| Hotline: 0983.970.780

Đi công chứng tư: Không bị "hành", không yên tâm

Thứ Tư 03/09/2008 , 12:12 (GMT+7)

Đến phòng công chứng tư, không ít người dân vẫn giữ thói quen kẹp “phong bì” trong hồ sơ...

Đến phòng công chứng tư, không ít người dân vẫn giữ thói quen kẹp “phong bì” trong hồ sơ. Cũng có những người dân quan niệm, công chứng tư là có thể làm được... mọi việc!

Tiền “boa” kẹp trong hồ sơ

Sau hơn 1 tháng vận hành, cả khách hàng và nhân viên văn phòng công chứng tư vẫn bỡ ngỡ với nhiều “lệ” mới. TS. Lê Quốc Hùng - trưởng văn phòng công chứng Hà Nội cho biết, dù đã có quy định dán công khai, nhưng có những người dân vẫn có “thói quen” để tiền “boa” trong hồ sơ công chứng. Khi được trả lại, không ít người thắc mắc về việc “phá lệ”.

Cũng về vấn đề phong bì, phong bao, trưởng văn phòng công chứng Việt xác nhận là “vẫn có”. Trong đó, có những trường hợp sau khi được văn phòng công chứng giải quyết công việc nhanh gọn đã muốn được “cảm ơn”, khiến nhân viên phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục.

Tuy nhiên, tỷ lệ lớn hơn rơi vào trường hợp hồ sơ không đủ thủ tục. Theo ông Phạm Quang Hưng, một bộ phận người dân có ý nghĩ, công chứng tư là có thể làm mọi việc, kể cả việc thiếu thủ tục, hồ sơ không đủ điều kiện.

Hơn 1 tháng hoạt động, không ít lần công chứng Việt nhận được yêu cầu chứng nhận giao dịch từ những khách hàng đã đến các văn phòng công chứng nhà nước, được trả lời không làm được, hồ sơ bị trả về mới quay qua công chứng tư như một cửa… “đi tắt”.

Về lâu dài, việc đưa phong bì sẽ... tự mất?!

Ông Hưng minh hoạ luôn trường hợp gần nhất vừa xảy ra, khách hàng yêu cầu công chứng việc tách “sổ đỏ” nhà dưới 30m2 (trường hợp “cấm” tách theo quy định). Nhân viên văn phòng giải thích không thể công chứng giao dịch này được, vị khách vẫn một mực đề nghị “làm tới” vì thực tế việc mua bán, tách đất đã xong xuôi, người mua cũng đã xây nhà xong xuôi cả rồi, chỉ làm cho…chuẩn thủ tục. 

Trưởng văn phòng công chứng Hà Nội, Lê Quốc Hùng khẳng định, muốn làm lâu dài, không thể “gật đầu” với tiền boa. Tất cả các phòng làm việc tại văn phòng đều lắp camera để theo dõi, giám sát. “Không được nuôi tư tưởng nhận tiền boa và lấy đó làm cách thức hoạt động lâu dài. Nếu cũng nhận tiền như cũ thì sớm muộn khách sẽ không đến đây vì cũng phải “đi vòng” như thế thì tội gì không tới công chứng nhà nước” - ông Hùng quả quyết.

Trưởng văn phòng công chứng Việt, Phạm Quang Hưng nhận định, về lâu dài, với thái độ tiếp đón, phục vụ niềm nở thì “không đời nào người ta đưa phong bì vì có bị làm khó dễ, có nhiêu khê người ta mới muốn muốn chi tiền để được làm nhanh hơn”. Ông Hưng cho rằng đây là một cơ chế điều chỉnh tự nhiên.

Không bị “hành”, không yên tâm!

Trong điều kiện hiện nay, các văn phòng công chứng tư không thể hoàn toàn chắc chắn trong mọi hoạt động do vẫn còn những vướng mắc nhất định. Khó khăn nhất của công chứng tư là thiếu nguồn thông tin ngăn chặn. Đơn cử, nhà đất bị kê biên vẫn đem bán, văn phòng công chứng rất khó để xác minh, đòi hỏi phải rất thận trọng.

Dẫu vậy, Trưởng Văn phòng Công chứng Hà Nội, Lê Quốc Hùng “nhắn nhủ”, đừng mong lợi dụng công chứng tư để làm sai. Bởi lẽ, nếu Công chứng tư có nhầm lẫn, kể cả do trình độ thì nhà nước cũng sẽ “xử” mạnh tay hơn công chứng nhà nước. “Chúng tôi sẽ phải lo bị dẹp hoạt động, nếu để xảy ra sai sót nhiều”, ông Hùng phân tích.

Minh chứng cho sự thận trọng là đã có những văn bản đã được công chứng bởi công chứng nhà nước, nhưng đến văn phòng công chứng của ông Hùng đã bị... khước từ. Văn phòng đã phát hiện những sai sót, bất ổn nên không thể công chứng tiếp.

Dẫu vậy, đứng ở phía các cơ quan nhà nước, vẫn còn những “dè dặt” nhất định đối với giao dịch do công chứng tư xác nhận. Thực tế, có những cơ quan nhà nước vẫn yêu cầu, trình hồ sơ pháp lí đối với những hoạt động giao dịch do công chứng tư làm. Thậm chí, còn đòi xem hồ sơ công chứng như sợ công chứng tư làm sai.

Ông Phạm Quang Hưng cho biết, có đến 30% các cơ quan cấp quận đưa ra những yêu cầu như trên. Trong khi đó, các sở, các cơ quan cấp thành phố lại có nhiều “niềm tin” hơn hẳn so với các cơ quan bên dưới.

Về phía người dân, Ông Hưng cũng phân trần, không khỏi không có những “lăn tăn” với phong cách phục vụ mới công chứng tư đang xây dựng. Nhiều người dân vẫn giữ tâm lí, không bị “hành” thì không yên tâm, được phục vụ tận tình, thủ tục nhanh gọn thì có cảm giác không đủ giá trị.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.