| Hotline: 0983.970.780

Đi tua

Thứ Năm 07/06/2018 , 08:41 (GMT+7)

Tùng là con người của thời bao cấp. Nói đúng hơn, là người sót lại của thời bao cấp. Gã làm công nhân cho một nhà máy cơ khí. Cái nhà máy này cũng có một khu nhà tập thể. Xập xệ thôi, nhưng là chỗ chui ra chui vào sau ca làm việc mệt nhọc, thì cũng là chỗ lý tưởng rồi.

Có gia đình, được một căn hộ. Hai mươi mét vương thôi. Riêng hộ độc thân, cứ bốn anh một hộ” Bốn cái giường cá nhân. Nếu trong số bốn anh, có anh xây dựng gia đình, thì sẽ được xếp một căn hộ mới, hoặc khá giả thì đi mua nơi khác ở.

 Cái dịp may cho Tùng, căn hộ của gã, một thằng về quê, một thằng lấy vợ, nên chỉ còn gã với Toán. Đã có lần Toán nói với Tùng: “Ông chi cho tôi mấy “sọi”, tôi đi chỗ khác. Thế là ông được ở trọn vẹn. Sướng nhé”. Nhưng Tùng không nghe. Bởi vì, Toán chả mấy khi ở tập thể. Năm thì mười họa hắn mới ở. Căn phòng rốt cuộc chỉ có mình Tùng. Vậy tội gì mất tiền cho hắn?

Rồi cuộc sống đổi thay. Đáng buồn cho Tùng, là sự đổi thay theo chiều hướng xấu. Nhà máy làm ăn thua lỗ, không có tiền trả lương cho công nhân, vận động công nhân về một cục. Đã không có lương, có một cục mang về quê, mua lấy mảnh vườn, chí ít cũng được cái xe máy, chả hơn ư? Thế là Tùng xin nghỉ một cục.

Tùng mang một cục về quê cho vợ. Hồi mới về, vợ bàn xin thêm ông bà, mua lấy miếng đất làm nhà ở riêng. Tùng không nghe, đầu tư thuê ao nuôi cá. Không ngờ trận lụt năm ấy, cá mất hết. Thế là trắng tay. Tùng phải sống nhờ sự bao cấp của vợ.

Một vợ, nuôi ba đứa con, thêm ông chồng là bốn. Trông mong vào mấy sào ruộng, làm sao đủ sống? Vợ bảo, hồi anh làm ngoài ấy, bạn bè nhiều, thử xem có ai khá giả, nhờ vả họ… Tùng thấy ăn bám vợ mãi cũng ngượng, bèn khăn gói ra đi.

Đầu tiên đến nhà một anh bạn vào loại thân nhất để dốc bầu tâm sự. Nhưng với người bạn hai mươi năm trước, bây giờ, nó khác nhau lắm. Vả lại, ai cũng có cuộc sống riêng, ở một ngày thì vui vẻ. Ngày thứ hai , đã thấy nhạt nhẽo. Ngày thứ ba, thì họ không bảo, mình cũng phải đi. Đến để có bữa ăn đã khá, thì việc nhờ vả, xin việc cho, là điều không thể. Mà bây giờ, lại quay về ăn bám vợ, thì có mà mặt dày. ..

Tùng nghĩ ra một cách khác khả thi hơn. Ngồi nhẩm tính, riêng số người quen ở nhà máy, đã có hơn hai chục. Lại bạn ở quê ra Hà Nội sinh sống, bạn sinh hoạt văn nghệ (hồi đi làm, Tùng cũng có chút năng khiếu hát hò). Tính ra phải hơn ba chục người. Thôi! Cứ mỗi tháng một lần, thì chí ít cũng có thể chấp nhận được. Thời buổi bây giờ, bữa cơm, bữa rượu nó quá đơn giản, đâu còn như thời bao cấp? Ấy chính là cái cách “đi tua” mới xuất hiện ở đất Bắc này.

Vậy là một cái túi xách, một cái mũ lưỡi trai, một đôi giày thể thao lỗi mốt, Tùng cứ thế hành trình cuộc đi "tua”, rong ruổi không chỉ Hà Nội, còn quanh các tỉnh, miễn là nơi đó có bạn bè…

Một ngày cuối năm, Tùng chợt nhớ đến Cải, anh bạn cùng phân xưởng trước đây và cũng cùng quê. Cải thì không thân lắm, nhưng với Tùng bây giờ thì dù thân hay sơ, cũng đến. Làm gì còn có sự “kén cá chọn canh”? Không ngờ, Cải tiếp đãi rất thân tình.

Cải nói: “Còn định đi "tua” đến bao giờ nữa? Nhiều tuổi rồi. Già rồi. Phải neo đậu đi. Tao có thằng em họ, hiện làm Chủ tịch huyện. Tao đã liên hệ trước, để lo cho mày cái chân bảo vệ ủy ban huyện. Lương bèo bọt thôi. Nhưng có chỗ làm, có thu nhập, không phải ăn bám vợ nữa. Ban đêm làm, ban ngày cũng giúp được vợ con chút đỉnh. Mà cái chính không đi vất vưởng, thực chất là xin bữa cơm như bây giờ. Nghe rõ chưa?”.

Tùng bắt tay Cải, lắc lắc, miệng cười cười, mà tự nhiên nước mắt cứ ứa ra…

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất