| Hotline: 0983.970.780

Dịch bệnh đe doạ "làm cỏ" hàng ngàn ha cao su xứ Quảng

Thứ Sáu 16/04/2010 , 11:03 (GMT+7)

Chưa kịp “ngóc đầu dậy” sau trận cuồng phong cuối năm ngoái thì nay cả ngàn ha cao su lại dính dịch bệnh.

Trận cuồng phong cuối năm ngoái đã dập vùi vườn cao su Quảng Nam tơi tả, để lại hàng trăm ha cây cao su đổ gãy. Chưa kịp “ngóc đầu dậy” thì nay cả ngàn ha cao su lại dính dịch bệnh.

Dịch lan cấp số nhân 

Trận bão kinh hoàng đã “cướp” trắng của Cty Cao su Quảng Nam 456ha cao su đại điền, đó là chưa kể còn hàng trăm ha cao su tiểu điền của người dân. Riêng Cty Cao su Quảng Nam tổng thiệt hại lên tới 16 tỷ đồng, đây là con số rất lớn đối với một Cty cao su còn “non trẻ”. Chưa kịp trồng lại diện tích bị ngã đổ, thì nay các vườn cây cao su lại bị bệnh nấm Corynespora tấn công dữ dội. Những ngày này, tất cả cán bộ kỹ thuật và lực lượng công nhân tại 6 Nông trường thuộc Cty Cao su Quảng Nam đều gác lại việc khai thác mủ, bón phân để tập trung cao độ phòng chống dịch, bảo vệ vườn cây.  Thế nhưng, số diện tích cao su đại điền bị nhiễm bệnh vẫn cứ tăng lên theo cấp số nhân.  

Vườn cây cao su tại Quế Lưu bị nấm Corynespora tấn công

Ông Nguyễn Duy Phúc, GĐ Cty Cao su Quảng Nam vừa đi xuống vườn cây chỉ đạo dập dịch về, gặp chúng tôi ông buồn bã thông báo vắn tắt: Tính đến ngày 15/4, diện tích cao su toàn Cty bị nhiễm bệnh lên tới 72,9 ha, toàn bộ diện tích bị nhiễm đều thuộc giống RRIV4. Đây đều là số cao su này đang kiến thiết cơ bản cũng như đã cho mủ đều bị nấm Corynespora gây hại nghiêm trọng.

Anh Trần Văn Huấn, Trưởng phòng kỹ thuật, Cty Cao su Quảng Nam cho hay: Bệnh nấm Corynespora bắt đầu xuất hiện trên cây cao su tại Quảng Nam từ tháng 6/2009, nhưng nó chỉ xuất hiện rải rác ở một số diện tích nhỏ, tuy nhiên từ tháng 1/2010 đến nay dịch bệnh lây lan với tốc độ cực nhanh. Đến nay đã có gần một nghìn cây cao su của Cty đã bị chết khô do nấm Corynespora gây ra. Số diện tích cao su tại Quảng Nam bị nhiễm bệnh xuất hiện tại tất cả các địa phương như: Hiệp Đức, Phước Sơn, Núi Thành, Nông Sơn...Trong đó, gần 220ha cao su ở Nông trường Trà Nô, xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức đang rơi vào tình trạng “báo động đỏ”. Theo anh Huấn thì triệu chứng của cây cao su bị nấm Corynespora tấn công đầu tiên là gân lá bị khô sau đó đầu lá bị khô dần dẫn tới lá bị rụng.

Ngay sau khi bùng phát, đại dịch nấm Corynespora nhanh chóng lan rộng ra nhiều vườn cao su tiểu điền khác ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn Hiệp Đức khiến cả trăm hộ dân như ngồi trên đống...lửa. Gia đình anh Võ Đình Trung ở thôn 5, xã Quế Lưu, huyện Đức Hiệp có 3ha cao su đã 3 tuổi, anh mếu máo cho biết: Khoảng nửa tháng trước tôi đi thăm vườn cao su thấy lá non phát triển bình thường. Do đang trong mùa thay lá nên vừa qua tôi cũng ít đi thăm vườn cây, nào ngờ mấy hôm trước ra thăm lại thì thấy lá rụng hết, tá hoả tôi đến hỏi ngành nông nghiệp huyện thì được biết vườn cây nhà mình bị nhiễm nấm Corynespora.  

Ngày nghỉ cũng chống dịch

Ông Trần Thọ, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Hiệp Đức cho biết: Đến nay người dân Hiệp Đức đã trồng được gần 500 ha cao su tiểu điền. Tính đến ngày 14/4, diện tích cao su bị nhiễm bệnh đã lên tới gần 100ha, trong đó một số vườn cây 2-3 năm tuổi bắt đầu khô đọt, chết rải rác. Ông Thọ cho rằng, nếu không nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống hữu hiệu thì diện tích cao su nhiễm bệnh sẽ không dừng lại ở con số vừa nêu và đặc biệt là những vườn cây cao su của người dân trị giá hàng trăm triệu sẽ biến thành...củi.

Theo ông Trần Duy Phúc, dù có dập được dịch thì vườn cây bị nhiễm nấm Corynespora vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sau khi lá non mọc lên bị rụng, khi phun thuốc lá tiếp tục mọc ra nhưng lá đợt này rất nhỏ và mỏng. Đối với diện tích cao su đang khai thác mủ sẽ bị giảm năng suất ít nhất là 50% sản lượng mủ, còn với những vườn cây đang trong thời kỳ kiến thiết thì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh trưởng.

Có dịch bệnh thì phải phun thuốc phòng trừ, tuy nhiên việc phun thuốc BVTV đối với cây cao su là việc làm rất khó khăn bởi cây cao su cao từ 10 - 15m phun thuốc đâu có dễ. Để phun được thuốc lên tới ngọn cây thì phải dùng máy bơm áp lực, do vậy Cty Cao su Quảng Nam đã phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng mua về hàng chục máy phun áp lực cao, bơm lắc tay và cả nghìn lít thuốc đặc hiệu Carbenzim 500FL, Saizole 5SC, dầu khoáng SK Ensplay 99 (chất bám dính) để phun trừ nấm Corynespora trên 720,9ha đã nhiễm bệnh, đồng thời phun phòng cho 255 ha cao su khác đang có nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo anh Trần Văn Huấn, để công tác này mang lại hiệu quả cao thì cứ 10 ngày phải phun một lần. Không chỉ vậy, những ngày qua hàng trăm công nhân của đơn vị đã đồng loạt ra quân chặt bỏ toàn bộ số cây cao su bị chết, thu gom lá rụng bỏ xuống những hố sâu đốt và xử lý bằng hóa chất để kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này. Những cây bị chết và lá rụng vẫn còn nấm Corynespora lưu lại, nếu không xử lý triệt để thì dù có bơm thuốc cho vườn cây cũng không hiệu quả.

Ông Trần Thọ cho biết: Sau khi phát hiện nhiều diện tích cao su tiểu điền của người dân bị nhiễm bệnh, bên cạnh việc cắt cử cán bộ kỹ thuật về các địa phương kiểm tra thực tế, huyện đã xuất hàng trăm triệu đồng từ nguồn ngân sách khẩn trương mua một lượng thuốc đặc hiệu cần thiết và nhiều bình xịt để hướng dẫn nông dân phun trừ nấm Corynespora. Ông Thọ bảo, do sức tàn phá của bệnh này cực kỳ lớn nên ngành nông nghiệp địa phương dồn toàn bộ lực lượng xuống cùng với dân để dập dịch kể cả cuối tuần. 

Xem thêm
Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.