| Hotline: 0983.970.780

Đến lượt Thái Lan hợp pháp hóa cần sa

Thứ Năm 15/11/2018 , 10:30 (GMT+7)

Chính phủ Thái Lan hôm qua đã thông qua dự luật cho phép sử dụng cần sa trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên nhà chức trách cũng ra điều kiện cho các tổ chức, đơn vị liên quan phải có đánh giá thận trọng, cụ thể và báo cáo sau 5 năm thực hiện.

Ông Buntoon Niyamapha, một cựu cảnh sát Thái Lan tự chiết tách chui cây cần sa làm thuốc điều trị ung thư cho người thân từ nhiều năm trước đây

Theo báo The Nation, trước đó bản dự luật này đã được trình Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) và sau đó cơ quan này đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điểm để tiếp tục xin ý kiến ​​của Hội đồng Nhà nước, Bộ Y tế và Ủy ban Kiểm soát ma túy (ONCB). Theo đó, dự luật không phân loại lại cần sa như một chất ma tuý ít kiểm soát. Tuy nhiên, đối tượng này đã được chuyển sang diện là loại thuốc ít được kiểm soát hơn hoặc có cùng thứ hạng như là morphine.

“Tóm lại, dự luật này chỉ cho phép cần sa dùng vào việc điều trị bệnh nhân và nghiên cứu trong ngành y tế”,  người phát ngôn Chính phủ Puttipong Punnakanta nói.  Theo ông Puttipong, nội các đã quyết định bổ sung một chương tạm thời để đảm bảo rằng Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt việc sử dụng cần sa trong ít nhất 5 năm sau khi được hợp pháp hóa và luật này sẽ được xem xét sau 5 năm để kiểm tra tính hiệu quả.

"Sau khi đã được đánh giá, việc sử dụng cần sa như thế nào có thể được chính phủ nới lỏng kiểm soát hơn nữa hoặc là cấm tiệt…",  ông Pittipong cho hay.

Ở thời điểm này, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cần sa là loại dược liệu rất có lợi trong ngành y tế.  Theo một số bác sĩ, cần sa có thể được sử dụng để làm thuốc giảm các cơn đau do tổn thương thần kinh, ung thư và giảm chứng buồn nôn do hóa trị, xạ trị và chán ăn ở những bệnh nhân HIV. Nó được cho là hữu ích cho các bệnh nhân động kinh và viêm thần kinh mạn tính. Tuy nhiên, cũng có những quan ngại hiện vẫn còn đang tranh cãi về khả năng liệu các cơ quan chức năng có thể kiểm soát cần sa một cách hiệu quả khi nó được phép cho bệnh nhân sử dụng ở nhà hay không. Điều này đã khiến chính phủ từng nhiều lần cân nhắc về các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với loại biệt dược này.

Chủ tịch Hội đồng Nông dân Quốc gia Prapat Panyachartrak cũng bày tỏ hoài nghi về việc, liệu các biện pháp này có nhằm vào các công ty dược đa quốc gia hay không.  "Do một số điều kiện phức tạp nên các ban ngành liên quan sẽ được hướng dẫn cụ thể. Riêng nông dân có thể sẽ không tận hưởng những lợi ích từ cần sa, cho dù họ gặp vấn đề về sức khỏe và có bằng chứng rõ ràng cho thấy, cần sa có thể tốt cho sức khỏe", ông Prapat nói.

Theo ông Prapat, Hội Nông dân cũng rất mong muốn để người dân bị ốm bệnh được thụ hưởng những lợi ích và quyền lợi từ việc điều trị bằng cần sa bởi loại cây này có thể trồng được với chi phí thấp. “Khi nông dân trồng được cần sa, trước tiên là họ sẽ có thu nhập tốt. Bởi hiện nay cần sa nhập từ Lào về đang được bán với giá không dưới 5.000 bạt/kg”, ông Prapat khẳng định.  

Trong diễn biến khác, trước đó, Quỹ Đa dạng sinh học và Hành động vì Nông nghiệp bền vững Thái Lan (BIOTHAI) đã cam kết sẽ đưa ra ánh sáng việc Cục Sở hữu trí tuệ đã quảng cáo về ít nhất tám ứng dụng sáng chế liên quan đến cần sa. Theo đó, tổ chức này đã lên tiếng phản đối sau khi viện dẫn điều luật rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm đăng ký bằng sáng chế cho chiết xuất cần sa sẽ không được giới chức xem xét. Theo luật pháp nước này, các chiết xuất từ thảo dược không được coi là sở hữu trí tuệ.  Chính vì vậy, theo BIOTHAI, việc quyết định tổ chức quảng cáo những đơn xin cấp bằng sáng chế trước đó có thể cấu thành hành vi phạm pháp luật.

Theo BBC, đến nay đã có hàng chục quốc gia trên thế giới gồm Hà Lan, Colombia, Uruguay, Ecuadore, Canada, Australia, Croatia, Israel, Romania, Đức, CH Séc, Ấn Độ…đã hợp pháp hóa cây cần sa để sử dụng cho mục đích y tế và tiêu khiển. Tại Mỹ, đến nay, California là tiểu bang thứ sáu đã thừa nhận việc sử dụng cần sa để tiêu khiển, sau hơn 20 năm khi đã hợp pháp hóa cần sa dùng cho y tế.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.