| Hotline: 0983.970.780

Dịch LMLM tiếp tục bùng phát

Thứ Năm 17/02/2011 , 09:28 (GMT+7)

Trong khi 19 tỉnh thành có dịch LMLM bùng phát đã và đang gửi công văn tới tấp đề nghị Bộ NN-PTNT cấp vacxin phòng bệnh thì gần như 100% nguồn vacxin thương mại đã không còn.

* Thiếu vacxin nghiêm trọng!

Trong khi 19 tỉnh thành có dịch LMLM bùng phát đã và đang gửi công văn tới tấp đề nghị Bộ NN-PTNT cấp vacxin phòng bệnh thì gần như 100% nguồn vacxin thương mại đã không còn.

Nguồn tin của NNVN cũng tiết lộ, nguồn vacxin LMLM dự trữ của trung ương cũng chỉ còn trên 2 triệu liều, không thấm tháp vào đâu trong bối cảnh đợt dịch này đang đe dọa trên 27 triệu con heo và 9 triệu con trâu bò trong cả nước…

THÁNG 5/2011 MỚI CÓ VACXIN MERIAL – PHÁP?!

Ngày 16/2, trang Web của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) thông báo cả nước có 17 tỉnh thành xuất hiện dịch LMLM. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV NNVN, dịch LMLM đang lây lan với tốc độ chóng mặt và đã có thêm ở 2 tỉnh là Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu góp mặt vào biểu đồ này nhưng chưa được Cục Thú y cập nhật.

Ông Đinh Văn Thế - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An cho biết, dịch LMLM đã xuất hiện ở hai huyện Tân Trụ và Châu Thành. Chi cục nhận định, nguyên nhân chính là do một số hộ dân không tiêm phòng vacxin, đồng thời tình trạng giết mổ heo lậu, heo bệnh dịp Tết vừa qua đã khiến dịch quay trở lại. Trong khi đó, ngay khi dịch LMLM xuất hiện tại huyện Long Thành (Đồng Nai), lập tức huyện Cẩm Mỹ của tỉnh này cũng xuất hiện dịch, đồng thời lây nhanh sang huyện Châu Đức của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong khi dịch LMLM lây lan với tốc độ chóng mặt thì “vũ khí” chống dịch quan trọng nhất là vacxin lại đang vô cùng hạn hẹp. Theo ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI: Vacxin tiêm phòng LMLM hiện đang rất khó khăn, nguồn dự trữ trung ương chỉ còn 2 triệu liều nên không thấm tháp vào đâu so với yêu cầu nóng bỏng hiện nay. Ông Bình cũng cho biết, chỉ riêng 3 tỉnh phía Nam mới có dịch LMLM đã xin cấp tới gần 1 triệu liều vacxin: Tiền Giang 300.000 liều, Đồng Nai 300.000 – 500.000 liều, Long An 100.000 liều. Tuy nhiên, ngay cả nguồn vacxin thương mại (các tỉnh xin mua về bán lại cho người chăn nuôi) hiện cũng không còn, vì thế, họ đang đề nghị Chính phủ xuất bán nguồn vacxin dự trữ (2 triệu liều) để tạm thời ngăn dịch LMLM trong khi chờ nguồn vacxin mới.

Trao đổi với NNVN, ông Phạm Quang Thái – Giám đốc công ty thuốc thú y trung ương (Navetco) cho biết, sở dĩ nguồn vacxin thương mại bị thiếu là do 2 tháng qua, công ty đã xuất bán hết 6 triệu liều vacxin LMLM. Đặc biệt, đơn vị cung ứng vacxin là công ty Merial (Pháp) đã bán khoảng 20 triệu liều vacxin LMLM cho phía Hàn Quốc với giá cao gấp cả chục lần giá bán cho VN. Tại Hàn Quốc, dịch LMLM bùng phát dữ dội khiến nhà chức trách phải tiêu hủy hàng triệu con gia súc, đồng thời tổ chức mua gom vacxin với giá rất cao để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn gia súc. Ông Thái khẳng định, Navetco đã đăng ký mua hết cả năm 2010 nhưng công ty Merial không bao giờ chịu ký hợp đồng chính thức mang tính pháp lý. “Chỉ khi nào có hàng họ mới ký hợp đồng vì Merial cho rằng mình đang là “bá chủ” đối với sản phẩm vacxin LMLM. Hiện Navetco đã làm văn bản báo cáo Cục Thú y về thông tin: Phải đến tháng 5/2011 Merial mới có vacxin LMLM giao cho VN”. Ông Thái cũng cho rằng, trong góc độ nghề nghiệp, Navetco cũng đã lo lắng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi đặt hàng, nhưng do công ty Merial quay ngoắt bán cho Hàn Quốc nên mới xảy ra tình huống này.

KINH PHÍ DỰ TRỮ VACXIN QUÁ HẠN HẸP!

Về lý do nguồn vacxin LMLM dự trữ quốc gia quá ít, ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ thú y (Cục Thú y) cho biết, nguyên nhân là do nguồn kinh phí hạn hẹp. “Trong khoảng 50 tỷ đồng mà phải mua mấy loại vacxin như LMLM, hóa chất khử trùng, dịch tả lợn, tụ huyết trùng... thì không thể nhiều được”. Ông Kỳ cũng khẳng định, trong trường hợp công ty Navetco báo cáo sẽ nhập vacxin của hãng Merial nhưng không sản xuất tại Pháp, thì về nguyên tắc vẫn phải được thử nghiệm tại VN, trước khi muốn đưa vào sử dụng tiêm chính thức trên đàn gia súc.

Về biện pháp thay thế khẩn cấp, ông Phạm Quang Thái cho biết, Navetco đang ký hợp đồng đặt mua loại vacxin của Nga đã có trong danh mục được phép lưu hành tại VN. “Ngay từ năm 2006 Bộ NN-PTNT đã có yêu cầu Navetco phải liên hệ xem xét loại vacxin của Nga, chúng tôi cũng sang Nga nhiều lần rồi, mẫu vacxin này mấy năm trước cũng được VN kiểm nghiệm và khảo nghiệm nên đã được đưa vào danh mục sử dụng.

Ngoài ra, vacxin của Hà Lan cũng là một lựa chọn. Cả hai loại vacxin này đang được chúng tôi ký hợp đồng mua về trong tháng 3 này”. Riêng về số vacxin hạn hẹp dự trữ của trung ương đang để trong kho của Navetco, ông Thái cho rằng chủ trương của Chính phủ chỉ xuất cho các tỉnh nghèo, nhưng trong trường hợp khẩn cấp, Chính phủ có lệnh Navetco sẽ đưa ra theo yêu cầu.

Theo quy luật, 5 năm dịch LMLM sẽ quay trở lại và bùng phát dữ dội. Năm 2006 dịch LMLM đã gây cảnh “thất điên bát đảo” cho người chăn nuôi và lúc đó vacxin LMLM cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Kim Giao – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện cả nước có 27,6 triệu con heo (4,1 triệu heo nái) và 6 triệu con bò, 3 triệu con trâu. Vì thế, dịch LMLM bùng phát là vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh vacxin bị thiếu hụt. “Tôi đề nghị ngành thú y phải nhanh chóng xác định vùng có dịch nặng để tung vacxin ra khống chế và kiểm soát ngay, nếu để lâu sẽ không kiểm soát được”. Ông Giao cũng cho biết, Hàn Quốc vừa quyết định tiêu hủy tới 2,6 triệu con gia súc vì dịch LMLM và họ cho nhập ngay khối lượng vacxin lớn để khống chế. “Tuy nhiên, nếu VN để dịch nặng như Hàn Quốc rồi đem tiêu hủy hàng triệu con heo, trâu, bò như Hàn Quốc thì sẽ không thể có nguồn kinh phí quá lớn hỗ trợ người chăn nuôi như họ được” – ông Giao nói. Hiện Cục Chăn nuôi cũng đã có công văn khẩn gửi tất cả các tỉnh cảnh giác, chuẩn bị thật tốt con giống, kỹ thuật; vệ sinh môi trường chuồng trại và kiểm tra nguồn gốc thức ăn chăn nuôi, đồng thời áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ở một số vùng có dịch xảy ra.

Về tình hình dịch LMLM đang trên đà tấn công mạnh vào phía Nam, ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI cảnh báo: Nguy hiểm nhất là nguồn bệnh có thể lẫn trong nguồn heo bán chạy gây lây lan dịch bệnh. Vì thế các tỉnh phải có biện pháp mạnh ngăn chặn tình trạng này, đồng thời kiểm tra, giám sát và báo cáo đầy đủ diễn biến dịch bệnh cho Thú y vùng và Cục Thú y nhằm phối hợp xử lý kịp thời các ổ dịch.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm