| Hotline: 0983.970.780

Dịch tai xanh ở Quảng Nam: Điện Bàn “kiên quyết” không công bố dịch

Thứ Năm 13/10/2011 , 10:28 (GMT+7)

Ngành liên quan và chính quyền huyện Điện Bàn vẫn không chịu công bố dịch, mặc dù đầu tuần trước Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn.

* Trưởng trạm Thú y Điện Bàn: “Chưa tham mưu công bố dịch vì sợ người chăn nuôi không xuất bán được heo”.

Những ngày qua, dịch tai xanh tiếp tục lây lan trên diện rộng khiến nhiều đàn heo ở Điện Bàn bị nhiễm bệnh nặng, phải tiêu hủy bắt buộc. Thế nhưng, ngành liên quan và chính quyền huyện Điện Bàn vẫn không chịu công bố dịch, mặc dù đầu tuần trước Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn.

>> Quảng Nam: Đủng đỉnh chống dịch!

Quét như bão

Lội khắp thôn Hà Tây 1 (xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đi đâu chúng tôi cũng thấy người chăn nuôi quanh quẩn bên những dãy chuồng heo. Kẻ lom khom rắc vôi bột, người hì hục mang bình hóa chất nặng trịch phun tiêu độc, khử trùng. Hỏi ra mới biết, 3 ngày nay vi rút Lelystad đã tràn đến địa phương này khiến 24 con heo (16 heo thịt, 8 heo nái) của một số hộ dân nhiễm bệnh nặng.

Không chỉ người dân thôn Hà Tây 1 nặng trĩu âu lo, rất nhiều gia đình khác ở Điện Hòa cũng đang đứng ngồi không yên trước sự lây lan quá nhanh của dịch tai xanh. Theo thống kê mới nhất, tính đến thời điểm này, trên địa bàn 6 thôn của xã Điện Hòa đã có ít nhất 170 con heo của 23 hộ dân bị vi rút Lelystad tấn công, trong đó 142 con phải tiêu hủy khẩn cấp.

Tại vùng rốn dịch Điện Ngọc, xem ra tình hình cũng không sáng sủa mấy. Bởi theo lực lượng thú y địa phương này, họ vừa tiếp tục phát hiện thêm 7 con heo thịt bị mắc bệnh tai xanh. Ông Trương Văn Thông – Trưởng trạm Thú y huyện Điện Bàn cho biết, tính đến chiều 11/10 toàn xã Điện Ngọc đã có tổng cộng 498 con heo của 31 hộ chăn nuôi thuộc 6 thôn phải tiêu hủy bắt buộc vì nhiễm vi rút Lelystad.

Ngoài các địa phương vừa nêu thì tại xã Điện Tiến, Điện Thắng Nam dịch tai xanh cũng đang có chiều hướng lây lan mạnh. Theo cơ quan chuyên môn, những ngày gần đây, ở 2 xã này đã có không dưới 115 con heo bị “dính” dịch. Lực lượng thú y cùng thanh niên xung kích phải khiêng gần 90 con đi đốt.

Ông Trương Văn Thông – Trưởng trạm Thú y Điện Bàn lo lắng: “Chỉ trong vòng nửa tháng kể từ ngày phát hiện ổ dịch đầu tiên, đến nay toàn huyện đã có 779 con heo bị mắc bệnh, phải tiêu hủy khẩn cấp. Do tổng đàn heo 55 nghìn con trên địa bàn huyện không được tiêm phòng vacxin, thời tiết lại đang diễn biến hết sức phức tạp nên chắc chắn trong những ngày tới virus sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng. Và, dĩ nhiên số heo nhiễm bệnh sẽ không dừng lại ở con số vừa nêu”... 

Cố thủ không công bố dịch 

Mấy ngày nay, có mặt trên nhiều tuyến giao thông huyết mạch tại các vùng đang xảy ra dịch tai xanh ở huyện Điện Bàn, chúng tôi không hề bắt gặp bất cứ một chốt chặn nào. Cứ ngỡ trời mưa dầm nên lực lượng liên ngành của huyện và chính quyền các xã nấp đâu đó, nhưng hỏi thăm nhiều người dân thì họ bảo rằng suốt nhiều ngày qua đâu có thấy ai đứng chốt, nhất là đoạn từ cầu tạm Tứ Câu xuôi về UBND xã Điện Ngọc và đoạn từ ngã ba Lầu Sụp ngược lên UBND xã Điện Hòa.

Không chốt chặn, hàng loạt xe máy tải những rọ heo choai, heo thịt nặng trịch ra khỏi vùng dịch. Tại nhiều chợ quê, thịt heo vẫn cứ bày bán công khai, nhìn quanh chẳng thấy bóng dáng của những người có trách nhiệm. Xin nhắc lại rằng, trước những diễn biến hết sức khó lường của dịch tai xanh, cách đây 12 ngày Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn yêu cầu ngành liên quan, chính quyền các địa phương quyết liệt triển khai các biện pháp mạnh nhằm nhanh chóng khống chế và dập tắt sự lây lan của vi rút Lelystad  gây dịch tai xanh.

Theo đó, tại những vùng đang xảy ra dịch, phải tuyệt đối nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo. Không biết đến khi nào lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam mới được các cơ quan hữu trách ở Điện Bàn thực thi nghiêm túc?

Theo quy định của Pháp lệnh Thú y, 3 xã trong một huyện xuất hiện dịch tai xanh thì bắt buộc Chủ tịch UBND huyện đó phải lập tức công bố dịch trên toàn địa bàn. Và một khi đã công bố dịch thì mọi hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo đều bị nghiêm cấm một cách triệt để. Ai vi phạm, sẽ bị xử lý mạnh tay, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước sự phát tán quá nhanh của dịch tai xanh, đầu tuần trước Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn gửi lãnh đạo các cơ quan hữu trách ở Quảng Nam nói riêng và một số tỉnh, thành khác nói chung yêu cầu phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống, ngăn chặn kịp thời nguy cơ lây lan trên diện rộng của vi rút Lelystad. Hơn một tuần trôi qua rồi, chẳng biết ngành thú y, chính quyền huyện Điện Bàn đã nhận được công điện khẩn ấy chưa?

Từ ngày 22/9 tới nay, tại huyện Điện Bàn đã có 779 con heo của 72 hộ dân thuộc 18 thôn trên địa bàn 4 xã (gồm: Điện Ngọc, Điện Hòa, Điện Thắng Nam, Điện Tiến) bị dịch tai xanh, trong đó 537 con phải tiêu hủy khẩn cấp nhưng chẳng hiểu sao chính quyền địa phương này vẫn không chịu công bố dịch?

Ông Trương Văn Thông, Trưởng trạm Thú y Điện Bàn giải thích rằng: “Sở dĩ cơ quan chuyên môn chưa tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn ký quyết định công bố dịch trên toàn địa bàn là sợ người chăn nuôi lao đao vì không xuất bán được heo, kéo theo đó nhiều dịch vụ kinh doanh các sản phẩm từ heo cũng bị ngưng trệ”.

Thương dân kiểu đó bằng mười hại dân. Bởi, do không công bố dịch nên tình trạng vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo tại nhiều địa phương ở Điện Bàn mới diễn ra tràn lan suốt nửa tháng nay. Đây chính là nguyên nhân cốt yếu làm cho bệnh tai xanh lây lan nhanh diện rộng. Và, không ai khác chính người chăn nuôi phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ sự tắc trách mang tên “thương dân” này.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.