| Hotline: 0983.970.780

Dịch giả Trịnh Lữ: Đến Kinh Thánh cũng còn có nhiều bản dịch

Thứ Ba 18/11/2014 , 09:17 (GMT+7)

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề dịch thuật hiện nay, PV Báo NNVN đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Trịnh Lữ./ Bản dịch hoàn hảo là bất khả

Dịch giả Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, SN 1948 tại Hà Nội) là một người tài hoa trong một gia đình trí thức - nghệ sĩ Hà Nội có nhiều người tài hoa (lời dịch giả Dương Tường). 

Ông đã chuyển ngữ thành công các tác phẩm "Cuộc đời của Pi" của Yann Martel (giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2004); "Con nhân mã trong vườn" của nhà văn Brazil Moacyr Scliar; "Rừng Na Uy" của nhà văn Nhật Haruki Murakami...

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề dịch thuật hiện nay, PV Báo NNVN đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Trịnh Lữ (ảnh).

trinh-lu-2-1150705361

Xin ông cho biết, với tư cách là độc giả, ông thích đọc các bản dịch trơn tru hay bản dịch đúng nguyên tác nhưng trúc trắc do sự khác biệt về ngôn ngữ?

Cả hai loại ấy tôi đều không thích đọc, nếu bản dịch “trơn tru” là sai lệch với nguyên tác theo hàm ý của anh; và bản dịch trúc trắc là do dịch không thoát ý mà sa lầy vào đám vỏ chữ của nguyên tác; mà anh gọi là do “khác biệt ngôn ngữ”. Mà chắc ai cũng vậy thôi, trừ những người dịch ra chúng.

Có ý kiến cho rằng, dù thế nào thì bản dịch vẫn phải trung thành với bản gốc, và đó mới là việc khó, chứ dịch trơn tru nhưng quá sai lệch thì thật ra lại rất dễ làm. Thậm chí có những bản dịch làm mất văn phong của tác giả. Ông bình luận sao về điều này?

Thế nào là “trung thành với bản gốc”?

Kinh Phật mà các cụ nhà mình vẫn tụng niệm chỉ là phiên âm từ bản chữ Phạn, rồi lại còn qua chữ Hán, đọc lên với tinh thần đó là âm thanh của lời thiêng liêng mà Phật truyền lại, chứ có ai hiểu gì đâu.

Kinh Thánh thiêng thế với người Công giáo, mà cũng có bao nhiêu phiên bản dịch ra các thứ tiếng, sửa đổi văn phong qua từng giai đoạn lịch sử để công chúng đương đại chấp nhận được.

Cụ Nguyễn Du biến "Đoạn trường tân thanh" từ một câu chuyện văn xuôi bình thường ở bên Tàu thành một áng thơ Việt bất hủ với người Việt, sẵn sàng thêm thắt, lược bỏ. "Truyện Kiều" là điển hình của một bản dịch trở thành một nguyên tác trong môi trường ngôn ngữ đích.

Cho nên khái niệm “trung thành với bản gốc” phải được xem xét từ chính gốc gác của việc dịch, ấy là “dịch để làm gì, cho ai đọc”. Có mục đích rõ ràng thì mới có cách dịch thích hợp.

Nói chữ như bây giờ thì là xác định mục tiêu dịch rồi mới có được chiến lược dịch. Từ đó mà có bản dịch đáp ứng đúng nhu cầu, và chất lượng của bản dịch cũng sẽ đo bằng mức độ đáp ứng cái nhu cầu ấy của nó.

Theo ông, vì sao một tác phẩm nước ngoài vốn dành cho đại chúng nhưng vào Việt Nam thì bỗng trở thành rất khó đọc, phải là người nhiều chữ, thậm chí phải biết tiếng nước ngoài mới hiểu được, nhiều người phải bỏ ngang xương và cuốn sách trở thành vật trang trí bất đắc dĩ? Lỗi tại khâu nào? Cách khắc phục ra sao?

Lỗi ở khâu xác định mục tiêu và lựa chọn nguyên tác để dịch. Một tác phẩm nổi tiếng ở nước ngoài không có nghĩa là nó sẽ được yêu mến ở Việt Nam. Cái hay cái đẹp của người chưa chắc đã là cái hay cái đẹp của mình.

"Tôi chỉ dịch những gì tôi cho là sẽ gần gụi được với độc giả của mình, mang lại những lợi lạc tử tế cho mọi người.
Về kỹ thuật, tôi đặt mục tiêu tạo được hiệu quả tâm lý tương đương - nghĩa là thế này: khi đọc nguyên tác tôi có những cảm xúc gì và như thế nào, thì người đọc bản dịch của tôi cũng sẽ có những cảm xúc tương tự như vậy",
 dịch giả Trịnh Lữ.

Gốc rễ của cái lỗi này là từ tâm lý tự ti. Khắc phục khó lắm. Nghĩ đến cái gì cũng thấy như không tưởng trong tình trạng hiện nay.

Nhiều ý kiến thẳng thắn thừa nhận ở Việt Nam chưa có một đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp. Thế hệ các dịch giả cao tuổi như Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường, Phạm Toàn... trung niên như Lê Huy Bắc... chủ yếu là phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy chuyên môn.

Chính vì làm công việc kiêm nhiệm, phần nhiều mang tính chất nghiệp dư cho nên đội ngũ dịch giả ở Việt Nam thiếu hẳn một lý thuyết dịch?

Tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng dịch văn học là một nghệ thuật, theo nghĩa cổ điển của khái niệm “nghệ thuật”. Mà nghệ thuật thì không phải cứ được trả lương để sáng tác, hoặc sống được bằng tiền bán tác phẩm, là có tác phẩm hay; nhất là trong môi trường xã hội văn hóa như ở ta hiện nay.

Anh có tin rằng nếu trả lương cho những người mà anh gọi là dịch văn học không chuyên hiện nay để họ chỉ tập trung vào dịch văn học thôi thì họ sẽ dịch hay hơn không?

Còn về lý thuyết dịch, tôi nghĩ ai cũng có một quan niệm riêng của mình về việc dịch, và một cách bản năng, đều thi hành công việc ấy dựa trên những quyết định xuất phát từ quan niệm đó của mình. Đó cũng là một dạng lý thuyết.

Người dịch không thiếu và thậm chí không cần lý thuyết. Chỉ có bộ máy xã hội tổ chức, điều khiển và nuôi dưỡng người dịch mới cần lý thuyết, như tấm bản đồ dẫn dắt mọi quyết định và hành động để việc dịch đạt được mục tiêu xã hội chính đáng của nó.

Người dịch chỉ là một khâu trong bộ máy làm ra dịch phẩm. Tôi thấy bộ máy ấy chưa chuyên nghiệp thì đúng hơn - nghĩa là chưa có năng lực cũng như thái độ theo đuổi sự nghiệp của mình một cách thích đáng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.