| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 21/12/2019 , 06:50 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:50 - 21/12/2019

Dịch vụ đòi nợ thuê tiềm ẩn tai ương gì?

Theo quy định, đòi nợ thuê là dịch vụ hỗ trợ giao dịch bình thường, nhưng những doanh nghiệp đòi nợ thường chứa đối tượng xấu ẩn mình.

Hình mang tính minh họa.

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP CM mới đây, Giám đốc Công an TPHCM - Trung tướng Lê Đông Phông một lần nữa khẳng định cần phải cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Trong nhịp sống công nghiệp với nhiều quan hệ chằng chéo, câu chuyện vay - trả của cá nhân lẫn doanh nghiệp gần như không thể tự giải quyết, mà cần một pháp nhân khác. Vì sao, sau vài năm cho phép các công ty đòi nợ thuê được hoạt động, bây giờ lại tẩy chay loại hình dịch vụ này?

Với địa bàn đô thị lớn như TPHCM, lực lượng công an xác định có 51 nhóm, 178 đối tượng có dấu hiệu cho vay, đòi nợ trái pháp luật. Năm 2018 không xử lý vụ nào thì năm 2019 đã xử lý 9 vụ, 38 nhóm, 168 đối tượng.

Theo quy định, đòi nợ thuê là dịch vụ hỗ trợ giao dịch bình thường, nhưng những doanh nghiệp đòi nợ thường chứa đối tượng xấu ẩn mình. Đòi nợ bằng khủng bố tinh thần, gây căng thẳng cho con nợ, mất trật tự nơi công cộng. Trung tướng Lê Đông Phong nhấn mạnh: "Quan điểm của chúng tôi không chấp nhận dịch vụ đòi nợ thuê, chúng tôi đã tham mưu UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ không cho tồn tại loại hình đòi nợ thuê”.

Trung tướng Lê Đông Phong không phải người đầu tư có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với dịch vụ đòi nợ thuê. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đã đưa ra dự thảo xếp dịch vụ đòi nợ thuê vào ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Và trên diễn đàn Quốc hội, những tranh cãi về dịch vụ đòi nợ thuê vẫn chưa ngã ngũ.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa lưu ý thực trạng các giấy tờ cho vay nếu mang ra toà sẽ vô hiệu bởi vi phạm nguyên tắc tự nguyện, vi phạm cho vay nặng lãi nên đã tìm tới dịch vụ đòi nợ, dẫn đến nhiều hệ luỵ sau đó. Đây là điều không thể chấp nhận.

Bên cạnh việc cấm dịch vụ đòi nợ thì để giải quyết loại tranh chấp này, cần tăng cường hệ thống hoà giải cơ sở, các hình thức hoà giải khác nhau, trong đó có Luật Hòa giải, đối thoại tại toà án đang trình Quốc hội xem xét.

Thực tế, hàng chục công ty đòi nợ thuê xuất hiện đã chứng tỏ nhu cầu có thật của xã hội đối với một dịch vụ tương đối khác biệt. Thậm chí, nhiều kiểu đòi nợ thuê như treo băng rôn, gọi điện hù dọa hoặc kinh khủng hơn là… ném mắm tôm vào nhà cũng đã xảy ra ở vài nơi. Tuy nhiên, nếu cấm dịch vụ đòi nợ thuê thì liệu các cơ quan chức năng có đủ sức can thiệp những giao dịch tiền bạc gặp vướng mắc trong cộng đồng không?

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phân tích cái được và cái chưa được của dịch vụ đòi nợ thuê: “Nếu chọn hình thức khởi kiện ra toà để đòi được một món nợ thì phải trải qua vô số thủ tục rườm rà, toàn bộ quá trình từ khi nộp đơn lần đầu cho đến khi có bản án phúc thẩm nhanh nhất là 250 ngày, chậm nhất thì vài năm.

Trong khi đó, năm 2018, thi hành án dân sự cả nước thu hồi được trung bình 32% giá trị tài sản có khả năng thi hành. Đó là chỉ tính những trường hợp con nợ còn tài sản, còn những con nợ đã tay trắng thì không tính (nếu tính cả thì chắc chắn con số thấp hơn 32% rất nhiều). Thời gian thi hành nhanh nhất là 150 ngày, còn nếu không thì vô vọng.

Như vậy, tổng kết lại thì quá trình này mất vài năm, khả năng thu hồi thấp hơn 32%. Án phí và phí thi hành án thì nguyên đơn phải tạm ứng. Nếu sử dụng dịch vụ thu hồi nợ thì  thời gian thu hồi chỉ trong 1-2 tháng, nhanh gọn hơn toà án và thi hành án dân sự rất nhiều.

Muốn cấm dịch vụ đòi nợ thuê, cũng không cấm được. Vì nếu, hành nghề bất hợp pháp thì có cấm cũng vô nghĩa. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ đã đăng ký thường dùng biện pháp thu hồi nợ văn minh, đúng pháp luật nếu chuyển sang cấm họ sẽ không được phép làm nữa.

Đối với các băng nhóm thu hồi nợ không đăng ký thì họ vẫn sẽ làm và thường dùng biện pháp thu hồi nợ bằng đe doạ, bạo lực. Khi các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp bị cấm thì các băng nhóm này càng dễ dàng mở rộng thị trường. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng chưa thấy có nước nào cấm dịch vụ đòi nợ thuê!”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng có suy nghĩ tương tự: “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thời gian vừa qua có việc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Ví dụ tín dụng đen, qua các tổ chức đòi nợ thuê, đứng sau là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt bớ, gây mất trật tự.

Cái đó rõ ràng phải nghiêm trị, nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và làm thì cần tuân thủ cái gì, vi phạm thì xử lý ra sao, chứ cấm là không hợp lý. Quan hệ kinh doanh ngày càng chằng chịt mà nợ nần thông qua tổ chức hợp pháp để đòi là văn minh chứ, đừng thấy vài vụ việc xảy ra mà chuyển từ cực này sang cực khác”.

Cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê, cũng là chủ đề khó tìm được tiếng nói chung trong giới luật sư. Theo luật sư Phạm Văn Thạnh thì nên siết chặt quản lý cung cấp dịch vụ đòi nợ vì thời gian qua có đối tượng dạng này rất lộng hành, thậm chí hành xử như giang hồ.

Họ đòi nợ bằng cách phát loa, giả danh cảnh sát 113 để gắn còi hụ vào xe khi đến đòi nợ. Thậm chí chiêu mới nhất mà họ sử dụng là điều tra ra trường học của con cái người có vay nợ, sau đó cứ canh sau giờ tan học thì đi theo về tận nhà làm con nợ phát khiếp.

Ngược lại, luật sư Hà Hải đề nghị tạo điều kiện cho dịch vụ đòi nợ thuê được phát triển: “Đành rằng có cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thi hành án... nhưng có bản án đã tuyên vẫn không thi hành được... Do vậy cần có lực lượng cung cấp dịch vụ đòi nợ trợ giúp. Nhưng cần có hệ thống văn bản dưới luật để hướng dẫn chặt chẽ, từ trình tự, thủ tục, các bước xử lý…”.

Các công ty đòi nợ thuê suốt một thập niên qua được quản lý bởi Nghị định 104/ 2007. Phải chăng, nghị định còn nhiều lỗ hổng không phù hợp, cho nên đã xảy ra nhiều tình trạng bát nháo đáng lo ngại?

Theo các chuyên gia tư pháp, nếu tiếp tục cho phép kinh doanh loại hình dịch vụ đòi nợ thuê thì cần có quy định cụ thể khai báo nhân sự, chứng chỉ hành nghề, lưu trữ giấy tờ để phục vụ thanh, kiểm tra.

Phải xưng danh hành nghề gồm tên người, công ty thu nợ, tên chủ nợ giới hạn thời gian gọi, liên lạc và nên cấm liên lạc với gia đình, bạn bè, hàng xóm, chủ sử dụng lao động và cấm các biện pháp xúc phạm, đe dọa, hủy hoại tài sản. Khi đòi được tiền thì phải có giấy tờ xác nhận, công bố số liên lạc của chính quyền dành cho người dân để tố cáo hành vi đòi nợ, vượt qua biện pháp được phép

Một thái cực đối lập của các công ty đòi nợ thuê chính là băng nhóm “xã hội đen”. Khi các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp bị cấm thì các băng nhóm “xã hội đen” sẽ dễ dàng mở rộng thị trường. Nếu vì không quản lý được mà cấm kinh doanh đòi nợ thuê thì sẽ làm gia tăng tình trạng chây ì, không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, sẽ làm gia tăng tình trạng tranh chấp bằng bạo lực, đe dọa và các hoạt động bất hợp pháp sẽ có trên thị trường.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giao cho Bộ Công an và Bộ Tư pháp học kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng quy định và thực thi thật nghiêm về quy định về dịch vụ đòi nợ thuê. Bởi lẽ, hầu hết các quốc gia tiến bộ trên thế giới đều thừa nhận sự tồn tại đúng nghĩa của các công ty đòi nợ thuê, như một ngành dịch vụ có điều kiện.

Bình luận mới nhất