| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 19/02/2013 , 09:41 (GMT+7)

09:41 - 19/02/2013

Đi lễ đầu năm

Người dân Việt Nam khắp các vùng miền thường có thói quen đi lễ đền, chùa và các di tích lịch sử nhân dịp đầu năm mới để cầu tài, lộc, phú quý...

Người dân Việt Nam khắp các vùng miền thường có thói quen đi lễ đền, chùa và các di tích lịch sử nhân dịp đầu năm mới để cầu tài, lộc, phú quý. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa của dân tộc lại đang bị biến tướng và xuất hiện nhiều cảnh tượng không đẹp khắp các đền chùa, di tích lịch sử trên cả nước.

Chỉ tính riêng chùa thì Việt Nam đã có tới gần 15.000 ngôi chùa lớn nhỏ, chưa kể các đền, phủ, miếu... nằm rải rác khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Thế nhưng, cứ đến dịp đầu năm mới thì hầu như đền chùa nào cũng đông nghẹt người dân đến lễ, đặc biệt là các đền, chùa lớn, nguy nga, có lịch sử lâu đời và được người dân tin là linh thiêng như chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Hương, phủ Tây Hồ, chùa Bái Đính, Yên Tử...


Ảnh minh họa

Điều đáng nói là nhiều người không quản mưa gió, xa xôi, thậm chí là... liều mạng trèo đèo lội suối để đến chùa lễ Phật. Trong khi đó, những người kinh doanh dịch vụ ở khu vực xung quanh chùa chiền lại lợi dụng chính điều này để “chặt, chém” người đi lễ.

Trên đường đi, du khách thập phương dễ dàng bắt gặp những cảnh chướng tai gai mắt như “đội quân” giả mạo ăn xin hay giả mạo thày tu với đủ tư thế nằm, ngồi, đứng xin bố thí dọc hai bên đường vào chùa, phủ... Sự chèo kéo, hay đe dọa của những người kinh doanh khu vực này cũng khiến không ít người sợ hãi. Vừa bước chân đến nơi thì du khách lại bị “chém” đẹp vì hầu hết các dịch vụ ở khu vực chùa chiền trong dịp đầu năm mới, từ viết sớ, sắm lễ, mua vàng mã, hương hoa, cành lộc, đến dịch vụ gửi xe, đi đò, cáp treo đều có giá… trên trời. Thông thường, mức giá của các dịch vụ, hàng hóa này cao gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Cá biệt có một số dịch vụ như gửi xe thì cao hơn tới cả chục lần. Những người đi lễ cũng nơm nớp lo bị trộm cắp, móc túi khi chen lấn giữa “biển” người để đến được nơi làm lễ.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến việc ý thức của người dân chưa tốt khi vứt rác bừa bãi, rải tiền lẻ khắp nơi, từ gốc cây tới hồ cá, thậm chí là… nhét cả vào tay, vào miệng tượng Phật khiến cảnh quan chùa trở nên phản cảm. Nhiều người chẳng ngần ngại vượt qua các biển cấm, khu vực đã được chăng dây hoặc có biển báo “cấm vào” chỉ để chụp ảnh lưu niệm hay rải tiền để cầu tài lộc, phú quý.

Thực tế, tình trạng nhếch nhác chốn linh thiêng đã diễn nhiều năm nay, báo chí cũng đã tốn không ít giấy mực để phản ánh nhưng vẫn không mấy tiến triển. Trong khi đó, việc quản lý tốt hoạt động tín ngưỡng này chẳng những là để bảo vệ quyền lợi của người dân đi lễ mà còn là để giữ gìn sự uy nghiêm của những chốn linh thiêng kể trên.

Phải chăng, do việc đi lễ chùa chiền là một hoạt động mang tính tâm linh và tôn giáo nên các cơ quan Nhà nước ngại nhạy cảm còn các tổ chức giáo hội thì không đủ thẩm quyền để quản lý nên đành để ngỏ suốt nhiều năm nay?

Bình luận mới nhất