| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm giải pháp cho khai thác di sản Thành Nhà Hồ

Thứ Sáu 20/04/2012 , 16:11 (GMT+7)

Việc khai thác di sản Thành Nhà Hồ thế nào cho phù hợp vẫn được coi là bài toán không hề đơn giản cho các nhà quản lý và khoa học.

Sự kiện tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức đón bằng công nhận di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ của UNESCO vào trung tuần tháng 6 tới, một lần nữa lại làm sống dậy niềm hồ hởi, hãnh diện của người dân Việt Nam nói chung và người dân xứ Thanh nói riêng.

Tuy nhiên, đến nay, không phải ai cũng biết về nét độc đáo của di sản Thành Nhà Hồ cũng như việc bảo tồn và phát huy di sản này.

Nét đặc sắc của Thành Nhà Hồ

Theo phó giáo sư-tiến sĩ Tống Trung Tín, viện trưởng Viện khảo cổ học, trước tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh, các di tích thường bị biến mất hoặc bị biến dạng đi rất nhiều, nhưng di tích Thành Nhà Hồ về cơ bản vẫn còn.

Nét nổi bật nhất của Thành Nhà Hồ là tòa hoàng thành được xây dựng bằng đá lớn với những khối đá hình khối chữ nhật khổng lồ nặng trên 10 tấn đến hơn 20 tấn, các cổng thành bằng đá cuốn vòm. Những khối đá này được ghép lại bằng kỹ thuật thủ công, xếp lên nhau không cần đến vôi vữa tạo nên một bức thành rất đồ sộ, chắc chắn và hiếm có.

“Có thể nói, chưa có tòa hoàng thành bằng đá nào trên thế giới có những đặc điểm như vậy,” ông Tín nhấn mạnh.

Ông Tín cũng cho biết, đến nay có nhiều ý kiến diễn giải khác nhau cố để làm rõ cách người xưa đã làm thế nào để xây được tòa hoàng thành này nhưng nó vẫn hoàn toàn còn là bí ẩn.

Mặc dù nhiều chứng tích trên mặt đất của Thành Nhà Hồ bị biến mất nhưng ở dưới lòng đất vẫn tồn tại nhiều và còn tốt. Ví như, khi khai quật Đàn tế Nam Giao, nơi vua thường đến tế lễ, người ta đã tìm lại được mặt bằng còn khá nguyên vẹn.

Ngoài ra, thăm dò trong thành và ngoài thành, còn nhiều loại hình di tích khác nhau như các kiến trúc cổ, con đường hoàng gia, các dấu tích cug điện, đường đi lối lại và hào thành…

Ông Tín cho rằng, tổng thể di tích này phản ánh đặc điểm của lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 là có sự giao lưu và tiếp thu văn hóa của các nước trong khu vực nhưng lại tạo ra những nét đặc sắc hiếm có của thời mình.

Bài toán bảo tồn, phát huy

Theo ông Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, việc bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ có thuận lợi hơn so với Hoàng Thành Thăng Long ở chỗ nó còn một phần tồn tại trên mặt đất bởi những vòng thành bằng đá. Chất liệu đá làm nên vòng thành đã chứng minh được sự trường tồn của nó.

Tuy nhiên, ông Trí cũng cho biết, việc bảo tồn di sản này không phải không có thách thức khó khăn. Đến nay, nhiều chỗ của Thành Nhà Hồ đã bị sạt lở, nhiều đoạn cổng thành đã bị hư hại.

Bên cạnh đó, phía bên trong vòng di tích đã biến thành đồng ruộng, các đường đi nên các chứng tích còn lại chủ yếu nằm dưới mặt đất. Việc bảo tồn dưới lòng đất về cơ bản vẫn giữ được nhưng khi phát lộ khai quật nó sẽ phải đối mặt với tác đông của môi trường, của con người.

Đặc biệt, hiện nay có tuyến đường đi giữa đoạn thành để làm đường dân sinh, dân cư sống xung quanh chưa giải phóng hết ra khỏi khu vực. Đây cũng là thách thức trong vấn đề bảo tồn. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển đô thị, phát triển nền kinh tế, nhất là yêu cầu sinh hoạt hiện nay cũng là một trong những mối lo tiềm ẩn đối với di sản.

Tuy nhiên, ông Trí cho rằng, để bảo tồn và phát huy được di sản Thành Nhà Hồ, chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, lâu dài được xây dựng dựa trên tầm nhìn mang tính chiến lược. Chiến lược đó phải được triển khai trên tổng thể và đi theo lộ trình với những hành động cụ thể và tháo gỡ những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài.

Trước hết, Thành Nhà Hồ phải được xem xét dựa trên lịch sử cư trú, đặc thù dân cư và xem xét những tác động trực tiếp đến di sản này có nguy hại hay không, nếu nguy hại thì nguy hại đến mức độ nào…

Ông Trí cũng khẳng định, phát huy giá trị di sản phải hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là phải quảng bá, tuyên truyền những giá trị lịch sử văn hóa của di sản dựa trên những thành quả nghiên cứu khoa học để quảng đại quần chúng nhân dân hiểu biết về di sản đó.

Đã có nhà khảo cổ học cho rằng để phát huy được giá trị của Thành Nhà Hồ thì cần kết hợp chặt chẽ di sản này với du lịch. Ví như việc sớm hình thành các tour du lịch liên hợp, khép kín từ biển Sầm Sơn nổi tiếng đến Cầu Hàm Rồng huyền thoại rồi đến điểm nhấn là Thành Nhà Hồ…

Ông Doãn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, bên cạnh việc di dời một số hộ dân trong vùng lõi di tích Thành Nhà Hồ, tỉnh cũng quan tâm đến việc gắn kết Thành Nhà Hồ với công tác du lịch. Hiện nay, một số nghề thủ công đặc sắc của xứ Thanh như đúc trống đồng, đúc súng thần công đang được chuẩn bị để thực hiện tại thành phục vụ du khách...

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất