Tôi bản tính thích lang thang. Có ba lý do. Một là thích khám phá những vùng đất hoang dã và cảnh đẹp thiên nhiên. Hai là thích gặp những con người bình thường nhưng có cá tính cũng như cuộc sống khác lạ. Hai lý do đó giúp cho "Đi và viết" của mình.
Còn lý do thứ ba là tôi là người đàn ông tự do rất mê phụ nữ đẹp, hy vọng những chuyến đi ấy sẽ quen và tình tang với các nàng. Cái lý do này không hiện hữu trong bất cứ bài viết nào nhưng lại là nguồn cảm hứng ngầm tạo nên xúc tác cho các bài viết đó.
Tôi về phụ san Kiến Thức Gia Đình theo lời "dụ" của Lê Nam Sơn khi đó là Tổng biên tập báo Nông Nghiệp Việt Nam. Lê Nam Sơn về nhà tôi ở Nhà Bè xem nhà tôi, lối sống, phong thủy rồi mới quyết định ngỏ lời. Lê Nam Sơn bảo trao ông toàn quyền nội dung Kiến Thức Gia Đình.
Tôi từ chối vì làm nội dung, bám tòa soạn thì làm gì tứng tẩy làng thang được nữa. Tôi giới thiệu nhà báo Lý Quí Chung - Chánh Trinh, một nhà báo đồng thời là nhà tổ chức báo tài năng của Sài Gòn sẽ lo nội dung tòa báo và công việc tòa soạn.
Rất may cả ông Lý Quí Chung và ông Lê Nam Sơn đều hào hứng với đề nghị trên. Và thế là tôi vô tư cứ thích là lên đường miễn là cứ mỗi số báo có một ghi chép gì đó dâng hiến bạn đọc.
Tôi không còn nhớ bài viết đầu tiên là bài nào, nhưng tôi nhớ như in chuyên mục tôi viết được Lý Quí Chung đóng khung: Đi và viết. Tôi thích cái tên chuyên mục đó vì nó mở biên hết cỡ các thể loại cho tôi viết khi thì như tản văn, khi thì như phóng sự, khi thì như ghi chép dọc đường.
Phải nói rằng Ban Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam và phụ san Kiến Thức Gia Đình lúc đó gồm Lê Nam Sơn, Trịnh Bá Ninh, Hà Xuyên, Phí Văn Điển rất tôn trọng toàn quyền xét duyệt nội dung Kiến Thức Gia Đình của Lý Quí Chung.
Còn anh chàng nhà báo Chánh Trinh, tức Lý Quí Chung - cựu Tổng trưởng Thông tin của Chính phủ Dương Văn Minh thì rất tôn trọng văn phong, cách viết và nội dung các bài viết của tôi.
“Đi và viết” của tôi hầu như không hề bị sửa một chữ hoặc bắt biên tập lại. Những ngày “Đi và viết” ở Kiến Thức Gia Đình, tôi là tay nhà báo gần như sướng nhất ở Việt Nam lúc đó là muốn đi đâu thì đi, muốn viết gì thí viết chả phải duyện đề tài gì sất.
Có kỉ niệm vui vui, tôi thỉnh thoảng thêm dấm thêm ớt mông má các cô gái mà tôi gặp cô nào cũng xinh đẹp cả. Nhưng có một bài về một em tôi gặp ở hồ Thác Bà (Yên Bái), tôi ca ngợi em xinh đẹp lắm, nhưng lại ngớ ngẩn đưa hình em lên. Thế là tôi bị bà con ném đá. Lão Văn này mắt toét, em ấy mà xinh đẹp à? Từ đó tôi tiết chế sự phóng khoáng túng tẩy của mình lại khi tả các em.
Có kỉ niệm nữa, tôi viết loạt bài về Điện Biên Phủ, tôi đã phân tích không có chuyện Phan Đình Giót lấy thân mình chủ động lấp lỗ châu mai mà Phan Đình Giót đã anh dũng hy sinh khi đến sát lô cốt của giặc, cũng như không có chuyện Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo mà chỉ có Tô Vĩnh Diện dũng cảm bẻ càng lái của pháo và bị càng hất ngã xuống bánh xe pháo rồi bị bánh xe pháo đè lên.
Tôi có những chứng cứ và nhân chứng về những hành động trên. Tôi phân tích do trận Điện Biên Phủ quá ác liệt nên sau 15 ngày trận chiến xảy ra quân ta đã nao núng, nhiều chỉ huy đơn vị cho quân rút lui.
Trước thế trận như vậy, tướng Giáp đã cử tướng Lê Liêm, chủ nhiệm chính trị của Mặt trận tổ chức chỉnh huấn, chỉnh quân củng cố tinh thần cho bộ đội bằng việc chi viện lớn hơn của hậu phương và tin vui cải cách ruộng đất gia đình bộ đội được chia ruộng, phấn khởi đồng thời phát động phong trào học tập các tấm gương anh hùng. Tấm gương Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót được đẩy lên thành lấy thân chèn pháo và lấp lỗ châu mai.
Loạt bài “Đi và viết” về Điện Biên Phủ gây chấn động. Phụ san Kiến Thức Gia Đình bị soi và có những phê phán từ cấp trên. Lý Quí Chung tỏ ra lo lắng cho tôi và cho sự an toàn của tờ báo.
Tôi bảo, tôi viết, tôi chịu trách nhiệm. Nếu thấy tôi viết sai, cấp trên cứ đưa ra chứng cứ và kỷ luật tôi. Tôi chấp nhận treo bút và xóa sổ chuyên mục “Đi và viết” của tôi.
Tôi đã gửi ý kiến của tôi cho cấp trên. Rất vui là sự cố ấy được bỏ qua. Tôi lại túng tẩy lên đường và lại mỗi kì báo có một bài “Đi và viết” cho bạn đọc.
Còn một sự cố rất nghiêm trọng nữa sau đó. Tôi đến thành cổ Quảng Trị, gặp đại úy Lê Mai từng là đại đội trưởng đại đội cao xạ pháo phòng không mà Nguyễn Viết Xuân là chính trị viên phó và anh dũng hy sinh.
Đại úy Lê Mai thề với tôi rằng những gì ông kể là sự thật, vì nếu không kể sự thật này thì lương tâm ông cắn rứt và ông phải ra tòa án binh để chịu xét xử. Ông Lê Mai kể cùng một số chứng cứ, logic, tôi tin lời ông vì nó hợp lý và tôi viết “Đi và viết” một bài có nhan đề “Sự thật về Nguyễn Viết Xuân”.
Ông Lê Mai khẳng định Nguyễn Viết Xuân đã anh dũng hy sinh nhưng hoàn toàn không như báo chí viết.
Tôi đã ghi chép nguyên văn lời kể của đại úy Lê Mai vào bài “Đi và viết”. Báo in. Lại tạo sự cố. Tôi lại cam kết mình chịu trách nhiệm trước sự thật lịch sử này. Tuy vậy tôi biết mình lại gây rắc rối cho Kiến Thức Gia Đình một lần nữa. Lý Quí Chung chỉ an ủi tôi: “Thôi, chúng mình nên tự kiểm duyệt ông Văn ạ…”.
Khi viết lại những kỉ niệm “Đi và viết” này, tôi không khỏi thầm cảm ơn Ban Biên tập báo Nông Nghiệp Việt Nam đã rất ủng hộ những gì sự thật của lịch sử để hậu thuẫn cho tôi và bảo vệ những trang viết của tôi.