| Hotline: 0983.970.780

Đi từng bước chắc chắn

Thứ Sáu 15/11/2013 , 10:10 (GMT+7)

Bình Điền không chỉ bán phân bón, mà còn là nhà cung cấp cả một giải pháp trong SX nông nghiệp, giúp nông dân canh tác ngày càng hiệu quả…

Đầu tháng 11 vừa qua, Cty CP Phân bón Bình Điền tổ chức tập huấn cho 35 đại lý phân phối phân bón cấp 1, đánh dấu bước chuẩn bị chín muồi sau một năm rưỡi, để bắt đầu đưa các sản phẩm mang thương hiệu Đầu Trâu - Bình Điền - Việt Nam từng bước chiếm lĩnh thị trường phân bón Myanmar.

Tiềm năng lớn

Đó là khẳng định của ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty Bình Điền khi nói về thị trường phân bón hiện nay tại Myanmar. “Bình Điền sớm nhận ra điều này ngay sau khi đất nước Myanmar mở cửa hội nhập với thế giới”.

Myanmar có 10 triệu ha trồng lúa. Những năm 50 của thế kỷ trước, đất nước này từng dẫn đầu thế giới về XK gạo, với lượng xuất trên 3 triệu tấn/năm; nhưng do nhiều nguyên nhân, lượng XK gạo của nước này chựng lại. Năm 2012 chỉ còn xuất được 1,5 triệu tấn gạo và 2 triệu tấn đậu các loại.

“Quyết tâm của Chính phủ trong thời gian tới phải đưa Myanmar trở lại TOP đầu những nước XK gạo trên thế giới”, ông Myo Aung Kyaw, Tổng Thư ký Hiệp hội lúa gạo, Tổng Đại lý phân bón Đầu Trâu tại Myanmar nói.

Cũng theo ông Myo, mỗi năm Myanmar cần cả chục triệu tấn phân bón, trong khi năng lực SX trong nước rất yếu, chỉ đạt khoảng 400 ngàn tấn/năm, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đức, Thái Lan… Vậy làm sao Đầu Trâu có thể “nhảy vào”?

Ông Phong cho biết: “Bình Điền không sợ vì phân bón Đầu Trâu có nét riêng, có sản phẩm chuyên dùng với những hoạt chất độc quyền như chất chống thất thoát đạm (Agrotain), chất tăng hiệu quả sử dụng lân (Avail), chất Penac P giúp cây tăng cường phát triển bộ rễ, chống lại điều kiện bất lợi như giá lạnh, hạn hán… rồi đầy đủ các chất trung, vi lượng cần thiết cho từng loại, từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.

Bình Điền không chỉ bán phân bón, mà còn là nhà cung cấp cả một giải pháp trong SX nông nghiệp, giúp nông dân canh tác ngày càng hiệu quả…”.

Đi từng bước chắc chắn

Với kinh nghiệm được đúc rút từ những thành công tại Campuchia và Lào, quan điểm mà lãnh đạo, TGĐ Cty Bình Điền đặt ra với thị trường phân bón Myanmar là phải đến trước, phải là người đầu tiên cắm lá cờ phân bón Việt Nam tại đây, nhưng lại không vội vã.

Năm 2012, bắt đầu bằng đoàn nhiều nhà khoa học chuyên ngành về đất, phân bón như PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam của Trung tâm KNQG, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón & môi trường phía Nam; GS.TS Mai Văn Quyền, nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp miền Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn KHKT Cty Bình Điền…cùng đoàn xúc tiến thương mại TPHCM bay sang Yangon, thủ đô Myanmar.

Tại đây Bình Điền đã tổ chức một cuộc hội thảo, giới thiệu các sản phẩm phân bón chất lượng cao của mình trước gần 100 cử tọa là cán bộ chuyên ngành nghiên cứu về đất, phân bón, các cục, viện thuộc Bộ Nông nghiệp & thủy lợi Myanmar cùng 50 đại lý phân bón trên cả nước và đã lựa chọn được đối tác làm Tổng đại lý phân phối độc quyền phân bón Đầu Trâu.

Đó là ông Myo, Tổng Thư ký Hiệp hội lúa gạo Myanmar và Viện Nghiên cứu về đất, phân bón, khu SX lúa công nghệ cao với tên gọi “Cánh đồng của Tổng thống”, của Bộ Nông nghiệp & thủy lợi, cùng hàng chục điểm SX đối chứng trên các vùng sinh thái điển hình của đất nước Myanmar.

Các nhà khoa học VN do Bình Điền tổ chức đã khảo sát kỹ lưỡng sinh thái các vùng đất và đưa 20 tấn sản phẩm đã tới 3 khu vực SX thực nghiệm, với hàng chục điểm trình diễn đối chứng trên lúa mùa, lúa lai và lúa cao sản, được giới khoa học và nhà nông nhiệt tình hưởng ứng.

Đến nay, qua 3 vụ SX, kết quả đạt được rất đáng phấn khởi. Năng suất lúa thu được cao hơn so với SX truyền thống có nơi đến 300%, có nơi 150%... tính trung bình là 35%. Chi phí SX không tăng nhiều so với cách SX truyền thống. Nông dân tham gia mô hình rất phấn khởi.

Bà Daw Htwe ở làng Ahlyinlo Village, ngoại ô Nay Pyi Taw sở hữu 10 ha trồng lúa, sau một vụ tham gia SX thử nghiệm đối chứng với phân bón Đầu Trâu, đã tỏ ra sốt ruột, đề nghị Bình Điền đưa ngay phân bón Đầu Trâu sang.

Về thủ tục pháp lý, Bình Điền mời ông Myo sang Việt Nam gặp gỡ lãnh đạo, thăm các nhà máy SX của Bình Điền và nhiều cánh đồng mẫu lớn mà Bình Điền tham gia tại ĐBSCL đang SX rất hiệu quả.

Tiếp đó là những chuyến viếng thăm, chào hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & thủy lợi Myanmar, gặp gỡ các cơ quan chuyên ngành, các viện nghiên cứu nông lâm nghiệp, ký kết hợp đồng ghi nhớ với đối tác và đăng ký bản quyền lưu hành 7 sản phẩm phân bón Đầu Trâu trên lãnh thổ Myanmar, gồm: Đầu Trâu lúa 1, Đầu trâu lúa 2, Đầu Trâu tăng trưởng, Đầu Trâu chắc hạt, Đầu Trâu 215, 16-16-8 +9S+TE, Đạm hạt vàng 46A+, DAP 46P+.

Tập huấn đại lý, bước chuẩn bị quan trọng

Đại lý là người trực tiếp với nông dân nên việc tập huấn cho đại lý trở nên chuyên nghiệp, có đủ kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, thương mại được Bình Điền ưu tiên. Các bài giảng do các Giáo sư, Tiến sỹ của VN phụ trách đã mang lại hiệu quả cao.

Bà Su Su Win, GĐ Viện Nghiên cứu về đất, phân bón (Bộ Nông nghiệp & thuỷ lợi Myanmar) ngạc nhiên: “Lần đầu tiên tôi được dự một lớp học như thế này. Nó rất tốt cho những người phân phối phân bón”.

Ông U Thein Win ở Nay Pyi Taw nói: “Chưa biết gì về phân bón Đầu Trâu, nhưng qua lớp học này thì hiểu và rất thích, tôi về sẽ đăng ký bán hàng này ngay và hướng dẫn nông dân sử dụng”.

Khi kết thúc lớp học thì chuyến hàng 500 tấn sản phẩm phân bón đầu tiên của Bình Điền cũng đã vừa cập cảng Myanmar. Có chủ đại lý xin nhận cả lô hàng, nhưng ông Myo không chịu, phải để chia đều cho các nơi.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.