Thân mình như sắt như đồng
Đi trong mênh mông sóng ngầu bọt trắng xóa, đôi chân ông bợt bạt vì ngâm nước mặn nhưng mặt vẫn nguyên nét tươi cười. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như người ngư phủ ấy không sắp bước qua độ tuổi U90 mà thân mình vẫn như sắt, như đồng và mắt vẫn như vẫn còn có muôn trùng sóng khơi xa.
Ông là Nguyễn Văn Rạng người ở xóm 6 xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, sinh năm 1932, theo cách tính của các cụ năm nay vừa tròn 90. Sóng lớn nên chiều nay ít người ra biển nhưng đó cũng là lúc ông đồ nghề lắc lẻo trên vai cho một chuyến cào nguộc. Ông bảo, hễ khi nào đôi chân không thể đi được nữa thì mới thôi bám biển. Ở nhà vẫn còn đồ ăn bắt được từ hôm trước nên buổi nay ông quyết định bán hết mớ nguộc, ngao trong cái bồng treo tòng teng ngang thân cào, được 60.000 đồng.
Sống trong ngôi nhà gỗ cổ, ngày ngày ông tự nấu lấy ăn, chẳng phiền con cháu. Ngoài vườn ông còn trồng thêm các loại rau đủ để khỏi phải đi chợ mua chứ không có bán và đặc biệt hơn là còn trồng cả hoa nữa.
Thấy ông vẫn còn yêu cái đẹp, tôi hỏi đùa: “Tại sao sau khi vợ mất ông không đi bước nữa?”. Ông cười lớn, rồi trả lời bằng giọng nói vang vang của một người lồng ngực vẫn còn rất khỏe: “Tôi nghĩ rồi, tuổi già không nên đi lấy vợ nữa bởi lôi thôi lắm vì con nọ, con kia”.
Ngạc nhiên tôi hỏi lại: “Ông lúc đó 80 tuổi rồi mà vẫn còn khả năng làm bố trẻ con à?”. “Được chứ, tôi đọc báo thấy người ta nói nam giới 90 tuổi vẫn có thể được mà”. Thế bây giờ ông nhìn thấy phụ nữ đẹp có thích không? Tôi hỏi dồn. Ông đáp luôn, không ngại ngần: “Có chứ vì giờ tôi vẫn khỏe nhưng mà lương tâm của mình không cho phép tơ tưởng đến chuyện đó nữa”…
Từ nhỏ ông Rạng đã khoác lên vai mình cái nghiệp ngư phủ, hồn treo cột buồm. Hồi ấy người ta đi biển trên những cái bè ghép đơn sơ bằng các cây bương to như cái phích, lột vỏ ngoài rồi hơ qua lửa nóng để uốn cong lên như mũi thuyền tránh sóng đánh vào bị dìm đầu xuống. Bình thường bè được gác lên bãi cát đến khi đi biển mới được khiêng trên những đôi vai trần xuống nước. Ngồi trên bè các ngư phủ vừa hò dô vừa gắng tay chèo vượt qua lớp sóng đổ kéo dài mấy trăm mét gần bờ đến lớp sóng lừng mới căng buồm lợi dụng sức gió để ra xa. Lúc này, họ không cần chèo nữa mà chỉ cần bẻ lái cho bè đi theo hướng mình cần đến.
Sau giải phóng miền Nam, những cái thuyền máy bắt đầu xuất hiện ở Hải Lý, ông Rạng lại cùng bao ngư dân khác hồ hởi tham gia vào hợp tác xã Đại Thành để vươn khơi trên những chuyến đi kéo dài chừng dăm bảy ngày. Biển hồi đó giàu có đến nỗi có nhiều khi phải đổ bớt cả cá đi kẻo chìm thuyền. Mỗi lần họ cập bến là tôm he, cá mòi, cá ngúng tràn ngập bãi, kỷ lục nhất có những con cá sủ ông Rạng đánh được nặng tới 50 kg, cá dậng nặng tới 40 kg.
Đi biển để cố quên một bóng hình
Năm 19 tuổi ông lấy vợ, Chúa đã gắn bó đời họ bên nhau cho đến khi cái chết chia lìa, bà mất lúc bấy giờ ông đã quá độ tuổi xưa nay hiếm, 78. “Đêm đêm, tôi tưởng như bà ấy vẫn nằm ở kề bên, cùng nhau nói cười bình thường như lúc còn đương khỏe mạnh nhưng hễ mở mắt ra lại không thấy gì nữa”. Ông kể. Buồn vì mất đi người bạn đời nhưng kẻ ở lại vẫn cần phải sống nốt những tháng ngày dài lê thê của tuổi già nên ông đi biển cho khuây khỏa, cho cái đầu thôi không còn mãi nhớ nhung về một bóng hình. Trung bình mỗi tuần ông đi biển dăm ngày, mỗi tháng đi biển chừng quá nửa.
Ông bà có 7 người con, 4 trai, 3 gái, con gái đầu chỉ còn mấy năm nữa là tròn 70 tuổi. Mỗi lần thấy ông đi biển, chúng đều can ngăn: “Bố ơi sao phải vất vả thế? Cứ ở nhà chúng con sẽ hỗ trợ cho bố”. Nhưng ông lại thích đi làm bởi nghĩ các con còn phải nuôi con của chúng nữa, mình tự lo, tự do chẳng thích hơn à? Có bận thằng cháu còn giấu hết đồ nghề, ông mới bảo: “Sao mày lại giấu của ông? Để ông đi làm cho vui cái đầu, cho cái người khỏe lên chứ?”.
Là con chiên ngoan đạo, một ngày của ông bắt đầu từ 4 giờ sáng để dậy đạp xe đi lễ nhà thờ. Học hết lớp ba nhưng ngày ngày ông vẫn đọc kinh thánh đều như một thói quen ngấm thẳm sâu trong máu thịt. 6 giờ, ông đạp xe từ nhà thờ về nấu bữa sáng, ăn xong lại chơi với đám cháu chắt (31 cháu, 5 chắt) đến 10 giờ thì nấu cơm trưa để kịp chiều đi cào nguộc hay xúc tép moi. Mỗi buổi bốn năm tiếng ngoài biển, nhiều thì ông thu nhập được chừng 100.000đ còn không chỉ 50.000-70.000đ.
Tiền bán hải sản, tiền trợ cấp người già (mỗi tháng 270.000 đồng), tiền con cháu cho thêm thắt, được đồng nào ông đều tích trữ, lâu lâu lại bỏ vào nhà thờ hay ủng hộ cho các đoàn hội. Làm chánh hội hồn 30 năm nay, ông chuyên cai quản việc của người chết ngoài nghĩa trang cũng giống như ông chánh xứ cai quản việc của người sống vậy trong làng vậy, hoàn toàn ngang hàng với nhau.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Trưởng xóm 7 xã Hải Lý cho hay ông Nguyễn Văn Rạng chính là chú họ của mình: “Ông đi làm không có tính đêm, tính ngày mà theo từng con nước, lúc nửa đêm, lúc 2-3 giờ sáng, lúc trưa, lúc chiều, lọ mọ một mình như một con ma ngoài biển không biết sợ hãi là gì. Ngoài nghề phụ, cào nguộc đã vất vả ít người dám theo ông vẫn còn bám nghề chính là đi kheo đun te (đẩy) thì thực sự cần phải có một thể lực tốt”.
Cà kheo là một phương tiện “nối dài đôi chân” giúp cho ngư dân hạn chế việc phải ngâm mình trong nước mặn cả ngày, có thể đi băng qua các bãi lầy và đáy biển với nhiều rủi ro, bất trắc với độ sâu tới 3 - 4m. Te là dụng cụ gồm 2 thanh tre bắt chéo giữ tấm lưới mắt mau như mắt màn để bắt moi và các loại tôm cá nhỏ. Còn cào nguộc là cây tre một đầu được chẻ đôi móc thành cái cào. Đi cà kheo đun te thì phải bước tiến và đẩy nhưng cào nguộc lại phải bước giật lùi và cào.
Dân Hải Lý tập cà kheo từ nhỏ cũng như tập đi lần thứ hai vậy tuy nhiên kỳ công và nguy hiểm hơn rất nhiều bởi ai cũng ngã lên ngã xuống, tiếp đất bằng chân tay và cả bằng đầu trán rồi mới dần quen với “đôi chân” dài thượt ấy, ngắn đã cỡ 1,5m còn trung bình 2 - 3m và cao nhất thậm chí là trên 4m.
Đi cà kheo không vài bước đã mỏi chân vì nước cản, cát cản trong khi lại phải đun cái te với tấm lưới rất dầy bên dưới. Khi nhấc te lên phải lựa sóng, lựa gió, tì một bên cán vào dưới hạ bộ, một bên cán vào đùi rồi hai dùng cả đôi tay lẫn thân mình ngả hẳn ra đằng sau để bẩy cái lưới, lúc này đang bị nước cản nặng dễ đến mấy chục cân.
Bởi thế mà nếu mặc quần rất dễ bị cán te tì rách nên trước đây ngư dân thường cởi chuồng, quần quấn lên đầu cho đỡ vướng, gần vào đến bờ khi nhắm chừng người khác có thể nhìn thấy hạ bộ mình mới mặc vào. Thế nhưng nhiều lúc các bà hàng moi cứ ào ào chạy ra, tranh nhau mua nên cũng chẳng thể kịp mặc. Miệng các bà liến thoắng: “Bác ơi, hôm nay bồng của bác có to không?”. Bồng tức là cái giỏ đựng nhưng cũng là cái bồng… dái. Vậy là cùng nhau mà cười phá lên, xóa tan hết mọi nhọc mệt.
Kỷ lục khó có thể xô đổ
Trước đây, có những buổi đun moi gặp phải quầng tép đi kiếm ăn trong nước đông đặc như cháo, rộng đến vài trăm m2 phải biết lừa bớt ra mới có thể nhấc lên, khéo léo lóc dần dồn chúng xuống đùm, kéo vào bờ nhờ vợ con ra hỗ trợ bởi trong đó là cả tạ hải sản. Nặng nhọc là thế nên thường cỡ 50 tuổi người ta đã phải giải nghệ nhưng con rể ông Rạng là anh Nguyễn Văn Viện năm nay đã 65 tuổi vẫn ngày ngày cùng bố vợ đi biển, tuy nhiên khoảng cách là của hai thế hệ.
Trước đây, ở Hải Lý còn có ông Tì người xóm 9 cũng xấp xỉ 90 tuổi vẫn còn đi đun te nhưng người ông vâm vam, sức khỏe phi thường chứ không gầy xương xương như ông Rạng. Tiếc thay ông Tì mất đã lâu nên kỷ lục về tuổi cao mà vẫn đi biển của ông Rạng vẫn không có ai có thể xô đổ: “Cả vùng này không có ai tầm tuổi ấy mà có thể làm được, thậm chí kém vài chục tuổi như cánh 60 chúng tôi cũng khó có thể theo”. Ông Hùng nhận xét về người chú họ của mình như vậy. Càng kỳ lạ hơn sống ngót 90 năm ở trên đời đến nay ông Rạng vẫn chưa biết cánh cổng bệnh viện nó hình dáng như thế nào, chưa biết đến các mũi tiêm nó đau nhói như kiến cắn ra sao.
Hễ nhìn thấy ông là dân làng thấy nụ cười. Với anh em, họ tộc cũng như hàng xóm, láng giềng ông sống rất hiền hòa, kể cả với những người đáng tuổi con, tuổi cháu đều tôn trọng gọi một câu anh, hai câu anh.
Gia cảnh tuy bình thường nhưng ông Rạng lại giàu lòng kính Chúa, yêu người. Ông thường xuyên nhắc nhở con cháu về đạo hạnh của một kiếp người là biết thờ cha, kính mẹ, biết họ biết hàng, biết nhớ đến công ơn của tiên tổ. Và một điều đặc biệt nữa là sống ở vùng hay nói bậy, đệm từ bậy nhưng không bao giờ người ta nghe thấy ông Rạng nhỡ mồm văng ra một câu tục tĩu.