| Hotline: 0983.970.780

Đi bằng đôi chân mình: Phó Thủ tướng mách con đi... bơm xe

Thứ Hai 19/10/2015 , 06:35 (GMT+7)

“Các con hãy tự đi bằng đôi chân của chính mình”. Đó là lời dạy của cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại (1889-1973) dặn dò 10 người con của cụ.

Tự lo toan lấy

Trong ngôi nhà ấm cúng ở con ngõ nhỏ trên phố Đội Cấn (Hà Nội), bà Vũ Thị Thanh Mỹ, người con dâu thứ tư của cố Phó Thủ tướng Phan Kế Toại khẽ khàng chia sẻ: “Tôi về làm dâu cũng chỉ biết có chừng thôi, có chuyện tôi nhớ, có chuyện tôi quên, vậy nên nhớ đến đâu thì tôi kể đến đấy nhé”.

Vậy là, từng khoảnh ký ức theo thời gian dần dần hồi cố.

Đấy là đận những năm 1960, cụ Phan đương nhiệm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bà Mỹ làm việc ở UBND TP. Hà Nội, còn chồng bà, ông Phan Kế Bảo, công tác tại trường Điện ảnh Việt Nam.

Thường lệ, cụ Phan hỏi các con về lương tháng, về cuộc sống, và các khoản chi tiêu.

Một bận, cụ gọi người con dâu thứ tới dặn: “Mỹ ơi, lương hai vợ chồng như thế không thể đủ sống nuôi con được. Bảo nó đi làm về, con nói với Bảo chiều đến hết giờ làm thì tìm một cái hòm xe đạp, một cái bơm và một ít dụng cụ để vá xe. Chiều tan sở ra thì làm thêm những việc đó để kiếm tiền nuôi các con”.

Rồi cụ lại dặn thêm: “Bảo với Mỹ cố sức nuôi cho hai cháu học đến nơi đến chốn. Ba thấy trong số các con cháu thì Diễm Hằng với Toàn là có khả năng, học tốt”.

Hai vợ chồng ông Phan Kế Bảo hiểu rằng, cha đang răn dạy họ kiếm tiền bằng công việc chính đáng để nuôi con. Chứ trong thực tế, ông chưa bao giờ phải đứng đầu phố làm nghề bơm vá kiếm thêm thu nhập. Bởi vì, hết giờ làm việc ở cơ quan, tối về họ lại cùng nhau dịch tài liệu.

Ông Bảo công tác bên trường Điện ảnh, những bản phim tiếng Đức đang chờ ông dịch (nhờ có vốn ngoại ngữ sau những năm du học bên CH dân chủ Đức về nước). Đi đi lại lại để khỏi mất nguồn suy nghĩ, ông đọc đến đâu là bà viết đến đấy.

“Chúng tôi không phải đi bơm xe bao giờ vì tài liệu dịch phim cho thu nhập đủ để trang trải trong gia đình, song dẫu có phải bơm xe thì vợ chồng tôi cũng tự bảo nhau mình sẵn sàng làm việc, nhất là công việc chính đáng từ khối óc, hai bàn tay và sức lao động của mình”.

Năm nay, đã 82 tuổi, bà Vũ Thị Thanh Mỹ vẫn hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Tôi có cảm giác các hoạt động này nối tiếp hoạt động khác vì bà mới đi Yên Bái về thì trong nhà đồ đạc chuẩn bị cho chuyến đi Quảng Bình được xếp thành tầng.

Chốc chốc lại có người tới gọi cửa chuyển hàng. Những phút xen ngang ấy của đôi ba người khách không thể làm đứt mạch câu chuyện. Tấm tình của một thời vất vả về vật chất nhưng giàu và đẹp về tình cảm lại liền mạch ngay.

Bà Mỹ nhớ tới một thời sổ gạo, tem phiếu, mọi thứ đều phân. Cán bộ cao cấp cũng chẳng hơn thường dân là mấy. Nhưng các con cụ Phan không bao giờ đụng đến sổ tem phiếu của ba mình.

16-39-06_phn-ke-toi-2
Bà Vũ Thị Thanh Mỹ

Năm bà Mỹ sinh con trai, khó khăn chồng chất, nhưng ông bà cũng không vì thế mà hà lạm vào sổ gạo của cha. Nhắc nhớ một vài kỷ niệm bà lại rưng rưng:

“Tôi vì làm ở UBND TP. Hà Nội, được chị Nhữ Thị Tý là vợ bác sỹ Trần Duy Hưng - Chủ tịch UBND thành phố coi như chị em. Chị Tý mới nói: Mỹ ơi, hôm nay chị lấy sổ của anh Hưng, chị mua hộ cho Mỹ mấy cân gạo nếp để về nấu cháo cho cháu.

Thế là chị Hưng mua hộ bởi vì chị biết rằng chúng tôi không bao giờ dính dáng vào tiêu chuẩn của cụ. Kể ra, nếu tôi có đến hỏi thì cụ bà cũng san sẻ cho nhưng thôi vợ chồng tôi đã quen với nếp nhà các cụ hai bên răn dạy, mọi việc đều tự lập, tự lo toan lấy. Có những người hiểu mình như chị Nhữ Thị Tý, không bao giờ tôi quên được”.

Trở thành cán bộ tốt

Gia đình dòng dõi nhiều đời làm quan. Cha là cử nhân Phan Kế Tiến làm tới Tuần phủ tỉnh Phúc Yên (đứng đầu một tỉnh). Bản thân cụ Phan Kế Toại cũng từng là quan dưới triều Nguyễn từ Tri huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), tuần phủ, tổng đốc các tỉnh Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình; rồi giữ chức vụ Phó Thủ tướng trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến giây phút cuối cuộc đời.

Làm quan to thế nhưng sinh thời, cụ chỉ muốn các con mình làm những nghề sáng tạo để tự nuôi được bản thân. Chỉ làm công ăn lương, làm sao trở thành người cán bộ tốt.

Cụ khuyến khích con cái độc lập, không phụ thuộc vào cha. Vì vậy, 10 người con của cụ tự đi lên bằng đôi chân mình và đều làm những ngành liên quan đến khoa học và nghệ thuật: Họa sĩ Phan Kế An, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về VHNT (2001); Phan Kế Ninh, công tác trong ngành Hàng không; Phan Thị Mỹ, cử nhân văn học; Phan Kế Bảo, công tác trong ngành Điện ảnh; Phan Kế Khoan, công tác trong ngành Giáo dục; Phan Kế Hoành, nhà nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật; PGS.TS Phan Kế Phúc, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội; GS.TS Phan Kế Lộc, giảng viên khoa Sinh học (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội); PGS.TS Phan Lệ Thủy, giảng viên ĐH Dược Hà Nội; Phan Kế Bình, cán bộ Cty Công viên Hà Nội.

Liêm chính an dân

Làm quan ở đâu, cụ Phan Kế Toại cũng trọng chữ “liêm chính”, “an dân”, lấy đạo nghĩa nhân làm gốc. Bởi vậy, khi làm Tri huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An nay là TP. Hải Phòng, cụ đã mộ dân khai hoang lấn biển.

Hơn 80 năm sau, vật đổi sao dời, trải qua mấy độ bể dâu, nhưng “ruộng quan Phan” vẫn được người dân nơi đây ghi ơn.

Bà Vũ Thị Thanh Mỹ kể, năm trước có dịp về Tiên Lãng, nhân dân dẫn con cháu cụ Phan tới những cánh đồng thẳng cánh cò bay và tự hào rằng “ruộng quan Phan” đến nay vẫn mang lại no ấm cho người dân trong vùng.

 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.