| Hotline: 0983.970.780

Dịch sốt xuất huyết bùng phát, một số tỉnh số ca mắc tăng cao, vì sao?

Thứ Ba 23/08/2016 , 08:31 (GMT+7)

Tính đến hết tháng 7/2016, tổng số ca mắc SXH của khu vực miền Nam là 25.797 ca, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm 2015 (13.735 ca).

Dịch sốt xuất huyết (SXH) do virus Dengue toàn miền Nam đang tăng cao. Theo BS Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM, tính đến hết tháng 7/2016, tổng số ca mắc SXH của khu vực là 25.797 ca, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm 2015 (13.735 ca).

Đến nay, số trường hợp tử vong do bệnh SXH là 13 trường hợp, tỉ suất chết/mắc là 0,05%, thấp hơn chỉ tiêu cần đạt của quốc gia (duy trì tỉ suất chết/mắc dưới 0,09%).  Tuy vậy, một số tỉnh hiện đang gia tăng so với 2015, diễn ra cục bộ tại một số địa phương như Lâm Đồng (743 ca mắc), Bình Phước (1.452 ca mắc), Bến Tre (1.138  ca mắc) và TP.HCM (7.154 ca mắc).

 

Kê giường bệnh ngoài hành lang

Chiều 22/8, theo báo cáo mới nhất, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum ghi nhận 8.183 ca mắc SXH và đã có 3 người chết.

Tại Khoa Bệnh nhiệt đới BV Đa khoa Gia Lai, các bác sỹ ở đây cho biết, bắt đầu từ ngày 1/7 đến nay, mỗi ngày có từ 40 đến 50 ca SXH nhập viện. Bình quân mỗi ngày có từ 120 đến 140 ca điều trị, đặc biệt, ngày cao điểm lên đến 190 ca.

Do định biên của khoa chỉ là 40 giường bệnh nên bệnh viện đã phải kê thêm 110 giường, nâng lên thành 150 giường bệnh. Ngoài ra, bệnh viện còn huy động thêm 4 bác sỹ, 12 điều dưỡng tăng cường cho Khoa Bệnh nhiệt đới thì mới tạm đáp ứng việc chăm sóc người bệnh.

“Việc tăng cường của Ban Giám đốc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chữa trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, Sở Y tế luôn cấp đầy đủ thuốc men nên công việc chữa trị cũng rất thuận lợi, nhiều bệnh nhân sau khi cảm thấy sức khỏe tốt lên đã tự nguyện xin điều trị ngoại trú nên cũng làm giảm áp lực đáng kể cho khoa”, một bác sỹ nói.

Trung tâm Y tế dự phòng 2 tỉnh đều nhận định tình hình SXH thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp do thời tiết thất thường. Dù ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống bệnh song hiệu quả vẫn chưa cao là do người dân vẫn còn trông chờ vào việc phun hóa chất mà không chủ động loại bỏ các ổ chứa loăng quăng, bọ gậy. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa thật sự quyết tâm cùng ngành y tế vào cuộc chống SXH.

 

Tại sao dịch bùng phát?

GS. TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết, theo chu kỳ dịch SXH trên trên thế giới tăng với tốc độ kinh khủng. Từ 7 nước mắc bệnh SXH năm 1970, tăng dần lên 30, 50 nước, và nay là trên 128 nước trên toàn thế giới. Số lượng người mắc bệnh SXH cũng tăng tốc độ chóng mặt. Năm 2012 trên toàn thế giới có 2 triệu người mắc bệnh SXH thì năm 2015 đã có tới 3,2 triệu người mắc bệnh này.

Theo thống kê của WHO thì hiện có 3,9 tỷ người nằm ở vành đai nguy cơ mắc bệnh SXH, chủ yếu ở châu Mỹ và châu Á, tức những nước trong vành đai nhiệt độ và mật độ dân cư phù hợp cho sự sinh sôi phát triển của muỗi; trong 390 triệu người nhiễm bệnh mỗi năm thì có 9,6 triệu người biểu hiện rõ triệu chứng và 2,5% số đó tử vong.

Motorico thuộc châu Mỹ vừa công bố tình trạng khẩn cấp y tế về dịch SXH, Brazil công bố tỷ lệ mắc 700/100.000 dân (hơn 13 lần của VN). Ở châu Á, không chỉ các nước trong khu vực có mật độ dân số đông như Philippine, Malaysia mà ngay cả Singapore, nổi tiếng xanh sạch đẹp nhưng SXH cũng tăng cao, nguyên nhân do tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh. Và Nhật Bản sau 70 năm không có SXH thì 2015 cũng đã xuất hiện dịch.

Việt Nam trong những năm gần đây giảm dần, đặc biệt tỷ lệ tử vong giảm nhiều, nguyên nhân nhờ hoạt động y tế dự phòng tốt và hoạt động khám chữa bệnh cũng tốt. Người dân hiểu biết về bệnh và vào bệnh viện khám chữa bệnh kịp thời hơn.

Tại Việt Nam, số ca mắc SXH tăng chủ yếu vào đầu năm. Trong 4 tuần qua số ca mắc 2016 đã giảm tương đương năm 2015. Số mắc SXH toàn khu vực đến nay vẫn thấp hơn đường cong chuẩn giai đoạn 2005 - 2010 là 43,6% (tức là không có dịch). Tuy nhiên, theo biểu đồ phát triển bệnh dịch, cứ khoảng 10 năm lập lại chu kỳ, 1987 dịch SXH cao, sau đó 1998 và đến 2008 SXH lại tăng cao. Dự báo 2018 dịch sẽ đỉnh trong chu kỳ mới.

 

Vì sao một số tỉnh tăng đột biến?

GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh, khu vực phía Bắc có mùa đông và mùa nóng, trứng muỗi nở ra trong nhiệt độ từ 25-28 độ C. Con muỗi sẽ chết ở nhiệt độ dưới 10 độ C hoặc ngắc ngoải ở nhiệt độ trên 35 độ C và 40 độ C thì muỗi chết hết. Trứng muỗi có thể sống được 6 tháng đến 1 năm dù điều kiện khô ráo, đây cũng là yếu tố khiến SXH lan ra toàn thế giới và khó kiểm soát trong điều kiện giao thông mạnh mẽ hiện nay.

Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên có khí hậu ôn đới nhẹ ở mùa Thu Đông nhưng năm 2015 hầu như không có, do vậy đàn muỗi không chết đó kéo sang 2016. Mùa mưa năm nay lại về sớm, nên điều kiện mầm bệnh không triệt tiêu kia khiến dịch bệnh bùng phát.

Khu vực phía Nam 4 tuần nay số ca mắc SXH đã xuống thấp hơn nhưng do tỷ lệ mắc SXH đầu năm chúng ta tăng cao, tích lũy đến nay cao hơn năm ngoái nên dịch bệnh vẫn đang đi lên. SXH theo mùa ở các tỉnh phía Nam và ĐBSCL trước đây rải từ tháng 5 đến tháng 11 và đỉnh là tháng 8. Nhưng 5 năm lại đây có sự biến đổi thời tiết, đỉnh dịch bệnh đã chuyển sang tháng 9.

Nguyên nhân SXH không đồng đều giữa các miền, các khu vực và thậm chí trong tỉnh. Bến Tre có số mắc SXH so các tỉnh chưa cao lắm nhưng so trong tỉnh thì tăng vọt so năm trước. Sự khác biệt do có vấn đề hậu quả tình trạng xâm nhập mặn, ngành Y tế, nhất là Trung tâm Y tế dự phòng cần kiểm soát các nguồn trữ nước trong dân.

Cần lưu ý độ tuổi mắc SXH tăng dần vào người lớn, khác biệt miền Đông Nam bộ và TP.HCM, do sự chuyển dịch lao động đến các KCN, khiến bệnh dịch tăng cao.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.