| Hotline: 0983.970.780

Đến Sóc Trăng nhớ điệu Rô Băm

Thứ Tư 27/03/2013 , 12:21 (GMT+7)

Ra đời từ cách đây hơn 200 năm, Rô Băm (kịch múa) là một loại hình sân khấu cung đình cổ điển của người Khmer, với ngôn ngữ biểu hiện chính là múa.

Ra đời từ cách đây hơn 200 năm, Rô Băm (kịch múa) là một loại hình sân khấu cung đình cổ điển của người Khmer, với ngôn ngữ biểu hiện chính là múa.


Múa Rô Băm đòi hỏi kết hợp động tác nhuần nhuyễn của toàn thân (trong ảnh: chị Lâm Thị Hương và những nghệ sĩ múa Rô Băm đang biểu diễn một trích đoạn trong vở “Riêm kê”, Ấn Độ).

MỘT THỜI VÀNG SON

Cách TPHCM gần 300 cây số, huyện ven biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng nằm ở cuối dòng sông Hậu, trên QL Nam sông Hậu mới mở nối liền TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, với tỉnh Bạc Liêu. Về đến đây, chúng tôi chẳng khó khăn gì khi hỏi thăm đường đến đoàn Rô Băm Bưng Chông. Bởi hiện nay, Sóc Trăng chỉ còn duy nhất đoàn nghệ thuật này, ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn.

Nắng lên, trải dài bên những cánh đồng lúa đang dập dờn uốn lượn trong gió, xen lẫn những mái chùa Khmer cong cong, lấp lánh đủ sắc màu. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình bà Trần Thị Yên, một trong những gia đình “tổ nghiệp” của đoàn Rô Băm Bưng Chông. Năm nay đã 79 tuổi, với “thâm niên” gần 70 năm trong nghề, bà Yên và con cháu vẫn đang tá túc trong ngôi nhà khá đơn sơ.

“Giờ tôi già rồi, không biểu diễn được nữa, chỉ phụ con gái làm hậu trường thôi. Nếu chỉ tính từ thời ông ngoại tôi đến giờ thì đoàn Rô Băm Bưng Chông cũng có ít nhất 150 tuổi rồi. Theo tôi thì có lẽ Rô Băm thịnh nhất trong khoảng thời gian thập niên 60-70 (thế kỷ XX). Khi đó, chúng tôi đi đến đâu cũng được bà con tiếp đón như lễ hội. Các diễn viên hết lòng đem tài năng nghệ thuật ra phục vụ công chúng.

Nhiều đêm, đang diễn thì trời mưa, nhưng nghệ sĩ vẫn say mê diễn, còn bà con cũng đội mưa xem cho đến hết vở mới chịu ra về. Không chỉ diễn ở quê và các tỉnh, chúng tôi còn sang đến Campuchia diễn nữa”, bà Yên nhớ lại.

Trong nhà bà Yên, tài sản đáng giá nhất có lẽ là bộ đồ nghề biểu diễn Rô Băm gồm trang phục sân khấu với các vai vua, hoàng hậu, hề, chằn (vai ác) cùng những chiếc mặt nạ được xếp ngay ngắn trong thùng gỗ.

 "Ðể làm được những bộ quần áo, những chiếc mặt nạ này, phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Mặt nạ được làm bằng đất, hoặc thiếc nhưng phải là người có kinh nghiệm, khéo tay, tỷ mỉ mới làm được", bà Yên nói.

Cầm một chiếc mặt nạ lên ngắm nghía, tôi không thể tin nó được làm từ đất sét, bởi nó rất nhẹ và mỏng, nhưng chắc chắn. Không chỉ có khiếu thẩm mỹ, mà còn phải là người có tay nghề cao mới có thể làm được những cái mặt nạ đẹp đến như vậy. “Có lẽ, phải dành thời gian riêng để tìm hiểu về kỹ thuật làm mặt nạ độc đáo này”, tôi thầm nhủ như thế.


Những mặt nạ, mũ của diễn viên Rô Băm làm bằng chất liệu đất sét và thiếc

Quá trưa, chị Lâm Thị Hương, con gái bà Yên, chủ đoàn Rô Băm Bưng Chông mới về. Người phụ nữ Khmer đã ngoại tứ tuần nhưng nét xuân vẫn còn vương trên gương mặt, thân hình. Nghe tôi giới thiệu, chị Hương nói, giọng buồn nhưng cương quyết: “Rô Băm không chỉ là di sản văn hóa của đồng bào Khmer, mà còn là món ăn tinh thần đã gắn bó với gia đình tôi mấy đời nay, bằng mọi giá tôi phải giữ”.

Tôi ngỏ ý muốn được xem chị biểu diễn, chị suy nghĩ một hồi rồi nói: “Đây là môn nghệ thuật mà không phải ai xem cũng có thể hiểu. Nhưng tôi cũng muốn cho anh biết một chút về môn nghệ thuật đỉnh cao của người Khmer. Để tôi kêu mấy đứa em xem tụi nó có nhà không. Một mình tôi không thể diễn được”.

Quả thật, tôi không đủ kiến thức để hiểu hết “lời” của trích đoạn 10 phút vở kịch múa “Riêm kê” nổi tiếng. Và, dù không có dàn nhạc ngũ âm phụ họa, nhưng tôi cũng không thể rời mắt khỏi những ngón tay cong vút, những bàn tay, cánh tay và toàn thân rất mềm rất dẻo của những cô gái đang biểu diễn. Sự uyển chuyển của cơ thể, sự phối hợp nhịp nhàng của cổ, vai, tay, chân… cho thấy họ phải dày công tập luyện như thế nào.

RÔ BĂM MAI NÀY...

Mặc dù Rô Băm là loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời, không chỉ được người Khmer say mê mà người Kinh, Hoa cũng không thể làm ngơ. Vậy nhưng, loại hình nghệ thuật, di sản văn hóa này đang có nguy cơ lụi tàn. Những đêm diễn Rô Băm trong các lễ hội truyền thống, trong sân chùa, trên những cánh đồng sau vụ mùa đang ngày càng thưa vắng.


 Lâu nay, đồ nghề biểu diễn của chị Hương thường xuyên nằm trong thùng.

“Để diễn được Rô Băm, phải khổ luyện từ nhỏ, nhiều năm sau đó mới thuần thục được chứ đâu phải dễ. Bản thân tôi cũng tập từ năm 7 - 8 tuổi và theo đến giờ, cũng hơn 70 năm rồi chứ. Vậy mà bây giờ thấy Rô Băm đang thất truyền dần, tôi đau lòng lắm.

Những năm gần đây, đoàn chỉ hoạt động cầm chừng. Mỗi năm có vài tuần đi diễn vào các dịp lễ như dâng bông, lễ cầu an... là may lắm. Thời gian còn lại, các diễn viên ở nhà làm ruộng, lo chạy ăn cho gia đình. Mỗi khi vào dịp lễ, anh em nhắn cho nhau tụ họp, luyện tập rồi kéo nhau đi biểu diễn. Nhiều lúc, chỉ đủ tiền lo bữa ăn cho thành viên đoàn chứ không có lương”, nghệ nhân Trần Thị Yên nói trong xót xa.

Chị Hương nói thêm: Trước lúc đi diễn, chủ đoàn phải tổ chức tập luyện hơn 10 ngày, việc ăn uống chủ đoàn phải lo cho diễn viên. Diễn xong, trừ chi phí, đôi khi số tiền còn lại không đủ làm lộ phí! Nhưng vì cái “nghiệp” đã thấm vào máu của mỗi diễn viên, dù có khổ cực, xa xôi đến đâu, họ vẫn đem hết khả năng diễn xuất để phục vụ.

Ngày trước, vùng Sóc Trăng có 6 - 7 đoàn Rô Băm thì Bưng Chông đã có đến 2 đoàn. Theo thời gian, các đoàn tan rã dần, phần vì thiếu kinh phí, phần vì sức hấp dẫn từ diễn xuất của diễn viên không cao. Nhưng cái cốt lõi nhất vẫn là thiếu kinh phí hoạt động và nuôi diễn viên nên đến nay chỉ còn đoàn Rô Băm Bưng Chông trụ được trong tình trạng “thoi thóp”.


Một bộ đồ biểu diễn thế này phải làm nhiều tháng mới xong.

Mang trăn trở của những nghệ nhân Rô Băm Bưng Chông đến gặp ông Lâm Vĩnh Phương, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi được biết, chính vì những giá trị mang tính đặc thù của Rô Băm nên thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư gần 3 tỉ đồng để sưu tầm, nghiên cứu, soạn thảo, đào tạo diễn viên nhằm duy trì và phát huy loại hình nghệ thuật này. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho con em, bà con thân tộc của các nghệ nhân, nghệ sĩ trong đoàn Rô Băm Bưng Chông.

Tuy nhiên, “do loại hình nghệ thuật này quá khó, đào tạo công phu nên muốn đưa Rô Băm trở lại thời hoàng kim, được công chúng đón nhận nhiều là điều không dễ. Nhưng, nếu có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, chúng tôi sẽ quyết tâm”, ông Lâm Huynh, một trong những nghệ nhân Rô Băm Bưng Chông kỳ cựu, cho biết. 

 (còn nữa)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất