| Hotline: 0983.970.780

Đêm thượng nguồn thỏa mộng đế vương

Thứ Sáu 22/04/2011 , 11:18 (GMT+7)

Dù đã cạn kiệt những loài cá quý nhưng sông Gâm không phải đã hết cơ hội cho những thực khách muốn…“làm vua”.

Dù đã cạn kiệt những loài cá quý nhưng sông Gâm không phải đã hết cơ hội cho những thực khách muốn…“làm vua”. 

>> Qua miền gái đẹp
>> Lời nguyền dòng sông và chuyện sinh nghề tử nghiệp
>> Xuyên vòng cung sông Gâm

Cứ địa cuối cùng của “ngũ quý hà thủy” 

Sông Gâm từ Bắc Mê (Hà Giang) đến ngã ba nơi gặp phụ lưu của mình là sông Nho Quế ở xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) như một dải lụa màu lục diệp nằm lọt thỏm giữa hai bờ vách đá sâu hun hút. Ngay cả những tay săn cá quý lão luyện nhất cũng khó lòng đếm được bao nhiêu ghềnh thác và cũng chẳng ai dám vỗ ngực nói rằng mình đã đi thuyền trọn khúc sông này. Nhưng hóa ra sự hiểm trở ấy lại là điều may mắn. Khúc sông Gâm ở thượng nguồn là nơi duy nhất còn giữ được trọn bộ “ngũ quý hà thủy”, tên gọi dùng để chỉ 5 loài cá quý nhất: anh vũ, dầm xanh, chiên, lăng và cá bỗng.

Các hang đá hun hút nằm hai bờ sông Gâm chạy dọc qua thị trấn Pác Miều (huyện Bảo Lâm) nhìn rợn người nhưng lâu nay trở thành nhà của phường săn tứ chiếng. Dù chưa đến mùa cá vật đẻ nhưng “xóm hang đá” này vẫn khá đông đúc. “Có hề gì bởi bây giờ người ta đã săn cá bằng xung điện rồi. Cá gì cũng đánh cả. Miễn là có tiền”. Hoàng Văn Đoàn (38 tuổi), một sát cá lão luyện người Tày quê ở xã Lý Bôn giải thích.

Sinh ra ở cái nơi đắc địa còn giữ được “ngũ quý hà thủy” này, chính sông Gâm đã dạy cho Đoàn cách chiến thắng những loài cá tinh ranh nhất. Hắn từng quần thảo với cá chiên nặng hàng trăm kg, từng lặn hang sâu vào lòng núi cả chục mét để truy sát loài anh vũ. Khúc sông Gâm chứa nhiều chuyện lạ kỳ. Ngay cả “rái cá” như Đoàn có sống cả đời cũng chẳng mường tượng nổi hai bên bờ sông ấy sâu đến tận đâu. Nó có thể xuyên qua thị trấn Pác Miều đang bê tông hóa từng ngày hay xuyên qua vách núi trên cổng trời Hà Giang, chảy miên man trong lòng núi cũng chẳng biết chừng.  

Nói thế không quá bởi đôi lúc phường săn cá ở đây vẫn nhìn thấy những loài cá vừa quen vừa lạ. Quen là vì ngày ngày họ vẫn đánh được những loài cá có hình dạng ấy, kích thước ấy… Lạ lại vì toàn thân chúng chỉ có một màu trắng toát như là cá ma vậy. Mãi rồi cũng có cách lý giải, hóa ra những loài cá ấy cũng là anh vũ, dầm xanh, cá chiên, cá lăng… nhưng quanh năm chúng ẩn mình trong những hang đá sâu vô tận. Thiếu ánh nắng mặt trời cộng thêm cái lạnh của nước khiến da của chúng cứ như cục bột vậy. Với loại cá này, chúng có thể hiên ngang bơi dọc sông Gâm, thậm chí có nhảy phốc lên bờ lúc cao hứng thì dân bản địa hay phường săn cá cũng chẳng đủ gan sờ đến. Chúng làm cho khúc sông thêm huyền bí, cũng là sự “bảo kê” rằng loài cá quý ở đây không hề đơn giản.

Đoàn nói rằng chỉ có vào mùa đẻ họ nhà cá mới không giữ được cái đầu tỉnh táo. Đến mức tinh ranh như dầm xanh cũng trở nên đần độn. Hắn lắc đầu cười khi kể về cách “đẻ ngu” của loài cá quý này. Chúng tụ tập thành từng đàn đông hàng trăm con, chồng đống lên nhau. Còn người Tày bản địa gọi hiện tượng ấy là khỉn coong với nghĩa là lên đống. Gặp của trời ban, dân bản chỉ việc dùng chài, dùng lưới, thậm chí đến cả màn tuyn trong nhà lôi ra cũng có thể thành dụng cụ bắt cá. Phường săn lão luyện chỉ cần phóng tùm xuống sông dùng tay không ném cá lên bờ. Chuyện quăng một phát chài được 60 - 70 kg cá trở thành cơm bữa. 

Chỉ mới đầu năm bạn của Đoàn, một tay sát cá có hạng ở thị trấn Pác Miều còn săn được cá chiên nặng hơn 30 kg. Hắn lên truyền hình tỉnh “nổ” vang trời. Nhưng hết mùa vật đẻ, loài cá lại kéo sự khôn ngoan trở về. Thành thử khúc sông Gâm dù cánh săn cá đông nghìn nghịt nhưng bộ “ngũ quý hà thủy” không bao giờ mất hút. Dân bản địa đinh ninh rằng đây là nơi sinh ra những loài cá quý cho cả dòng sông và cũng là cứ địa cuối cùng của “ngũ quý hà thủy” trước những cơn cuồng phong từ phường săn cá. 

Thỏa mộng “làm vua” 

Trời chập choạng, tôi leo lên chiếc mảng của nhóm Đoàn mang theo hi vọng khấp khởi. Hai bờ sông Gâm chảy qua khúc sông này vách đá cao đến nỗi dù trời chưa tối hẳn nhưng phải nằm ngửa ra giữa mảng mới thấy ánh sáng lọt vào. Mỗi người một tâm trạng. Tôi khao khát được mục sở thị cá quý sông Gâm, còn phường săn như Đoàn nghĩ đến nồi cơm của vợ con đang chờ đợi. Không phải là mùa vật đẻ nên cá sông Gâm rõ là đỏng đảnh. Chúng trốn biệt vào hang những núi đá cao hàng nghìn mét. Muốn bắt chỉ có cách là lặn vào hang mà tìm.  

Đố ai biết được bên trong những cửa hang ấy là gì. Cái chết của một phường săn mấy năm trước vẫn còn ám ảnh cánh săn cá sông Gâm. Những thùng gạo trơ đáy ở nhà không cho phép họ sợ hãi. Nhưng mỗi lần lặn vào hang tôi đều thấy Đoàn chắp tay khấn. Hóa ra tay săn cá xấu số chết mấy năm trước là do lặn vào hang bắt cá nhưng không tìm được lối ra. Phải mấy ngày sau người ta mới tìm thấy xác cứng đơ vì ngâm trong nước lạnh. Đám như Đoàn chẳng phải gan dạ gì hơn người nhưng có một nỗi sợ còn hơn cả cái chết: Vợ con đang đói.

Ngược sông Gâm đến Pác Ròm xã Nam Quang (huyện Bảo Lâm) thì bè mảng dừng lại. Một hang đá sâu hoăm hoắm nhưng ánh đèn pin chiếu vào có thể thấy lổm ngổm đá nhờ dòng nước trong vắt. “Mỏ cá này trước giờ nhiều lắm, nhưng mùa này chúng trốn vào sâu, phải chịu khó tí”. Sau hớp rượu trắng cho ấm bụng và củng cố tinh thần Đoàn xách theo lưới lặn một hơi. Chỉ nửa phút sau đã thấy ngoi lên thở phì phì: Sâu quá. Đặt lưới đấy tí về nhấc xem sao. Giờ đi tiếp đã.  

Hành trình lại tiếp tục. Vì cá anh vũ, dầm xanh rất nhát nên phải đến nửa đêm cơn khát của tôi và nhóm săn cá của Đoàn mới được giải tỏa. Một chú dầm xanh mắc lưới. Lại thêm một con anh vũ mà dân địa phương vẫn gọi bằng cái tên dân dã là cá mõm lợn xui xẻo. Hai con cá nếu cân lên chỉ hơn kg là cùng nhưng như thế cũng là quá đủ để có thể gọi chuyến đi thành công. “Dầm xanh bây giờ tầm 350-400 ngàn một kg. Còn anh vũ, nếu trả dưới 1 triệu đồng cho một kg thì đừng hi vọng sờ tới mà… gãy tay”. Đoàn giải thích trong sự hồ hởi.

Sông Gâm đang bị bức tử 

Có một nguyên nhân khiến dòng sông Gâm ngày càng cạn kệt cá quý là bởi vì nó đang bị con người bức tử. Đi xuyên vòng cung sông Gâm chúng tôi chứng kiến hàng trăm bãi vàng đang khai thác ngay giữa lòng sông. Ở nhiều khúc sông như đoạn chảy qua huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), một tay săn cá nói với tôi rằng có thời điểm cá chết trắng bờ vì nuốt phải thủy ngân từ chất tẩy rửa ở các bãi vàng đang mọc lên như nấm.

Quả thật nếu làm một phép tính đơn giản, đặt một kg anh vũ bên cạnh nương ngô mà cả gia đình chàng trai người Tày vẫn trông vào thì khập khiễng quá. Chưa có một vụ ngô nào mà nhà Đoàn có thể gọi là lãi bởi đơn giản làm ra bao nhiêu ăn tuột bấy nhiêu thì lấy gì mà tính toán. Trong khi một đêm săn cá chỉ một con như thế này cũng đủ gạo ăn cho gia đình hắn gần cả tháng trời chứ chả chơi. Chẳng thế mà đời cha ông Đoàn lớn lên nhờ ăn cá, đời Đoàn lớn lên cũng nhờ ăn cá nhưng đến đời con hắn thì liệu có được may mắn ấy.  

“Dòng sông này còn nhiều cá quý, nhưng thử hỏi dân hai bên bờ giờ còn ai dám ăn. Không ai cả. Xưa làm cá tiến vua, còn nay phải tiến quan thôi. Phải. Chỉ có quan chức, cán bộ mới “đủ tư cách” vứt tiền triệu vào đĩa cá bé tí ti thế này. Không tin cứ vào những nhà hàng với biển hiệu cá quý mà xem. Bao nhiêu cá quý cũng hết nhưng có ông nông dân nào dám bén mảng đến đấy không”. Hắn nói.  Thời đại cái gì cũng phải đặc sản, thương hiệu tiến vua ngày xưa càng đẩy những anh vũ, dầm xanh lên vị thế cá chỉ dành cho kẻ có tiền.  

Tôi cùng ông bạn đồng nghiệp quyết định móc ví thử một lần “làm vua” bằng việc nhờ Đoàn chế biến con anh vũ cho bữa nhậu gọi là cảm ơn phường săn cho đi theo. Nhưng khi tỉnh rượu bước lên thuyền chợt giật mình vì tính toán lại đêm qua mình đã ăn vài tạ thóc. Vậy mà ở nhà hàng mấy bờ sông bao nhiêu cá phường săn nhập về cũng hết. Ông đồng nghiệp của tôi nói rằng, có lẽ nên liệt thêm những quán cá thế này vào danh sách đốt tiền chùa.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất