| Hotline: 0983.970.780

Đi nghèo khó, về giàu có

Thứ Tư 23/05/2012 , 10:20 (GMT+7)

Đó là tâm sự của những người đã từng đi XKLĐ ở Hàn Quốc, Malayxia... trở về quê hương làm kinh tế ở xã Đông Khê (Đông Sơn, Thanh Hóa) mà chúng tôi có dịp tiếp xúc.

Trả hết nợ, dư giả được bao nhiêu dành vào sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ dùng trong nhà và dồn lại để đầu tư cho kinh doanh phát triển kinh tế. Tất cả những thứ đó là thành quả của những tháng năm lam lũ, tích góp được từ bên nước bạn.

>> Không gì giàu nhanh bằng XKLĐ

Đó là tâm sự của những người đã từng đi XKLĐ ở Hàn Quốc, Malayxia... trở về quê hương làm kinh tế ở xã Đông Khê (Đông Sơn, Thanh Hóa) mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Xã Đông Khê có 500 lao động đang làm việc ở nước ngoài, trong đó 357 người ở Hàn Quốc. Số còn lại làm việc ở các nước như Đài Loan, Malayxia, Nga... Theo ông Lê Như Tuân- Chủ tịch UBND xã thì hằng năm số lao động này gửi một lượng ngoại tệ rất lớn về cho gia đình. Nhờ đó mà đời sống của người dân đã được nâng lên; đặc biệt là không gian làng xã, nhà cửa, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang hẳn lên.

Ông bảo: “Bình quân 1 lao động ở Hàn Quốc mỗi tháng cũng gửi về được 800-1.000 USD cho gia đình. Thế mới có chuyện mấy năm gần đây, xã chúng tôi không nhận được giấy khen của ngành ngân hàng về thành tích đối với khách hàng vì dư nợ của xã chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Trong khi con số đó ở một số xã khác là 30- 40 tỷ”.


Sản phẩm hàng mỹ nghệ do gia đình anh Lê Viết Dũng- thôn 7, xã Đông Khê đuợc cung ứng rộng rãi trên thị trường

Ông Tuân kể, cách đây hơn chục năm, lúc đó ông đang làm Phó chủ tịch xã, khái niệm đi XKLĐ đối với người dân đang còn xa lạ lắm. Cả xã chỉ mới có vài ba người đi theo "kênh" của người quen, còn lại đi theo "kênh" Nhà nước hay DN. Hồi đó, được Bộ LĐ-TB&XH giúp đỡ nên xã có 30 suất được đưa sang Hàn Quốc để làm việc. Mặc dù được ưu tiên nhưng người dân vẫn lo ngại nên chỉ có 28 người đi. Sau 3 năm hết hợp đồng, số lao động này đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của gia đình, từ chỗ nghèo túng trở nên giàu có nhất làng. Một số ít ở lại ký tiếp hợp đồng và lần lượt dẫn dắt anh em trong nhà, trong họ sang bên đó làm ăn nên giờ đây nhiều gia đình có cuộc sống khá giả.

Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Lê Viết Dũng và Lê Thị Tùng ở thôn 7 xã Đông Khê. Đến đúng lúc, vợ chồng anh vừa xuất bán một lượng rất lớn về sản phẩm hàng mỹ nghệ mà do gia đình làm nên từ việc học hỏi kinh nghiệm sau mấy năm đi XKLĐ ở Malayxia về.

Theo lời kể của anh, chị thì năm 2002, nhà gặp nhiều khó khăn lắm. Lúc đó gia đình cũng vay mượn để làm nghề mộc tại gia nhưng sản phẩm làm ra bán chẳng được nhiều nên nợ nần cứ lãi mẹ đẻ lãi con khiến cuộc sống gia đình thêm phần vất vả. Được Nhà nước tạo điều kiện, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay thêm tiền để đi XKLĐ. Sang bên đó, công việc chính của anh Dũng là làm gỗ, ép ván.

Chị Tùng kể: “10 tháng đầu anh mới ổn định và bắt đầu có tiền gửi về. Biết chồng làm việc vất vả, ở nhà tôi cũng lam lũ trên ruộng đồng kiếm cơm gạo nuôi con khôn lớn. Tiền anh Dũng gửi về được bao nhiêu là tôi dành dụm để trả nợ. Thế rồi, chẳng mấy chốc tôi trả hết khoản nợ gần 100 triệu cho anh, em, bạn bè. Bước sang năm thứ 2, nhà tôi bàn bây giờ làm được bao nhiêu thì tích góp lại sau này hết hạn hợp đồng về nước đưa ra làm ăn”.

Đúng như kế hoạch được vợ chồng anh Dũng đặt ra nên sau khi về nước, việc đầu tiên mà anh Dũng bắt tay vào làm là khôi phục lại nghề mộc của gia đình đã từng làm trước đó hàng chục năm. Anh kể: “Có được những kinh nghiệm từ nước bạn, việc mở rộng quy mô làm ăn lúc bấy giờ đối với tôi là thuận lợi. Vợ chồng tôi lại bàn bạc, quyết định mua thêm máy móc và bố trí việc làm cho mấy anh em trong gia đình. Nay xưởng SX của gia đình có 10 lao động làm việc quanh năm, đảm bảo mức lương trên 3,5 triệu đồng/người/tháng”.

Dẫu biết bối cảnh chung của nền kinh tế đang có nhiều khó khăn nhưng xưởng SX, chế biển sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ của gia đình anh Dũng vẫn vững vàng. Chị Tùng nói: “Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ tới đó. Đặc biệt, nhiều mặt hàng của gia đình chúng tôi cùng chủng loại, mẫu mã và chất lượng như với các vùng miền trong Nam, nhưng vì giá thành rẻ hơn nên có rất nhiều khách hàng ở TP HCM, Đồng Nai đã đặt hàng. So với chênh lệch giữa giá thành và cước vận chuyển thì sản phẩm làm ra của chúng tôi vẫn có giá hợp lý hơn. Nhờ đó mà sản phẩm tiêu thụ được rất tốt”. 

Tôi hỏi chị Tùng là đầu tư lớn như thế, liệu có phải vay vốn ngân hàng không? Chị bảo: “Hai năm nay, anh Dũng có hướng mở rộng kinh doanh nên có vay một ít vốn của ngân hàng, nhưng chưa khi nào dư nợ đạt đến 1 tỷ nên rất nhẹ nhàng”.

Nói rồi, chị xin phép chúng tôi mấy phút để ra ký hợp đồng bán hàng cho một khách hàng ở Đồng Nai mà sau đó tôi được biết đó là một đại lý chuyên tiêu thụ sản phẩm gỗ mỹ nghệ cho gia đình chị.

Chia tay vợ chồng chị Tùng, chúng tôi đến thăm vợ chồng anh chị Lê Bá Lệ và Lê Thị Thơm ở thôn 5 cũng là người đã thành công sau chuyến xuất ngoại ở Hàn Quốc về. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng được xây dựng khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, anh Lệ phấn khởi tâm sự: “Về nước được 9 năm rồi nhưng đến giờ, vợ chồng tôi cũng không thể tưởng tượng được là sẽ có được như ngày hôm nay”.

Chuyện anh Lệ đi Hàn may mắn hơn một số người là năm 1998, nhờ chị gái ở Hà Nội giúp đỡ. Kết quả, sau 3 năm hết hợp đồng, anh Lệ đã ký thêm 2 năm nữa để tiếp tục làm việc, có điều kiện tích góp thêm tiền về cho gia đình.

Chị Thơm nói: “Ngày anh sang Hàn, đứa con trai mới được 1 tuổi. Tôi ở nhà lo việc đồng áng, chăm sóc con và cứ trông ngóng tin chồng. Lúc anh đi, nợ nần đang chồng chất. Khoản tiền 35 triệu đi Hàn cũng phải vay mượn toàn bộ. Nhà ở lúc đó thì lụp xụp, nắng thì đỡ nhưng mưa xuống thì mẹ con tôi khổ lắm. Sau vài năm làm việc, anh Lệ đã gửi được tiền về cho tôi trả hết nợ, trang trải được cho cuộc sống gia đình. Ngày anh về nước, việc đầu tiên là vợ chồng tính kế làm ăn. Khi cuộc sống được tươm tất thì chúng tôi quyết định xây lại nhà và mua thêm chiếc xe ô tô phục vụ cho việc làm ăn. Cho đến bây giờ, nhìn các gia đình xung quanh, tôi nhận thấy nhà tôi và nhiều người khác đã đổi đời nhờ những chuyến xuất ngoại thành công”.

Theo lời kể của ông Chủ tịch xã thì đã có rất nhiều đoàn công tác của tỉnh và nhiều địa phương đến đây tìm hiểu kinh nghiệm. Điều mà các đoàn nhận thấy được là đời sống của người dân làng xuất ngoại ở Đông Khê khá giả lên rất nhiều. Đặc biệt, các gia đình có người đi XKLĐ đều có cuộc sống hạnh phúc, con cái có điều kiện học hành tốt, không có tệ nạn xã hội hay vợ chồng, con cái ly tán. “Đó là điểm nổi bật ở một làng xuất ngoại của chúng tôi”- ông Tuân bộc bạch.

Trong số tất cả những người đã từng đi XKLĐ ở nước ngoài mà chúng tôi có điều kiện tiếp xúc được ở làng Đông Khê, điều mà họ rút ra được đó chính là sự chịu khó làm ăn, biết cách tích góp và sống đoàn kết với anh em công nhân thì mới có điều kiện giữ được tiền và gửi được nhiều tiền về cho gia đình.  

Điều tôi ghi nhận được ở họ chính là ý chí quyết tâm làm giàu. Ở nước ngoài, họ đã kiếm được hàng ngàn USD. Nay về nước bên mái ấm hạnh phúc gia đình, họ kiếm được hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ vào những công việc tỷ mỉ của người lao động nông thôn chất phác.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất