| Hotline: 0983.970.780

Đến thời nông nghiệp Nga?

Thứ Hai 13/10/2014 , 09:57 (GMT+7)

Mặc dù liên bang Nga có diện tích đất trồng thuộc hàng lớn nhất thế giới tính trên đầu người, nước này vẫn dựa vào nhập khẩu.

Kể từ khi Nga áp đặt lệnh cấm nhập nông sản từ các nước phương Tây hồi đầu tháng 8 để trả đũa các lệnh cấm vận đối với Nga do sự can dự vào Ukraine, Matxcơva đã cố gắng thuyết phục người dân rằng sản phẩm trong nước tốt hơn. Chính quyền Nga cũng tuyên bố với nông dân: “Thời cơ đã đến!”.

“Chúng tôi là một đất nước có thể và bắt buộc phải tự lo đủ cái ăn cho mình, thậm chí không chỉ đủ ăn mà còn bán lương thực cho nước khác”, Thủ tướng Dmitry Medvedev, được báo Financial Times trích lời, nói.

Nhưng mục tiêu này xem ra khó đạt. Mặc dù liên bang Nga có diện tích đất trồng thuộc hàng lớn nhất thế giới tính trên đầu người, nước này vẫn dựa vào nhập khẩu: 40% lương thực, thực phẩm đến từ nước ngoài.

Nông dân Nga nói sẽ mất nhiều năm lao động cực nhọc, kèm theo là những khoản đầu tư lớn, rộng khắp để thay đổi thực tại và tự chủ lương thực, thực phẩm là một cái đích mà ít người nghĩ sẽ đạt được.

“Cho dù người trồng táo Ba Lan đã rút lui thì việc đó cũng không giúp được chúng tôi - lệnh cấm vận sẽ không diễn ra lâu đến mức đủ thời gian để chúng tôi thu lợi”, Pavel Grudinin, Giám đốc của Sovkhoz Lenina, một cơ sở từng là nông trang thuộc sở hữu nhà nước trong thời Xô-viết nói.

“Thay vì nông dân Ba Lan, nay chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với nông dân Chile. Và không thể thắng”, ông này nói thêm.

Mặc dù có những lời hô hào từ truyền thông nhà nước rằng thời mà nông nghiệp Nga đủ khả năng tự lo cho cái bao tử của đất nước đã tới, các chuyên gia nông nghiệp có cùng tâm trạng với nông dân.

“Ở Nga hiện nay, chúng tôi đang đối mặt với một tình huống không giống ai: táo ngon, trồng theo phương pháp hữu cơ nhưng không thể đạt gần mức giá táo nhập khẩu”, Dmitry Yuriev, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, nói. “Tới một nửa sản lượng táo từ các trang trại nhỏ và 20% sản lượng của các trang trại quy mô công nghiệp bị bỏ ruỗng vì không tiêu thụ được”.

Gốc rễ của vấn đề bắt nguồn từ giai đoạn chuyển đổi rất dai dẳng, từ cơ chế bao cấp thời Xô-viết qua giai đoạn làm ăn theo kinh tế thị trường. Mặc dù trong thời Xô-viết, Liên Xô đủ khả năng tự cung cấp lương thực, thực phẩm, tuy nhiên năng suất thấp và không có nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, số diện tích được gieo trồng đã giảm từ hơn 90 triệu ha còn 73 triệu ha.

Khi Nga bắt đầu thực thi nền kinh tế thị trường từ đầu những năm 1990, các cơ sở kinh doanh đa số tập trung vào những lĩnh vực mang lại lợi nhuận nhanh chóng như thương mại, khai thác mỏ và dịch vụ tài chính.

Các nông trang giải thể và chỉ một số ít trụ lại được, hiện đại hóa SX. Nhiều nông dân bỏ ruộng đổ về các thành phố lớn tìm việc làm.

Chính phủ Nga cũng có một số thành công trong việc giải quyết các vấn đề nông nghiệp. Với nguồn vốn trợ cấp thông qua các ngân hàng nhà nước và Cty tài chính, nhiều cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phục hồi. Từ năm 2008-2012, sản lượng gia cầm tăng 60% và lợn tăng 36%.

Nhưng Chính phủ Nga cũng lo ngại tốc độ tăng trưởng quá nhanh. Ông Yuriev nói đẩy mạnh sản lượng ngũ cốc hay thịt lợn quá nhanh có thể dẫn đến giá giảm, tạo ra khó khăn tài chính đối với các nhà đầu tư, đối tượng chính phủ đang muốn khuyến khích.

Thay vào đó, chính phủ muốn hiện đại hóa ngành SX trái cây, rau và sữa. Tỷ lệ thất thoát lớn, năng suất thấp trong lĩnh vực SX rau quả là sự yếu kém của hệ thống kho vận cũng như bảo quản.

Thứ trưởng Yuriev nói vùng Bắc Caucasus bất ổn thuộc cộng hòa Dagestan có thể cung cấp một loạt các loại trái cây chất lượng cao hiện đang phải nhập khẩu.

Theo tờ "Thời báo Moscow", trước tiên, việc hủy các lệnh nhập khẩu nông sản trị giá 9 tỷ USD là “cơn mưa vàng” cho ngành nông nghiệp Nga đang yếu sức cạnh tranh và vật lộn trong hai thập kỷ chẳng mấy ai ngó ngàng, đầu tư.
Nhưng muốn sản lượng nông nghiệp Nga gia tăng, cần ít nhất 5 năm, với điều kiện có đầu tư đầy đủ, chính sách tốt, theo phân tích của Natalya Shagayda, Giám đốc Trung tâm Chính sách nông nghiệp tại Đại học Kinh tế RANEPA. Trong khi đó, lệnh cấm nhập nông sản chỉ có hiệu lực trong một năm và có thể bị dỡ bỏ bất cứ lúc nào, khi quan hệ Nga - phương Tây ấm lại.

Nhưng hầu hết sản phẩm của vùng Dagestan lại là thực phẩm chế biến, cụ thể ở đây là nước cốt trái cây bởi không có điều kiện bảo quản và xuất khẩu sản phẩm tươi.

Trợ giá thấp

Bộ Nông nghiệp LB Nga đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống kho vận bán sỉ quy mô toàn quốc, có thể bao gồm 15 trung tâm, hoạt động với sự tham dự của nhà nước. Nhưng hệ thống này khó có thể hình thành sớm.

Một chương trình mới khác tập trung vào việc kết nối các trang trại SX sữa thành những hợp tác xã, giúp kiểm soát chất lượng, kho vận và tiếp thị. Nhưng cũng không thể làm nhanh được. Ông Yuriev nói công tác chuyển đổi phải mất ít nhất 8 năm.

“Chúng tôi rất vui vì nhà nước cuối cùng đã chú ý đến chúng tôi”, Andrei Danilenko, Chủ tịch Hiệp hội quốc gia của các nhà SX sữa, nói. “Vấn đề không phải là có đáp ứng được nhu cầu sữa hay không mà là chúng ta có thể xây dựng được một ngành công nghiệp phát triển bền vững không. Đây không phải là chuyện tự hào dân tộc mà là vấn đề kinh tế”.

Nông dân Nga phàn nàn rằng mức trợ giá nông nghiệp của Nga trên một hecta chỉ bằng một phần của Liên minh châu Âu (EU) và Matxcơva phải tăng gấp đôi mức trợ giá.

Mặc dù ngay cả các quan chức chính phủ cũng nghĩ rằng nông nghiệp đang được trợ giá ở mức thấp, nông dân ở nhiều nông trại nhỏ cho rằng dù chính phủ có cam kết mạnh mẽ hơn nữa thì cũng vô ích.

“Chính phủ chưa làm gì cho nông nghiệp ngoài việc tạo ra những trở ngại”, Vasily Melnichenko, người có một trang trại nhỏ ở vùng Urals phàn nàn. Từng là giám đốc nông trang, ông Melnichenko chứng kiến nhiều cơ sở nông nghiệp bị làm cho tan nát bằng cách ông gọi là “ăn cướp”.

Trang trại trồng rau và nuôi thỏ ông đang điều hành không thể vay vốn ngân hàng, phải trả tiền điện gấp ba lần mức giá mà một nhà máy nhôm gần đó trả. Nhà máy nhôm thuộc sở hữu của Oleg Deripaska, một trong những nhà tài phiệt giàu có nhất nước Nga. Những vấn đề tương tự là chuyện thường xảy ra với các trang trại nhỏ.

Ông Melnichenko tỏ ra bi quan rằng chẳng có gì thay đổi. “Chính phủ không muốn giúp chúng tôi tồn tại, trong thực tế họ muốn chúng tôi giải phóng đất đai để các đại gia kéo đến, khai thác tài nguyên”, ông nói. “Đó là lý do Nga luôn làm: Xuất khẩu dầu và khí gas”.

(Lược dịch)

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.