| Hotline: 0983.970.780

Di dời dân, hủy họp, dồn lực ứng phó siêu bão Haiyan

Thứ Bảy 09/11/2013 , 07:41 (GMT+7)

Các tỉnh miền Trung đang dồn mọi nỗ lực trong công tác phòng chống nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Trước sự đe dọa của siêu bão Haiyan, các tỉnh miền Trung đang dồn mọi nỗ lực trong công tác phòng chống nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.


Ngư dân Bình Định đang giằng néo tàu thuyền.

Tại Quảng Ngãi, công tác di dời khẩn cấp hơn 5.000 hộ dân đang được cấp bách triển khai khắp các địa phương.

Theo dự báo, khả năng bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, trong đó Quảng Ngãi có nguy cơ ảnh hưởng rất cao, nhất là các huyện phía Bắc của tỉnh này.

Theo nhận định, siêu bão Haiyan khi đổ bộ vào đất liền sẽ có sức tàn phá lớn, chính vì vậy công tác di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là vùng sạt lở núi, ven sông, ven suối và những vùng hạ lưu dưới các hồ đập cũng được Quảng Ngãi đặt lên hàng đầu.

Theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh này, hiện số hộ dân của các huyện nằm trong kế hoạch sơ tán khi bão đổ bộ vào là 54.050 hộ, với 216.000 nhân khẩu.

Trong đó, đặc biệt có 5.189 hộ, với 21.370 khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; hạ du công trình thủy điện ở các huyện thuộc khu vực phía Bắc tỉnh gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Lý Sơn cần phải di dời khẩn cấp.

Một vấn đề nữa cũng đang là mối quan ngại lớn của Quảng Ngãi hiện tại là khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào, đó là an toàn cho các hồ chứa nước, công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê thì hiện trên địa bàn tỉnh này có 117 hồ chứa nước lớn nhỏ. Trong đó có 15 hồ chứa nước có dung tích trên 3 triệu m3, còn lại là dưới 3 triệu m3. Tuy nhiên có 98 hồ được xây dựng trước năm 1989, nhiều công trình đang xuống cấp.
Ông Nguyễn Nhung - Giám đốc Cty khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, cho biết: Hiện các công trình do công ty quản lý đã có phương án đối phó khi mưa bão. Trong các hồ chứa nước thì hồ  Đá Bàn là hồ có nguy cơ nhất, bởi mực nước của hồ này  hiện nay đã vượt tràn. Nếu trong những ngày tới có mưa to thì nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Hiện Cty đã có kế hoạch di dời hơn 50 hộ dân sống ở vùng hạ lưu hồ Đá Bàn.
Trước những diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Ngãi. Tại cuộc họp khẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Phạm Trường Thọ yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động phương tiện, bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó, không chủ quan lơ là dù chỉ một phút.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát số hộ dân ở những vùng trọng yếu, dễ xảy ra sạt lở như ven biển, sông, suối, núi để có phương án sơ tán, di dời; huy động mọi phương tiện, nguồn lực hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di dời tài sản đến nơi an toàn. Việc di dời dân phải hoàn thành vùng hạ du. Đồng thời thông báo, vận động nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng mưa lũ chia cắt.

Các lực lượng biên phòng, quân đội, công an cần sẵn sàng về phương tiện, con người để giúp dân di dời nhà cửa cũng như giúp dân khắc trước 17 giờ ngày 9/11.

Bộ đội biên phòng, các huyện ven biển, hải đảo cần khẩn trương hướng dẫn sắp xếp khu neo đậu tàu thuyền và các loại phương tiện vận tải thủy; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Tuyệt đối không cho tàu thuyền nào ra khơi trong thời gian cấm biển bắt đầu từ chiều ngày 8/11.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cũng chỉ đạo các đơn vị, cần theo dõi sát diễn biến mực nước các hồ chứa thủy lợi, thuỷ điện, nhất là 32 hồ chứa xuống cấp cần triển khai ngay phương án đối phó, xác định địa điểm di dời dân ở phục hậu quả bão lũ.

Thành viên Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh cần phối hợp với các địa phương phân công, tổ chức kiểm tra phương án sẵn sàng đối phó với siêu bão Haiyan. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo cho nhân dân diễn biến của bão Haiyan trên các phương tiện thông tin.

Còn tại huyện đảo Lý Sơn, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng NN-PTNT, cho biết, đến sáng 9/11 đã kêu gọi được 400 tàu thuyền với gần 3.000 lao động rời biển về bờ neo đậu tránh trú bão.

Về công tác di dời dân, huyện đảo Lý Sơn xác định có 3 điểm dân cư nằm trong vùng nguy hiểm có khoảng 45 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu cần phải di dời khẩn cấp.

Huyện này cũng đã xác định có 21 địa điểm kiên cố gồm trường học và cơ quan sẽ làm nơi sơ tán dân.

Đến 17 giờ chiều 9/11, công tác sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm ở Lý Sơn sẽ hoàn thành.

Ở Phú Yên, trong 2 ngày qua tỉnh này đã dừng tất cả mọi cuộc họp không cần thiết để dồn tâm lực vào công tác phòng chống siêu bão Haiyan, đặc biệt là công tác di dời dân. Dân vùng ven biển sẽ được sơ tán vào sâu bên trong cách bờ biển ít nhất 500m. Tàu thuyền của ngư dân đã vào bờ neo đậu cũng được hướng dẫn giằng néo kỹ để tránh bị va đập làm chìm. Đồng thời kiên quyết không cho ngư dân ở lại trên tàu thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Theo dự báo Bình Định là 1 trong những tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp siêu bão Haiyan, dù tỉnh này đã chủ động các phương án phòng chống bão nhưng đến giờ vẫn còn nỗi lo về 129 tàu thuyền của ngư dân với 903 lao động vẫn còn trong vùng uy hiếp của bão. Công tác thông báo diễn biến của bão và kêu gọi tàu thuyền vào bờ vẫn đang được ngành chức năng tỉnh này thực hiện 24/24.

Xem thêm
Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.