| Hotline: 0983.970.780

Đi bằng đôi chân mình: Cha con cùng cố gắng

Thứ Ba 20/10/2015 , 06:35 (GMT+7)

“Cha tôi luôn dạy các con phải tự lực. Bố cố gắng. Các con cùng cố gắng. Đó là lời kể của PGS.NGƯT Nghiêm Dục Tú, con đầu của cố Bộ trưởng Bộ Canh nông Nghiêm Xuân Yêm khi nhớ về cha mẹ và nếp nhà./ Phó Thủ tướng mách con đi... bơm xe

14-08-52_nghiem-xun-yem-bt
Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm (1913-2001)

Những chuyến xe từ Hà Nội vào Thanh Hóa để thăm lại di tích lịch sử Lò cao kháng chiến Như Xuân (xã Hải Vân, huyện Như Thanh) quãng đường dường như ngắn lại với tôi hơn bởi cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Nghiêm Dục Tú.

Giáo dục ý thức lao động

Quê gốc ở làng Tây Mỗ, huyện Hoài Đức (nay là quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong dòng họ gia thế, tốt nghiệp Đại học Canh nông, cầm trong tay tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, nhưng Nghiêm Xuân Yêm không ra làm công chức cho chính quyền người Pháp bảo hộ lúc đó.

Từ chối làm công chức ở Nha Tổng thanh tra Nông lâm Đông Dương, ông chọn nghề tự do: Dạy học tư tại trường tư thục Thăng Long và Gia Long (cùng các trí thức lúc đó như Phạm Hữu Ninh, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Bình, Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe…), viết báo Thanh Nghị (cùng Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Phan Anh, Lê Huy Vân...). Sau đó đi khai hoang ở xã Sơn Cẩm, Thái Nguyên, lập đồn điền vừa trồng cây ăn quả vừa nuôi bò sữa.

Từ người trí thức yêu tự do, yêu dân chủ, ông đến với Cách mạng và tham gia công tác với nhiều trọng trách: Giám đốc Nha Nông  lâm  súc - Bộ Canh nông (1945 - 1946), Trưởng ban Canh nông Liên khu I (1946 - 1947), Thứ trưởng Bộ Canh nông (1947)...

Với hơn 40 năm gắn bó và đứng đầu ngành Nông nghiệp, tham gia Quốc hội (từ khóa II đến khóa VII), MTTQ Việt Nam, ở vị trí của mình, cụ Nghiêm Xuân Yêm vẫn để các con tự lực.

Từ Việt Bắc trở lại Thủ đô Hà Nội (1954), hai cụ Nghiêm Xuân Yêm và Đào Thị Thuận đã chú ý đến việc giáo dục ý thức lao động cho các con. Các con trai của cụ đi học sửa xe đạp để tự chữa xe đạp cho gia đình. Rồi dành tiền trả góp mua chiếc máy may, cho mỗi người con có điều kiện học may để tự may vá lấy quần áo giữa thời đất nước còn đang khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh sau 9 năm kháng chiến.

Kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm (1913-2001), Bộ trưởng Bộ Canh nông (1948 - 1963), Bộ trưởng Bộ Nông trường (1963 - 1971), Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương (1971 - 1974), Bộ trưởng phụ trách khoa học - kĩ thuật nông nghiệp (1974 - 1981); Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII (1981-1987); Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam (thuộc MTTQ Việt Nam) suốt 30 năm đến khi kết thúc nhiệm vụ lịch sử (1958-1988)... Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng (truy tặng).
Hà Nội đã đặt tên đường Nghiêm Xuân Yêm thuộc quận Hoàng Mai.

Đó là việc trong nhà. Còn tham gia các hoạt động xã hội, tùy theo năng lực và điều kiện mỗi người, mà có những đóng góp khác nhau. 5 người con trai của vị Bộ trưởng Bộ Canh nông, có người từ năm 1963 vào bộ đội đã mất ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng) khi tham gia xây dựng và được công nhận là tử sĩ. Đất nước có chiến tranh, hai người con trai khác xung phong đi bộ đội. Kết thúc chiến tranh, hòa bình lập lại, các con của Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm đều trưởng thành và công tác ở cơ quan Nhà nước.

Những bó mía của mẹ

Kể chuyện nếp nhà, không chỉ riêng cha, mỗi khi nhắc đến mẹ, PGS.TS Nghiêm Dục Tú lại xúc động. Rời công tác quản lý ở Bộ, ở Quốc hội, đến tuổi 80, cụ Nghiêm Xuân Yêm cũng xin giao lại chức Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho người kế tiếp. Cụ tự nhận thấy, quy luật của tuổi già không tránh khỏi là trí lực và thể lực đã giảm sút, hãy để những người trẻ tuổi hơn đóng góp cho xã hội.

Cha mẹ là những tấm gương tự lực để con cái trong nhà noi theo. Trong cuộc sống mỗi người đều có những hoàn cảnh, số phận và khó khăn riêng. Với người trí thức đến với cách mạng, họ càng phải nỗ lực. Bóng mát của cha lớn đến đâu cũng cần có bàn tay ủ ấm, chăm sóc từ cái gốc của người mẹ.

Cụ bà Đào Thị Thuận, con gái gia đình tư sản Hà Nội thuộc khu phố Hàng. Từ tuổi hoa niên đã gan dạ vượt hàng trăm cây số từ Hà Nội lên nhà tù Sơn La để thăm cha bị giam giữ vì che giấu những người yêu nước Việt Nam quốc dân đảng mà người đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Thái Học.

Khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Những người đứng đầu tổ chức yêu nước ấy lên đoạn đầu đài. Những gia đình che giấu bị bắt đày đọa ở chốn rừng thiêng nước độc. Ngày về chẳng được mấy lóng tay cũng đã quỵ ngã.

Trong ký ức của bà Nghiêm Dục Tú, món quà duy nhất người mẹ dành cho các con là những bó mía. Mía ngọt mát lòng. Còn bã, lại được mẹ phơi khô để dành đun bếp. Nếp sống giản dị, tảo tần, tiết kiệm và liêm khiết ấy được xây dựng trong gia đình từ thiếu thời. Vậy nên, có người em trong nhà, dù được “xi-nhan” rằng có thể lên tới vị trí lãnh đạo cao hơn, xong đã từ chối vì gia đình không có truyền thống… khấu hao.

“Đặc biệt, cha tôi không bao giờ can thiệp vào chuyện học hành hay vị trí công tác của các con”, bà Nghiêm Dục Tú kể. Vì thế, con gái đầu được Nhà nước cả sang Liên Xô (cũ) học về Lịch sử thế giới - một ngành học mà cô sinh viên Dục Tú ngày đấy không có một chút thích thú nào - cụ cũng không hề can thiệp.

Cụ còn động viên con phải ra sức học tập, trau dồi thêm kiến thức. Từ tấm gương tự lực của cha mẹ, từ sự nỗ lực của bản thân, Nghiêm Dục Tú trở thành người thầy của nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Học viện Quan hệ quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao).

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn không ngừng trau dồi kiến thức. Bà tâm sự rằng, đó là từ tấm gương của cha mẹ để lại. “Mẹ tôi, ngoài 70 tuổi, biết 3 ngoại ngữ, cụ vẫn không ngừng học hỏi”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.