| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi tại Nghệ An: Chuyển biến khó lường, kiên quyết không tái đàn

Thứ Năm 23/05/2019 , 08:40 (GMT+7)

Mặc dù chính quyền các cấp cùng đơn vị chuyên ngành liên quan đã vào cuộc quyết liệt, thế nhưng diễn biến dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang hết sức phức tạp. Nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy đến, địa phương khuyến cáo đến hộ nuôi không nên vội vàng tái đàn thời điểm này.

Khó lường

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, tính đến 21/5 dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 13 huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Qua phân tích mẫu phẩm phát hiện tổng cộng 717 con lợn nhiễm bệnh, cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy hơn 35.393kg.

Các hộ nuôi thực sự lo lắng trước tình cảnh khốn khó.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận 7 ổ dịch DTLCP tại 6 huyện chính thức công bố hết dịch. Ở chiều ngược lại, có đến 23 ổ dịch thuộc 8 huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Diễn Châu, TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên và Anh Sơn chưa quá 30 ngày.

Qua ghi nhận thực tế, DTLCP đang có chuyển biến phức tạp, đặc biệt là những huyện trọng điểm về chăn nuôi như Diễn Châu (230 con mắc bệnh), Nghi Lộc hay Hưng Nguyên. Nhìn thổng thể, dịch bệnh chủ yếu phát sinh tại các hộ áp dụng quy trình chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm trên 90%), những nơi này công tác kiểm soát nhìn chung còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An cho biết thêm: “Sở NN-PTNT đã làm việc trực tiếp, yêu cầu 2 huyện Diễn Châu và Nghi Lộc phải thực hiện kịch bản phòng chống dịch ở mức độ lây lan trên diện rộng, đặc biệt phải tập trung kiểm soát vận chuyển, giết mổ tại các xã có dịch”.

Cơ quan chuyên ngành nhận định, quá trình vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn bị nhiễm mầm bệnh từ ngoại tỉnh về các điểm thu gom, sau đó bán lại cho các hộ dân để giết mổ nhỏ lẻ là nguyên nhân chính khiến tình hình ngày càng khó lường. 

Ông Nguyễn Văn Lập khẳng định, trước mắt nên tập trung vào công tác phòng chống.

Chi tiết hơn, những ổ dịch tại xã Quỳnh Mỹ và Sơn Hải (Quỳnh Lưu), Nam Nghĩa (Nam Đàn), Thanh Phong (Thanh Chương) là do mua thịt từ bên ngoài và dùng thức ăn thừa thu gom từ các nhà hàng, khách sạn cho lợn ăn; ổ dịch tại xã Minh Sơn (Đô Lương) do người dân buôn bán lợn vào khu vực nuôi chọn lợn mà không được khử trùng...

Lúc này DTLCP không chỉ gói gọn trong phạm vi các huyện đồng bằng, miền biển mà có chiều hướng lan rộng đến khu vực miền núi, nan giải nhất phải kể đến huyện Kỳ Sơn. Theo phản ánh của người dân xã Mường Típ, ban đầu dấu hiệu bất thường chỉ xuất hiện trên một số ít lợn đen ở bản Ta Đo, không ngờ về sau lây lan với tốc độ chóng mặt sang các bản Xốp Phe, Vàng Phao, Na Mì, Xốp Típ và Chà Lạt. Chỉ sau một vài ngày, tổng số lợn chết của các hộ lên đến khoảng 130 con. Đáng quan ngại khi tình trạng trên cũng đang càn quét qua các xã khác như Mường Ải, Bảo Thắng, Hữu Kiệm.
 

Không vội tái đàn

Với gần 1 triệu con, Nghệ An có tổng đàn lợn thuộc tốp đầu cả nước. Quy mô càng lớn nỗi lo càng tăng, diễn biến khó lường của DTLCP thời gian qua đang “góp phần” đẩy ngành chăn nuôi địa phương vào tình cảnh khốn khó.

Xuất phát từ nhiều nguyên do, trong đó yếu tố “tin giả lấn át dịch thật” thực sự tác động quá lớn đến tâm lý chung của người tiêu dùng. Ghi nhận tại nhiều cơ sở, phần đa đều ưu tiên chọn lựa những mặt hàng ngoài lợn làm thực đơn chính. Dù giá thành đang giảm mạnh, chỉ còn quanh quẩn mức 30.000 - 31.000 đồng/kg lợn hơi, sức mua vẫn không được cải thiện là bao.

Việc tái đàn lúc này sẽ kéo theo rất nhiều nguy cơ.

“So với 1 tháng trước tình hình lúc này còn nan giải gấp bội phần. Trang trại của tôi phần lớn là lợn nái, dù muốn hay không vẫn phải duy trì chăm sóc số lợn con sau sinh. Trước mắt còn gắng gượng được, nhưng về lâu dài sẽ rất khó nhằn”, anh Phạm Hữu Trung, chủ trang trại lợn quy mô ngàn con tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn âu lo.

Tâm trạng của anh Trung cũng giống như của hàng trăm, hàng ngàn hộ nuôi lợn trên địa bàn tỉnh lúc này. Đầu tư tiền trăm bạc tỷ, dồn hết của nả công sức vào chuồng trại nên cảm giác bất an là điều khó tránh, dù vậy nóng vội thời điểm này sẽ ẩn chứa muôn vàn rủi ro.

“Hiện tại ngành nông nghiệp Nghệ An không khuyến khích tái đàn, nhất là với quy mô nông hộ nhỏ lẻ. Trước mắt cần ưu tiên theo dõi, tập trung công tác phòng chống”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Lập khẳng định.

Xác định phòng bệnh hơn chữa bệnh, Nghệ An đã chủ động thành lập Tổ công tác lưu động liên ngành và Chốt Kiểm dịch (tại đường mòn Hồ Chí Minh và Trạm kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An, TX Hoàng Mai) nhằm kiểm soát tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn.

Đến nay các trạm/chốt đã kiểm tra, kiểm soát và thực hiện phun tiêu độc khử trùng 2.539 phương tiện, tiến hành xử phạt 21 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó có 1 trường hợp vận chuyển lợn cố tình trốn tránh kiểm dịch.

Tương tự, tổ công tác lưu động liên ngành đã kiểm tra hàng trăm phương tiện, 15 cơ sở giết mổ tập trung, 7 cơ sở chế biến giò chả, 45 nhà hàng, 3 bếp ăn tập thể, 12 điểm tập kết động vật, 5 chợ, 10 cơ sở tắm lợn, 2 kho lạnh bảo quản sản phẩm động vật.

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất