| Hotline: 0983.970.780

Dịch rầy bùng phát

Thứ Ba 05/05/2015 , 06:14 (GMT+7)

Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với mưa nắng xen kẽ, nhiệt độ và ẩm độ cao đã làm dịch rầy bùng phát và gây hại trên các diện tích lúa ĐX.

Tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), dịch rầy đã bùng phát cục bộ tại các xã Đức Đồng, Đức Quang, Đức La, Đức Lạc, Đức Long, Đức Thanh,… với mật độ trung bình từ 1.000 - 10.000 con/m2. Tại xã Đức Đồng và Đức Quang đã xảy ra cháy rầy.

Nông dân Lê Thị Liên và Lê Văn Thư ở xóm Phúc Hòa, xã Đức Đồng, Đức Thọ cho biết: “Mật độ rầy tại cánh đồng Bệ của HTX Thanh Quang lên đến hàng vạn con/m2. Có một số diện tích ở Đức Đồng đã cháy rầy”.

Anh Hoàng Quốc Hiển, nông dân xã Đức Đồng chia sẻ: “Gia đình tôi vụ này gieo cấy 9 sào lúa (1 sào Trung bộ 500 m2). Nhưng nay đã cháy rầy hơn 3 sào, do tôi phun các loại thuốc mua trên thị trường, phun đi phun lại 3 lần mà vẫn cháy.

Gần 6 sào còn lại giữ được không bị cháy nhờ được cán bộ HTX tư vấn cho tôi sử dụng thuốc Chess 50WG, chỉ cần phun 1 lần là sạch rầy”.

Còn tại Nghệ An rầy nâu cũng đã xuất hiện cục bộ từng ổ từ 1 - 2 m2 tại huyện Yên Thành ở các xã như Lý Thành, Nhân Thành, Kim Thành... Tuy nhiên hiện nay lúa Yên Thành đang quá trình chín nên áp lực không cao.

Thời tiết tiếp đang tục nắng nóng, nguy cơ bùng phát rầy trên các chân ruộng có nước rất cao. Điều kiện nhiệt độ như hiện nay sẽ rút ngắn thời gian các pha phát dục của rầy nâu. Nên nguy cơ tăng mật độ nhanh hơn, nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời thì có thể bùng phát trên diện rộng.

Ngoài yếu tố khách quan như diễn biến thời tiết bất lợi, giống nhiễm rầy… thì nguyên nhân bùng phát dịch rầy và cháy rầy trong các vụ chủ yếu do các yếu tố chủ quan trong định hướng và các biện pháp phòng trừ.

Việc dùng các loại thuốc trừ sâu không chọn lọc ngay từ đầu vụ, đã làm giảm đáng kể mật độ các loài thiên địch của rầy nâu. Đây là nguyên nhân chính làm gia tăng mật độ rầy cuối vụ. Cũng như phát hiện rầy muộn, phòng trừ khi mật độ đã quá cao, nên hiệu quả thấp.

Một vấn đề tồn tại nữa là duy trì quan điểm sai làm là không sử dụng thuốc nội hấp sau giai đoạn đòng - trỗ vì lý do khả năng nội hấp lưu dẫn kém. Dẫn đến việc lựa chọn các dòng thuốc tiếp xúc để phòng trừ rầy ở giai đoạn này.

Tuy nhiên thực tế các dòng thuốc tiếp xúc chỉ tiêu diệt được những con rầy tiếp xúc với thuốc và thời gian hiệu lực không đủ để kiểm soát các lứa rầy được nở ra sau 5 - 7 ngày sau từ các ổ trứng trong bẹ lá. Nên nông dân phải phun đi phun lại nhiều lần.

Trong khi giai đoạn từ đòng - trỗ đến trước lúc bộ lá đòng ngả vàng, thì quá trình nội hấp và lưu dẫn rất cao. Bởi vì khi bộ lá lúa còn màu xanh thì nó còn có khả hấp thụ các thuốc nội hấp rất tốt.

Đồng thời giai đoạn này quang hợp diễn ra mạnh, cây lúa hút nhiều nước, dinh dưỡng và quá trình vận chuyển các chất ở cường độ cao. Nên khả năng lưu dẫn của các dòng thuốc nội hấp lưu dẫn thuận lợi hơn.

Để phòng trừ rầy hiệu quả và kiểm soát nguy cơ cháy rầy, nông dân cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Chú ý ở các ruộng sâu trũng, xanh mướt, ruộng có tiền sử nhiễm rầy các vụ trước và các ruộng gieo cấy giống nhiễm. Phun phòng trừ khi mật độ rầy trên 500 - 700 con/m2.

- Trong các trường hợp: Mật độ thấp nhưng có nhiều rầy chửa (bụng to béo, di chuyển chậm), hoặc có nhiều vết rách thâm nhỏ trên bẹ lá (mỗi ổ trứng rầy có 15 - 30 trứng) hoặc nhiều rầy cánh ngắn, thì cũng nên phòng trừ. Vì nguy cơ bùng phát dịch cao.

- Nếu bộ lá lúa vẫn còn màu xanh, hạt lúa chưa chín sinh lý (phôi nhũ đã cứng) nên sử dụng các thuốc nội hấp, lưu dẫn và hiệu lực kéo dài để tăng hiệu quả phòng trừ và giảm số lần phun thuốc.

- Khi dùng thuốc tiếp xúc thì bắt buộc phải rẽ lúa giai đoạn này, sau 5 - 7 ngày kiểm tra ruộng, nếu thấy lứa rầy mới thì tiến hành phun lại.

- Nên sử dụng các loại thuốc vừa có đặc tính tiếp xúc vừa nội hấp lưu dẫn mạnh như Chess 50WG (300 gr/ha), Actara 25WG (80 gr/ha), Alika 247ZC (0,2 - 0,4 lít/ha).

Pha 15 gr Chess 50WG hoặc Actara 25WG hoặc 10 - 15 ml Alika 247ZC với 20 - 25 lít nước. Phun 400 - 500 lít/ha.

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất