| Hotline: 0983.970.780

Dịch bệnh tôm vẫn đang nóng bỏng

Thứ Ba 26/06/2012 , 14:30 (GMT+7)

Bộ NN – PTNT đã tổ chức hội nghị phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ khu vực phía Nam, tại Trà Vinh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại vùng nuôi tôm của tỉnh Trà Vinh

Hôm qua (25/6), Bộ NN – PTNT đã tổ chức hội nghị phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ khu vực phía Nam, tại Trà Vinh.

Buổi sáng, đoàn công tác do Bộ trưởng Cao Đức Phát làm trưởng đoàn đã đi thực địa vùng nuôi tôm sú bị thiệt hại nặng ở huyện Cầu Ngang, Trà Vinh. Ghé thăm hộ Nguyễn Thanh Tâm, ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông (huyện Cầu Ngang), Bộ trưởng đã hỏi thăm người dân về qui trình nuôi và tình trạng tôm chết. Ông Tâm cho biết: Quanh khu vực ao nuôi của ông thì tôm của bà con đã bị bệnh gan tụy chết sạch, chỉ riêng ao tôm 3.000 m2 của tôi là còn sống.

Hộ Huỳnh Văn Chớp, cùng ấp, có 3 ao tôm thì đã có 2 ao bị bệnh chết, còn lại 1 ao đang phát triển nhưng vẫn bị bệnh. Ông Chớp cho biết: Hai ao tôm thả nuôi ngày mùng 9 tháng 1 âm lịch được 20 ngày tuổi bị bệnh chết không còn con nào. Còn lại 1 ao đến mùng 9 tháng 2 âm lịch thả nuôi, tôm cũng bị bệnh nhưng ít hơn và cầm cự được đến nay, trọng lượng dưới 30 con/kg. Hiện tại phải sử dụng thuốc bổ gan cho tôm cầm cự chờ giá lên để thu hoạch bán. Ông Chớp đã theo nghề nuôi tôm sú được khoảng 10 năm, đã qua 3 năm nuôi tôm theo mô hình công nghiệp đều thắng lớn. Vụ tôm năm 2012 là vụ thứ 4 thì bị thất bại nặng, tôm chết mà không hiểu nguyên nhân khi qui trình nuôi đều giống như năm trước. Ông cũng không sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thuốc BVTV để diệt giáp xác, chỉ dùng Chlorine, vôi.

Buổi chiều diễn ra hội nghị. Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Cục phó Tổng cục Thủy sản, Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ cho biết: Ở Việt Nam, Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính xuất hiện tại vùng ĐBSCL từ năm 2010 và đến năm 2011 thì bùng phát thành dịch trên diện rộng, gây thiệt hại trên 97.000 ha tập trung ở các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre. Năm 2012 dịch bệnh bùng phát thêm các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Trước diễn biến của dịch bệnh, từ năm 2011, Bộ NN – PTNT đã giao cho Viện Nghiên cứu NTTS II (Viện II) nhiệm vụ khẩn cấp xác định nguyên nhân gây dịch bệnh trên tôm. Kết quả điều tra của Viện II cho thấy hầu hết các trang trại nuôi tôm không có ao lắng và ao xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Việc dùng thuốc BVTV có gốc Cypermethrin diệt giáp xác trong ao tôm khá phổ biến. Sự hiện diện của Cypermethrin trong ao nuôi tôm là một tác nhân, tuy nhiên đây không phải là tác nhân duy nhất gây hội chứng gan tụy trên tôm.

TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện II khẳng định: Bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nước lợ đã biết được nguyên nhân khá tương đối là do độc tố, nhiễm khuẩn, vi sinh vật, tảo độc… Nguyên nhân là vậy còn việc nghiên cứu sâu hơn cần phải tiếp tục làm.

Bà Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Ninh Thuận lại cho biết: Tôm chết ở Ninh Thuận không phải do thuốc có gốc BVTV vì từ lâu nay Ninh Thuận không sử dụng các loại thuốc này để cải tạo ao và ngay cả các ao trải bạt, nuôi theo qui trình vi sinh khép kín nhưng tôm vẫn chết. Bà Vân tiết lộ một thông tin: Khoảng 80% người nuôi tôm ở Ninh Thuận sử dụng con giống của CP và theo đó các ao nuôi theo qui trình truyền thống thả tôm giống CP chết 95%. Trước tình hình này, Sở NN – PTNT đã đi tìm hiểu và biết rằng nguồn giống bố mẹ của CP được đẩy tốc độ sinh sản lên quá cao nên con giống không chống chịu nổi trước sự diễn biến môi trường dẫn đến chết sớm.

Đến thời điểm này, người nuôi tôm các tỉnh trong cả nước đã thả giống 622.750 ha, trong đó có 609.994 ha diện tích thả nuôi tôm sú còn lại là tôm thẻ chân trắng. Diện tích thu hoạch là 377.114 ha, sản lượng 121.576 tấn. Diện tích tôm thiệt hại là 38.381 ha, trong đó tôm sú là 35.823 ha còn lại tôm thẻ chân trắng. Trà Vinh là tỉnh đứng đầu bảng với diện tích thiệt hại gần 10.000 ha; Cà Mau gần 9.000 ha, Sóc Trăng hơn 7.300 ha, Bạc Liêu gần 7.000 ha…

Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo: Giải pháp mấu chốt là phải làm rõ nguyên nhân, theo đó Bộ đã chỉ đạo lực lượng khoa học thuộc Viện Nghiên cứu NTTS I, II, Viện Môi trường Nông nghiệp, Cục Thú y dưới sự chủ trì của Tổng cục Thủy sản và sự hợp tác của Viện Hải dương học, Viện Công nghệ Sinh học và Đại học Cần Thơ vào cuộc quyết liệt. Phải coi đây là nhiệm vụ khẩn cấp, ưu tiên số một để sớm đưa ra qui trình khắc phục. Một mặt, chính quyền cơ sở phải chỉ đạo sâu sát. Phải khống chế Cypermethrin không chỉ trong nuôi trồng thủy sản mà kể cả trong nông nghiệp. Năm 2011, các Cty thuốc BVTV nhập khẩu 2.120 tấn Cypermethrin để phòng trừ các loại sâu trên cây lúa…

Trước tình hình này, Bộ đã chỉ đạo Cục BVTV ngưng cấp phép cho các Cty xin nhập Cypermethrin và phải tìm sản phẩm khác thay thế để hạn chế tối thiểu sự hiện diện của Cypermethrin trong môi trường. Sau hội nghị này Sở NN – PTNT các tỉnh chỉ đạo cho Thanh tra ra quân tổng thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc thú y thủy sản có gốc Cypermethrin. Sở NN - PTNT các tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh để cử cán bộ kỹ sư xuống hỗ trợ bà con, các Viện nghiên cứu cũng phải tham gia với các địa phương. Sở NN - PTNT giao ngay cho Chi cục Thú y làm đầu mối giám sát dịch tễ trên tôm, giao nhiệm vụ cho từng cơ sở và phải chịu trách nhiệm. Các tỉnh nhanh chóng rà soát lại quy hoạch để có giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi tôm; đề xuất chính sách hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm