| Hotline: 0983.970.780

Dịch bệnh, xác sống và ma cà rồng ở Hollywood

Thứ Bảy 11/04/2020 , 06:10 (GMT+7)

Một bộ phận ngành công nghiệp phim đang bùng nổ trong bối cảnh Covid-19 - những bộ phim về bệnh truyền nhiễm, đặc biệt với quy mô toàn cầu lại ăn khách.

Kate Winslet là một trong năm thành viên đoàn phim Contagion tự làm video đưa ra lời khuyên phòng chống Covid-19. Ảnh: Columbia Public Health.

Kate Winslet là một trong năm thành viên đoàn phim Contagion tự làm video đưa ra lời khuyên phòng chống Covid-19. Ảnh: Columbia Public Health.

Những sê ri phim tài liệu như "Pandemic: How to Prevent an Outbreak" (Đại dịch: Làm thế nào để ngăn chặn) trên Netflix, hay bộ phim "Contagion" (Bệnh truyền nhiễm) của đạo diễn Steven Soderbergh đang chứng kiến lượng người xem chưa từng có khi khán giả cố gắng tìm hiểu về những sự kiện đang xảy ra.

Với loạt sao hạng A bao gồm Gwyneth Paltrow, Kate Winslet, Matt Damon, Lawrence Fishburne, Jude Law và Marion Cotillard, "Bệnh truyền nhiễm" nói về sự lây lan của một loại virus bắt nguồn từ châu Á sau đó khiến nhân loại tê liệt. Tuy nhiên, tính thực tế của nó trái ngược hoàn toàn với những phim thể loại bom tấn thảm hoạ, với sự tham khảo các chuyên gia y tế từ Đại học Columbia (Mỹ).

"Tôi không muốn dựng một cảnh có đến 200 người chết", đạo diễn Steven Soderbergh giải thích trong buổi ra mắt.

"Ngay khi khán giả cảm thấy đây là một bộ phim giả tưởng, bạn đã đẩy người xem ra xa, đặt một ranh giới chắc chắn giữa họ và cảnh phim - đấy chính xác là những gì chúng tôi không muốn".

Bên cạnh đó, những bộ phim về quái vật cũng không nằm ngoài xu thế. Đây là thể loại khai thác ám ảnh bị tấn công và nhiễm một loại bệnh không thể cứu chữa. 

"Nếu bạn theo dõi phim về người sói, như tác phẩm "An American Werewolf" (Người sói Mỹ) năm 1981, bạn sẽ cảm thấy nỗi sợ bị cắn và lây nhiễm cho những người khác", nhà phê bình Nicholas Barber ở BBC Culture nói.

"Tiếp theo là phim ma cà rồng, dòng phim có liên quan nhiều hơn đến dịch bệnh. Trong bản chuyển thể "Dracula" năm 1922 hay "Nosferatu", có cảnh rất nhiều chuột cống bò ra khỏi quan tài, sau đó người dân trong làng bắt đầu chết dần. Phim về ma cà rồng thật sự nói về bệnh dịch và truyền nhiễm".

Max Schreck (phải) và Wolfgang Heinz trong phim kinh dị của F. W. Murnau, 'Nosferatu', năm 1922. Ảnh: Getty Image.

Max Schreck (phải) và Wolfgang Heinz trong phim kinh dị của F. W. Murnau, "Nosferatu", năm 1922. Ảnh: Getty Image.

Khán giả phim zombie như "28 Days Later" (28 ngày sau) của đạo diễn Danny Boyle, hay "World War Z" (Thế chiến Z) của Marc Forster với ngôi sao Brad Pitt sẽ thấy chúng được khai thác theo một hướng mới.

"Zombie từng chỉ là những cái xác sống lại và đi lảo đảo trong nghĩa trang, được dùng để bình luận về chủ nghĩa tiêu thụ và bất ổn xã hội", Barber giải thích.

"Điều đó thực sự đã thay đổi trong "28 ngày sau". Zombie được gọi là 'những người bị nhiễm', chúng không còn là xác sống, mà là những người bị virus tấn công".

Brad Pitt trong 'Thế Chiến Z'.

Brad Pitt trong "Thế Chiến Z".

"Thế Chiến Z, mặt khác, khắc hoạ sự toàn cầu hoá và cách virus không chỉ xâm chiếm một thành phố mà lan rộng khắp thế giới, chính là điều chúng ta đang chứng kiến".

Sự cô đơn của việc cách ly sau khi nhiễm bệnh đã được Hollywood đưa lên màn ảnh - nổi tiếng nhất là "I am Legend" (Tôi là Huyền thoại), do Francis Lawrence đạo diễn với sự xuất hiện của Will Smith.

Chuyển thể từ cuốn sách năm 1954 của Richard Matheson, Will Smith dường như là người cuối cùng sót lại ở New York sau khi một virus, ban đầu là phương thức chữa ung thư mới, đã giết chết hàng tỉ sinh mạng, biến con người thành dị nhân ăn thịt đồng loại được gọi là Darkseeker.

"Có lẽ tạo ra những tác phẩm phim kinh dị là cách loài người đối mặt với sự yếu thế trước virus", nhà báo Emma Jones chia sẻ.

Will Smith bắt tay người hâm mộ tại buổi ra mắt 'Tôi là Huyền thoại' năm 2007. Ảnh: Getty Images.

Will Smith bắt tay người hâm mộ tại buổi ra mắt "Tôi là Huyền thoại" năm 2007. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, ý tưởng về sự chiến thắng của tinh thần có thể đánh bại virus chết chóc đã được thể hiện lần gần nhất trong "93 Days" (93 Ngày) ra mắt năm 2016 của đạo diễn Steve Gukas với sự tham gia của Danny Glover. Phim dựa trên câu chuyện có thật về một đội ngũ y tế đã chặn đứng dịch Ebola ở Nigeria, kể cả điều đó đồng nghĩa với việc hy sinh chính bản thân họ. 

Ý nghĩ về chiến thắng của con người trước những hoàn cảnh éo le có lẽ sẽ trở thành chủ đề quen thuộc sau khi các nhà biên kịch trải qua quá trình tự cách ly.

"Có vô số ý tưởng cho các bộ phim trong tình hình dịch bệnh hiện nay", Nigel M Smith, biên tập tạp chí People bày tỏ.

"Nếu bạn chứng kiến những điều xảy ra sau 11/9, chỉ mất một năm để Hollywood ra mắt những bộ phim bắt nguồn từ sự kiện này. Đây đơn giản là xu hướng của ngành công nghiệp phim."

Nhung có lẽ giống như việc phần 2 "Thế chiến Z" bị huỷ vào năm ngoái, liệu công chúng có trả tiền để xem những cảnh phim đầy xác sống và dịch bệnh, sau khi phải trải qua virus corona?

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa làm Chủ tịch Hội văn nghệ Tiền Giang

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa vừa đắc cử Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029, trở thành người trẻ nhất cả nước giữ vị trí lãnh đạo văn nghệ địa phương.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất