| Hotline: 0983.970.780

Dịch tin “giả” nguy hiểm không kém dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Hai 11/03/2019 , 13:45 (GMT+7)

Những ngày qua, trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo… nhiều người dùng như “lên đồng” với các thông tin trái chiều về dịch tả lợn Châu Phi. Điều đáng nói, đa phần những thông tin, hình ảnh đều sai sự thật, nhằm mục đích câu like, gây hoang mang dư luận xã hội.

15h chiều 11/3, Cục Phát thanh - Truyền hình (Bộ TT-TT) “triệu tập” chủ sở hữu trang fanpage “Đầm bầu thời trang Mami” để xem xét, xử lý thông tin trang này đăng tải về dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

Thông tin sai sự thật trên fanpage “Đầm bầu thời trang Mami”

Trước đó, như Báo NNVN ngày 4/3 thông tin, trang fanpage này đăng tải bài viết: “Đánh tráo hình ảnh dịch tả lợn Châu Phi để câu view trắng trợn”. Những hình ảnh, thông tin fanpage này đăng tải đều sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Ngày 8/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã có văn bản đề nghị Bộ TT-TT vào cuộc xử lý thông tin sai sự thật kể trên.

Ngoài trang fanpage kể trên, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tài khoản mạng xã hội vẫn tiếp tục lan truyền những thông tin sai sự thật một cách hồn nhiên. Điển hình như trang facebook cá nhân “Trang Thao Mandy” đã vô tư lấy một loạt hình ảnh bệnh nhân bị sốt xuất huyết và liên cầu lợn rồi đưa tin “Có hai người đã bị nhiễm virus rồi nè, các bạn ngưng ăn thịt heo nha, ghê quá”. Nguy hiểm hơn, chỉ sau 8 tiếng đăng tải, tin “giả” này được tới gần 800 người like, hơn 40 nghìn lượt chia sẻ. Thông tin cứ thế lan đi nhanh hơn cả tốc độ lây lan của DTLCP.

Lượng người like và chia sẻ khủng khiếp thông tin bịa đặt trên tài khoản facebook “Trang Thao Mandy”

Cũng trong ngày 11/3, Báo NNVN đã phải tiếp tục phản bác bằng bài viết: Cảnh giác chiêu “quảng cáo” chữa được dịch tả lợn Châu Phi. Trên một diễn đàn chăn nuôi, một nhà khoa học không tên tuổi khẳng định chắc nịch: Đã bào chế thành công thuốc chữa bệnh do virus (DTLCP), vi khuẩn hiệu quả cao ngoài mong đợi. Cam kết chữa khỏi chỉ sau 3 - 7 ngày!?

Chia sẻ với Báo NNVN, nhiều nhà khoa học cho rằng, đây chỉ là thông tin thất thiệt, thiếu căn cứ khoa học, người dân cần hết sức tỉnh táo để tránh mất tiền oan và lợn vẫn chết vì dịch.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp tục ký thêm văn bản gửi Ban Tuyên giáo TW, đề xuất chỉ đạo thông tin, tuyên truyền về bệnh DTLCP. Văn bản khẳng định, trên mạng xã hội đã và đang xuất hiện nhiều thông tin thiếu chính xác, thậm chí xuyên tạc với mục đích câu view. Bộ NN-PTNT đề nghị Ban Tuyên giáo TW tăng cường chỉ đạo thông tin, tuyên truyền dịch bệnh một cách chính xác. Đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin sai sự thật.

Công văn của Bộ NN-PTNT gửi Ban Tuyên giáo TW ngày 11/3

Dư luận hy vọng, sự vào cuộc tức thì của Bộ NN-PTNT, Bộ TT-TT sẽ làm giảm được những thông tin sai trái, xuyên tạc. Với trường hợp “Đầm bầu thời trang Mami” hay “Trang Thao Mandy” rồi ông nhà khoa học kia… cơ quan chức năng sẽ xử lý đích đáng theo pháp luật.

Với một thông tin tốt đẹp, mỗi nút like, chia sẻ hay bình luận, cái tốt đẹp đó sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng tới hàng triệu người. Ngược lại, với những thông tin sai trái về DTLCP ngay lúc này, đó như mỗi “nhát dao” cứa vào tâm can đang não nề của người chăn nuôi, đẩy họ gần hơn tới bước đường cùng.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.