| Hotline: 0983.970.780

Đeo đuổi cam Chanh

Thứ Sáu 28/02/2014 , 11:23 (GMT+7)

Sở dĩ những năm gần đây giống cam Chanh dần được thay thế các loại cây trồng khác là vì cam liên tục bị bệnh vàng lá, cứ thế lụi tàn.

Cây cam Chanh được di nhập vào đất Ninh Giang (Hải Dương) từ lâu đời và được nhân dân thuần hoá, lưu giữ thành đặc sản của xứ Đông. Tuy nhiên giống cam quý này đang thoái hóa, diện tích trồng rất hạn chế. Giải pháp phục tráng liệu có bảo tồn, phát triển được vườn cam Chanh?

>> Lụi tàn quýt tiến vua
>> ''Phận bạc'' hồng Nhân Hậu

Khó mở rộng  

Đó là câu trả lời của nhiều người mà chúng tôi ghi lại được ở Ninh Giang. Ông Trần Trọng Bát, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Ninh Giang nói rằng: Với sự phát triển của KHKT như hiện nay thì việc phục tráng để bảo tồn gen cam Chanh là điều không mấy khó khăn. Tôi cho đó là việc nên làm và chắc sẽ thành công. Chỉ có điều trồng nhiều trên diện rộng ở Ninh Giang như ngày trước e rằng rất khó.

"Ai đã từng một lần thưởng thức cam Chanh thì nhớ mãi vị ngọt và hương thơm của nó. Nếu để lẫn với nhiều loại cam khác thì vẫn nhận ra được quả nào là cam Chanh, bởi quả nhỏ, tròn, khi chín có màu vàng rất đẹp", ông Bát chia sẻ.

Còn lý do khó phát triển mạnh được trên địa bàn, theo ông Bát là vì vùng đất này từng bị nhiễm mặn, độ phèn cao và tầng đất mặt mỏng. Sở dĩ những năm gần đây giống cam Chanh dần được thay thế các loại cây trồng khác là vì cam liên tục bị bệnh vàng lá, cứ thế lụi tàn.

Chúng tôi tìm về xã Vĩnh Hòa, nơi được coi là thủ phủ của cam Chanh Ninh Giang ngày trước. Quả đúng như lời ông Bát nói, hầu hết vườn tược của các gia đình giờ đây chủ yếu là nhãn, vải. Đi từ đầu làng đến cuối làng tìm mãi mới thấy một vườn cam Chanh nhưng trông thật thê thảm vì cỏ dại tốt hơn cây cam. Hỏi chủ nhân của vườn cam thì được biết đó là của ông Hà Văn Hoản, Phó Chủ tịch MTTQ xã Vĩnh Hòa.

Ông Hoản cho hay: “Cuối năm 2011, tôi trở lại trồng cam Chanh. Đây là giống cam Chanh mà tôi được tiếp nhận từ việc phục tráng của Nhà nước. Với mong muốn khôi phục lại vườn cam Chanh nên ngay từ đầu tôi đã thuê thêm một người để lo việc bắt sâu, làm cỏ, bỏ phân. Đến năm 2013 thì cây bắt đầu có quả.


Vườn cam Chanh của ông Hà Văn Hoản lụi tàn dần

Cả vườn cam lúc đó chỉ thu được 21 quả. Lúc đầu trồng 200 gốc nhưng hiện còn khoảng 100 cây đang sống. Hiện tại tôi vẫn tiếp tục chăm sóc nhưng thực tình là không kỳ vọng nhiều vì cây cam Chanh không phát triển”.

Cạnh vườn ông Hoản là vườn vải xanh tốt của ông Hà Văn Hạnh. Hơn 70 tuổi rồi nhưng ông Hạnh vẫn miệt mài vun xới cho từng gốc vải. Hỏi chuyện về cam Chanh, ông Hạnh chia sẻ: “Chính tôi cũng từng chặt bỏ 100 gốc để chuyển sang trồng vải. Vì sau một thời gian trồng thì thấy cây không lớn lên được mà cứ thế cằn cỗi”.

Tôi nhờ ông Hạnh giới thiệu cho một địa chỉ trồng nhiều cam Chanh nhất ở xã, ông Hạnh chỉ tôi đến nhà anh Đậu ở khu đê Chanh, thôn Vĩnh Xuyên. Ông Hạnh chưa dứt lời thì ông Hoản cho hay, bác Đậu vừa chặt bỏ cam để đào ao nuôi cá. “Thôi, thế là xong. Có lẽ giống cam Chanh này không còn thích hợp với chất đất, khí hậu ở vùng đất này nữa rồi”, ông Hạnh thở dài.

Quyết giữ vị ngọt quê hương

Từng thất bại trồng cam Chanh vì cây liên tục bị bệnh vàng lá nhưng ông Nguyễn Thế Chức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Hội, huyện Ninh Giang vẫn quyết tâm duy trì trồng. Năm 2005, ông Chức tìm đến một hộ dân ở xã Vĩnh Hòa và được gia đình này cho chiết 50 cây về làm giống. Sang năm 2006 thì ông Chức trồng và đến năm 2009 cây bắt đầu cho quả.

Cũng như nhiều người từng nhận xét, ông Chức cho rằng, đây là giống cam quý, nó có vị ngọt rất đậm và hương vị thơm. Đặc biệt, quả ít hạt và rất nhiều nước. “Có lẽ nhiều nước nên lá và cuống trên quả cam Chanh luôn tươi xanh mặc dù quả được hái xuống khỏi cây đã nhiều ngày”, ông Chức nói.

Theo ông Chức, hai vụ đầu thì cây nào cũng có quả, bình quân 25 - 30 kg quả/cây. Năm 2009 mỗi kg cam Chanh bán được 20.000 đ. Nhìn chung là được cả năng suất và giá, còn chất lượng thì khỏi phải bàn. Tuy nhiên, bước sang vụ thứ 3 cây bắt đầu xuất hiện bệnh vàng lá và nấm rễ. Chính vì thế năng suất cứ tụt dần. Mặc dù vậy, ông Chức vẫn không nản mà quyết tâm tìm hiểu về phòng trừ bệnh vàng lá, kỹ thuật chăm sóc qua nhiều kênh khác nhau để duy trì vườn cam.

Thật may mắn cho ông Chức là đã gặp được TS. Đào Xuân Thảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực - cây thực phẩm. Trong một lần về Ninh Giang công tác, TS. Thảng đã được thưởng thức hương vị cam Chanh.


Giống cam Chanh sau khi được phục tráng đưa về trồng tại Ninh Giang

Nhận thấy đây là giống cam địa phương rất quý cần có hướng phục tráng để bảo tồn và được sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện Ninh Giang, TS. Thảng đã tìm đến ông Chức. Tại vườn cam Chanh của ông Chức, TS. Thảng đã tìm được 2 cây để lựa chọn lấy mắt ghép.

 

Ông Chức chia sẻ: “Ai cũng biết đây là giống cam quý. Nó thực sự ngon, ngọt và thơm. Việc cam bị bệnh, thoái hóa một mặt là do giống cũ và các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lỗi thời. Cho nên khôi phục để bảo tồn và phát triển vốn gen quý này là việc cần phải làm. Riêng tôi thì sẽ quyết tâm đeo đuổi để giữ cho được vị ngọt của quê hương”.

 

Việc làm của TS. Thảng nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người và các cấp lãnh đạo. Trên cơ sở đề nghị của Hội Nông dân và Sở KH-CN, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định cấp kinh phí cho việc nghiên cứu phục tráng giống cam Chanh.

Quy trình phục tráng giống cam Chanh được tiến hành dựa trên 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, Ban chủ nhiệm đề tài đã điều tra cây mẫu trên quy mô ba xã Đồng Tâm, Văn Hội, Vĩnh Hòa với các tiêu chí diện tích, năng suất, chất lượng, sinh trưởng, phát triển, hình thái, tình hình sâu bệnh… qua đó lựa chọn các cây giống để theo dõi và lai tạo.

Các giai đoạn sau đó, sử dụng phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ để nhân cây con từ cây vật liệu khởi đầu, chọn các cây đầu dòng tiếp tục nhân giống các cây ưu tú và cây con giống cấp một phục vụ SX. Kết quả, đề tài đã xuất vườn được trên 1.000 cây giống cam Chanh sạch bệnh từ các cá thể ưu tú với tỷ lệ sống trên 80%. Về chất lượng, các cây tuyển chọn đều cho năng suất liên tục trong 2 năm liên tiếp bình quân 40 kg quả/cây. 

Cuối năm 2011, số cây giống đó được chuyển về trồng ở xã Vĩnh Hòa và Văn Hội. Tại Văn Hội, địa phương giao cho ông Chức và ông Bùi Minh Quyết trồng trên diện tích 7 sào. Qua hơn 2 năm trồng thì vườn của ông Quyết đã có 50 cây chết, còn vườn của ông Chức vẫn đủ 250 cây.

Tại thời điểm này, cây đã có hoa rất nhiều nhưng ông Chức không cho tạo quả, bởi cây còn nhỏ chưa muốn thu hoạch. Ngắt hoa để cây có sức và bộ rễ phát triển mạnh. Bên cạnh đó, ông Chức còn thường xuyên ngâm đỗ tương để lấy nước tưới cho từng gốc. Theo ông, việc chăm sóc cây được tốt sẽ hạn chế các loại sâu bệnh. Nếu trồng không kiên trì, chịu khó là bất thành....

 

Theo TS. Đào Xuân Thảng, cam Chanh Ninh Giang là giống có đặc tính nông học quý như hàm lượng đường tổng số khoảng 9%, hàm lượng đường khử 4,85%, hàm lượng vitamin C 38,13 mg/100 gr, hàm lượng axit tổng số 0,09%, độ Brix đạt 10,3, chất khô đạt 14,8%, ít hạt, ít xơ, mẫu mã đẹp, quả chín thành màu vàng tươi, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt giống cam này thu hoạch quả sớm tầm tháng 8 tháng 9.

 

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất