| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 14/08/2016 , 08:10 (GMT+7)

08:10 - 14/08/2016

Di dời Trung tâm hành chính Đà Nẵng: 'Không phải thích thì xây, không thích thì bỏ'

Mặc dù lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rằng việc di dời Trung tâm hành chính là định hướng lâu dài, phải nghiên cứu kỹ và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, tuy nhiên, công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng mà mới sử dụng đã nảy sinh bất cập khiến những người đang sử dụng phải tính chuyện chuyển đi là một câu chuyện đáng bàn.

Đầu tháng 9 năm 2014, UBND TP Đà Nẵng đã đưa vào vận hành Trung tâm hành chính tại địa chỉ số 24 đường Trần Phú, quận Hải Châu. Nằm trên khu đất rộng hơn 23.000 m2, tòa nhà cao 37 tầng với diện tích sử dụng 65.234 m2 là nơi làm việc của 1.600 cán bộ, công chức thành phố và khoảng 600 lượt người dân đến giao dịch mỗi ngày.

Tòa nhà được thiết kế theo ý tưởng mô phỏng ngọn hải đăng dẫn đường, phần đế tạo hình chiếc thuyền kết hợp với mái hình cánh buồm đang vươn khơi tạo điểm nhấn cho cả khu trung tâm thành phố, được xem như biểu tượng mới của Đà Nẵng và thể hiện khát vọng vươn khơi xa.

Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng (bên trái)
Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng (bên trái)


Cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã kỳ vọng: "Trung tâm hành chính thành phố khi đưa vào sử dụng sẽ chấm dứt sự manh mún, luộm thuộm của công chức, tiết kiệm được nhiều thứ, trong đó có xe công, từng bước chấm dứt tình trạng lãng phí công".

Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng được 2 năm, người ta lại tính chuyện chuyển đi với những lý do tòa nhà nằm ở vị trí không phù hợp, thiếu oxy, ảnh hưởng giao thông…

Theo ông Nguyễn Cửu Loan – Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển TP Đà Nẵng, tòa nhà mới đưa vào vận hành chưa đầy 3 năm, bây giờ tính chuyện di dời thì sự tính toan đó thật "khó nói và khó hiểu".

“Tại sao chúng ta không đưa ra nhiều giả thuyết để giải quyết vấn đề đó. Tôi mới chỉ nghe nói do công trình thiết kế bất hợp lý, thiếu oxy để thở, gây ùn tắc giao thông nhưng chưa nghe nói đưa ra giải pháp gì để giải quyết vấn đề này”, ông Loan nêu vấn đề.

Ông Loan cho rằng, lãnh đạo thành phố cần phải tính toán lại. Bởi số vốn đó quá lớn và đặc biệt hiện nay Đà Nẵng đang thiếu vốn đầu tư rất nhiều công trình. Không phải vì nghe ảnh hưởng giao thông, thiếu oxy mà di dời.

Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cũng nêu quan điểm, cần phải có những giá cụ thể những mặt được, mặt hạn chế của tòa nhà. Những thông tin đó phải công khai, minh bạch. Nếu có sai lầm thì phải tìm biện pháp khắc phục. Chứ không phải khi thích thì xây, giờ không thích thì bỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng, lý do thiếu oxy mà phải di dời thì không thuyết phục. Vậy những tòa nhà cao chọc trời ở nước ngoài thì sao? 2.000 tỷ mà nghe tưởng đâu 2.000 đồng?

Bạn Lê Thắng bình luận trên báo Dân trí: “Nói như chuyện một ngôi nhà cấp 4 của người dân vậy. 2.000 tỷ chứ không ít đâu nhé. Khi xây dựng thì tung hô ca ngợi là điểm nhấn, là biểu tượng của thành phố Đà Nẵng...”.

Anh Nguyễn Văn Tú (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) nêu quan điểm:” Đúng là tòa nhà đó có những bất cập thật. Nhưng vì những bất cập đó mà tính “bỏ đi” thì không thỏa đáng. Những bất cập đó có thể tìm cách để khắc phục”.

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, nói về chuyện di dời Trung tâm hành chính khổi tòa nhà 2.000 tỷ đồng, ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết phải “lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân”. Dư luận cho rằng phần lớn khả năng là người dân sẽ không đồng ý việc di dời vì quá lãng phí. Khi đó việc di dời sẽ được tính tiếp thế nào?

 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm