái đến tận nơi mua giá 140 ngàn/ký. Khỏe lắm. Bây giờ đi câu về không là chuyện thường”, chị Hằng, vợ anh Điền than.

“Năm nào cũng thấy tỉnh tổ chức thả hàng triệu con cá giống các loại xuống hồ Dầu Tiếng để cân bằng môi trường sinh thái và duy trì, phát triển nguồn thủy sản trong hồ. Nhưng thả xuống mà không ngăn chặn triệt để tình trạng đánh bắt kiểu hủy diệt như thế này thì thả bao nhiêu cho đủ?”, ông Nguyễn Văn Hồng, cư dân trên đảo Nhím.

Trước tình trạng kiếm cơm dựa vào con cá lăng ngày càng khó khăn, anh Điền bảo: “Tôi đi câu gần 2 chục năm nay rồi, lòng hồ này chỗ nào có cá gì tôi nắm rõ như lòng bàn tay. Chỉ vài năm trước thôi, tôi đã xách cần câu leo lên xuồng đi là có cá mang về. Hồi đó cá nhiều nên tôi chỉ lấy con cỡ 1 ký trở lên, con nhỏ hơn tôi thả ra. Vì cá nhỏ bán không được giá, với lại, mình thả ra cho nó lớn thêm rồi trước sau mình cũng bắt lại, vội gì. Nhưng bây giờ, câu được con vài lạng cũng phải lấy. Vậy mà nhiều lúc còn về tay trắng. Ở đây có người chế ra một loại máy rà điện chỉ dùng riêng để bắt cá lăng. Thấy bắt dễ nên nhiều người bắt chước làm theo. Anh muốn tôi sẽ dẫn anh đến tận nơi cho anh thấy”.

Nghe anh kể, tôi mới giật mình cho cái sự “thông minh” của một số ngư dân, khi họ có thể chế ra thiết bị rà cá lăng chuyên nghiệp như vậy.

“Cái đó tôi có thấy họ dùng rồi, nhìn hơi giống cái xiệc điện người ta vẫn dùng để chích các loại cá thông thường, nhưng 2 cần dài hơn và nhiều chi tiết hơn. Đồng thời có sợi dây như dây câu, gắn mồi để dụ cá lăng đến và dính điện. Dùng cái này, cá lăng to nhỏ gì cũng tiêu hết”, anh Điền kể.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất