| Hotline: 0983.970.780

Dịch bệnh đe dọa cà phê Tây Nguyên

Thứ Năm 04/08/2011 , 10:50 (GMT+7)

Người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang phải đối mặt với một vụ cà phê đầy rẫy sâu bệnh.

Niên vụ cà phê vừa qua đã mang lại nụ cười cho người trồng cà phê ở Tây Nguyên bởi, giá cà phê trên thị trường liên tục tăng cao từ 40.000 đồng/kg đến mức kỷ lục 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, niềm vui chỉ tày gang khi mà người trồng cà phê ở đây đang phải đối mặt với một vụ cà phê đầy rẫy sâu bệnh.  

Ngay trong đợt cao điểm tưới cà phê, gặp trận nắng nóng kéo dài, không đủ nước tưới; tiếp đến là mùa mưa đến sớm với lượng mưa lớn, kéo dài làm xuất hiện dịch bệnh do các loài côn trùng sinh trưởng và gây hại trên cây cà phê.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước với khoảng trên 190.000ha (trong đó gần 180.000 ha đang cho thu hoạch). Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh này, hiện trên địa bàn tỉnh, tình trạng sâu bệnh hại cây trồng đang ở mức báo động, đặc biệt là trên cây cà phê. Bệnh rệp sáp hại quả điều tra trên 147 ha cà phê tỷ lệ hại 10-25%; rệp sáp mềm xanh điều tra tại 38 ha, tỷ lệ hại 10-20%; bệnh gỉ sắt tại 38 ha 10-25%; mật độ ve sầu 5-8 con/m2; bệnh thối rụng quả từ 4-17%… Các huyện bị nặng như Cư M’Gar, Ea Súp, Krông Ana, Lak, M’Drak, Ea Kar, Krông Bông…

 Tình hình trên chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cà phê trong vụ tới. Tại các huyện kể trên, mỗi huyện đã có từ 500 đến 1.000 ha cà phê kinh doanh trong niên vụ 2011-2012 đang bị rệp sáp gây hại. Theo phản ánh của một số hộ dân tại Đắk Lắk, do thời tiết năm nay biến động nên tỷ lệ sâu bệnh trên cây cà phê cao hơn năm ngoái và vào khoảng từ 25-30% (năm 2010 là 15-20%).

Ông Nguyễn Huy Phát - Chi cục Bảo vệ thực vật Đắk Lắk cho biết, ngành đã phát hiện 16 loài dịch hại, tập trung ở 12 họ của 6 bộ côn trùng, trong đó có những loài sâu hại thường xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây cà phê, gây tác hại kinh tế nghiêm trọng là giảm năng suất, chất lượng quả cà phê. Các loại dịch hại này chủ yếu gồm rệp sáp mềm xanh, rệp sáp hại quả, rệp sáp hại rễ, rệp muội, sâu đục thân, mọt đục cành, thân, đục quả cà phê.

Chi cục Bảo vệ thực vật Đắk Lắk còn cho biết thêm, dịch ve sầu hại cây cà phê đang có xu hướng phát triển và lan rộng trên địa bàn từ năm 2005 đến nay. Tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh đều có những vườn cà phê bị ve sầu phá hoại với mức độ khác nhau. Trong đó, các huyện Krông Buk, Krông Pách, Cư M'gar, Buôn Đôn, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột bị ve sầu phá hoại cà phê nhiều. Mật độ tại các vùng biến động 92 con ve sầu/gốc cà phê với tỉ lệ cây bị hại chiếm 94,3%. Tuy nhiên, một số vùng nhiễm với mật độ từ 500 đến 800 con ve sầu/gốc cà phê. Thời điểm có mật độ cao từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hàng năm. 

Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã cảnh báo mùa mưa năm nay, tình trạng sâu bệnh vẫn có nguy cơ tăng cao, nhiều loại cây trồng rất có khả năng mất trắng.

Những vườn cà phê ở Gia Lai cũng không kém bi đát khi mà, cây cà phê đang trong giai đoạn nuôi quả non, gặp mưa nhiều khiến cây thiếu ánh sáng, độ ẩm cao dẫn đến rụng quả. Gia đình ông Nguyễn Văn Thành (xã Gla, huyện Đăk Đoa) có trên 1 ha cà phê. Từ cuối tháng 6/2011 đến nay, quả rụng đầy gốc khiến ông vô cùng hoang mang.

Trước tình hình trên, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các Trạm Bảo vệ thực vật các huyện có trồng cà phê, hướng dẫn nhân dân cách phòng trừ bệnh rụng quả; tập trung xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để có giải pháp phòng trừ đúng. Đồng thời thường xuyên cảnh báo, vận động nông dân tích cực tỉa cành, bấm chồi, tạo ánh sáng cho cây cà phê nuôi quả…

Tuy nhiên, những trận mưa lớn vào dịp cao điểm của mùa mưa Tây Nguyên tới đây như đang trút những mối lo lớn về một mùa cà phê thất thu xuống đầu người trồng cà phê ở đây.

Ông Thành than vãn: “Năm nay khốn đốn rồi đây. Đầu vụ bị nắng hạn làm cạn kiệt nước tưới khiến cà phê sinh trưởng kém. Đến thời kỳ nuôi quả non thì liên tục mưa, làm cho cây bị bệnh rụng quả. Tình trạng này mà kéo dài thì vụ thu hoạch tới, mất mùa là cái chắc”. Còn ông Puih Phích (dân tộc J’rai) ở vựa cà phê Ia Sao (huyện Ia Grai) thì chỉ còn biết trông trời: “Vườn cà phê nhà tôi rụng quả nhiều quá. Mong sao cho ông trời bớt mưa để tránh mất mùa!”.

Không riêng gì ông Thành, ông Phích mà hầu hết những người trồng cà phê ở Gia Lai, ở Tây Nguyên đều chung cảnh ngộ khi mà những vườn cà phê đang ra quả non bời bời, bỗng chốc rụng sạch. Ở Gia Lai, các huyện trọng điểm cà phê như Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Chư Pah… vừa phải gánh chịu hậu quả nặng nề do nắng hạn, làm khoảng 10.000 ha cà phê bị thiếu nước tưới nghiêm trọng, gây thiệt hại trên 200 tỷ đồng. Vậy mà hơn một tháng nay, mưa kéo dài với lượng mưa lớn khiến trên 3.000 ha cà phê mắc bệnh rụng quả sinh lý với tỷ lệ rụng từ 4,8-20%.

 Đây cũng mới chỉ là bắt đầu giai đoạn rụng quả, cây bị bệnh này nặng nhất vào tháng 8 và tháng 9, bởi đây là thởi điểm có nhiều trận mưa lớn, kéo dài.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất